Cô gái Nhật Bản 23 năm vì nông dân Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Mayu Ino vẫn độc thân ở tuổi 46 khi đã dành nửa đời mình sát cánh với hành trình giúp đỡ nông dân Việt Nam.
Mayu Ino, Giám đốc Seed To Table, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch bền vững.

Mayu Ino, Giám đốc Seed To Table, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch bền vững.

Người Nhật nhưng quên… Kanji

“Đang chuẩn bị gửi thư sang Nhật, cần viết địa chỉ bằng tiếng Nhật mà... quên Kanji. Mình sắp mất trí hay mất gốc đây?”, Mayu hóm hỉnh trên Facebook cá nhân trong “trạng thái bình thường mới” mà cô đã dần quen.

Kanji (Hán tự) là một trong 3 bảng chữ cái người Nhật thường dùng bên cạnh Hiragana và Katakana.

Khoảng thời gian đại dịch SARS xảy ra hồi năm 2003, đến thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản và nay là đại dịch Covid-19, Mayu đều ở Việt Nam.

Như mọi lần, dù lo cho gia đình ở Tokyo, mẹ già ngoài 70 tuổi, nhưng “bên kia phải tự xử thôi, mình có về cũng chẳng giải quyết được gì”.

Văn phòng Mayu làm việc nằm trong con hẻm nhỏ tại quận 3, TP.HCM, đối diện một trường tiểu học. Cô thường đứng lặng bên cửa sổ ngắm nhìn các em học sinh trong giờ ra chơi và nhớ về Tokyo, nhớ về mẹ. Thỉnh thoảng Mayu giở tấm hình mẹ với nụ cười hạnh phúc khi đang thu hoạch rau củ, khiến cô càng thấm thía về tấm lòng của mẹ. Suốt mấy chục năm qua, bà đã trồng rau theo phương pháp hữu cơ cho gia đình ăn.

“Cảm ơn mẹ luôn quan tâm đến sức khoẻ của gia đình. Nhờ mẹ chăm sóc tốt, con vẫn khoẻ như trâu, virus Corona không dám ‘hỏi thăm’ con”, Mayu chia sẻ bức ảnh về mẹ trên trang cá nhân. 

Dù con gái ở xa, không thể giúp mẹ công việc đồng áng hay nội trợ, nhưng chắc bà rất tự hào về cô con gái giỏi giang của mình. Cô đã dành cả tuổi thanh xuân, gắn bó với việc gieo mầm cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. “Bà sẽ càng vui hơn, khi biết người Việt rất biết ơn và yêu quý cô Mayu vô cùng”, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ về Mayu.

Không gần dân sẽ như bị… mù

Một tháng trước khi lên máy bay sang Việt Nam (năm 1997), mẹ Mayu sửng sốt trước lựa chọn của con gái.

“Mẹ tôi bất ngờ như con chim đang bay trên bầu trời thì đột ngột dừng lại”, Mayu nhớ lại khoảng thời gian giấu mẹ về việc sẽ đi Việt Nam thay vì sang Mỹ.

Mayu chọn Việt Nam, vì năm 1995, cô đã có dịp đến TP.HCM, sau đó rong ruổi ra Hà Nội và mãi không thể quên hình ảnh bà con nông dân làm ruộng trong những ngày đông lạnh giá.

“Hơn 20 năm trước, Việt Nam ít được biết đến như ngày nay, nên mẹ tôi đã khóc khi tiễn tôi ra sân bay”, Mayu kể. Mẹ cô chưa một lần ép buộc cô phải làm bất cứ việc gì nếu không muốn, luôn ủng hộ con gái dù lựa chọn đó là gì. Mayu tự quyết định sang Việt Nam, rồi đi suốt 23 năm đằng đẵng.

Kế hoạch ban đầu, cô chỉ ở Việt Nam 3 năm rồi đi Mỹ, nhưng đến 30 tuổi (năm 2004), mẹ cô hỏi “sắp về chưa, khi nào lập gia đình?”, thì Mayu trả lời rằng, con chỉ muốn tập trung vào công việc.

Lý do mà Mayu chọn con đường gắn bó với nông dân Việt Nam đơn giản là cái duyên. Thời gian đầu sống tại Việt Nam, cộng tác với một số tổ chức phi chính phủ, Mayu có cơ hội đi đến các tỉnh, thành phố, làm thân với nông dân qua chương trình hỗ trợ.

“Bà con rất tốt nên khi ấy, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm gì đó hợp tác và giúp đỡ họ”, Mayu nói về động lực thành lập Seed to Table.

Dự án Seed to Table do Mayu thành lập nhằm cung cấp thiết bị, trang bị kiến thức cần thiết để nông dân Bến Tre, Hòa Bình và Đồng Tháp có thể tự tạo ra nông sản hữu cơ và hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, quy trình đóng gói để xử lý nông sản sau thu hoạch. Dự án này được viện trợ bởi Chính phủ và một số công ty Nhật Bản.

Sau khi thành lập, Seed To Table ngoài việc chuyển giao công nghệ làm nông nghiệp sạch bền vững, còn nghiên cứu và tìm phương pháp giúp bà con hiểu cách sử dụng con giống, những lợi thế cũng như bất cập của giống mới, giống cũ… Cách chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.

Seed To Table đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, triển khai cho các cán bộ nòng cốt tại một số địa bàn của tỉnh Bến Tre trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch trong một dây chuyền khép kín: chọn giống, cách trồng và chăm sóc; làm nhà vườn để có hiệu quả cao và chống sâu bệnh; tập huấn việc mở những cửa hàng rau sạch, đóng gói sản phẩm… Kết quả là thu nhập của hàng ngàn bà con nông dân được nâng cao rõ rệt, khi sản phẩm sạch có giá thành cao hơn.

Đồng thời, mô hình ngày càng được nhân rộng về quy mô và chất lượng. Không chỉ ở các địa bàn tỉnh Bến Tre, mà còn được bà con nông dân ở các địa bàn lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… đến để học hỏi và làm quen.

Điều Mayu tâm đắc nhất là thông qua mô hình làm nông nghiệp sạch, người dân và các em học sinh đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và biết cách bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, thông qua việc được ăn những loại rau quả nông nghiệp sạch, họ sẽ yêu hơn phong cách hương vị ẩm thực của địa phương, cũng như biết cách ăn sản phẩm như thế nào để tốt cho sức khỏe của mình.

Để có được thành công, theo Mayu là phải tích cực đi sâu xuống cơ sở. “Nếu không xuống cơ sở, không đi hiện trường, không gần dân sẽ như bị mù và không thể đưa ra giải pháp đúng đắn giúp họ”, Mayu nói.

Thoạt nhìn sẽ tưởng Mayu là người Việt khi nói tiếng Kinh, tiếng Mường rất sõi, thạo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cô cũng thích hát nhạc Trịnh và mê mẩn các món ăn với mắm, dù là mắm tôm miền Bắc, mắm ruốc miền Trung, hay mắm cá linh, mắm cá sặc miền Tây.

Nửa đời mình đã gắn bó với Việt Nam, Mayu cho biết, cô hạnh phúc với lựa chọn đó của mình.

Tin bài liên quan