Bên cạnh các trường hợp bắt buộc phải thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm như thế chấp nhà ở, thế chấp quyền sử dụng đất, thì nhiều cá nhân, tổ chức vẫn băn khoăn rằng nếu không thuộc trường hợp bắt buộc, liệu họ có thể tự đơn phương yêu cầu cơ quan nhà nước tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm khi nhận cầm cố được không?
Nghị định 102 và Thông tư 08 giới hạn những trường hợp được phép đăng ký biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu
Tùy thuộc vào loại biện pháp bảo đảm và tài sản bảo đảm mà việc đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ thực hiện theo một trong hai cơ chế: bắt buộc đăng ký hoặc tự nguyện đăng ký theo nhu cầu.
Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm trước đây quy định 05 trường hợp bắt buộc phải đăng ký, bao gồm: i) thế chấp quyền sử dụng đất; ii) thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng, iii) cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; iv) thế chấp tàu biển; v) các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.
Các giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc những trường hợp bắt buộc thì được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Theo đó, ví dụ như bên nhận cầm cố ô tô, xe máy,… nếu muốn đều có thể đăng ký biện pháp bảo đảm này.
Tuy nhiên, đến khi Nghị định 102/2017/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định nêu trên (hiện nay được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2018/TT-BTP, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2020/TT-BTP) đã giới hạn các trường hợp được phép đăng ký tự nguyện theo nhu cầu.
Cụ thể, Điều 5 Thông tư này quy định Trung tâm Đăng ký sẽ thực hiện đăng ký các biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong 02 trường hợp: một là, thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển bao gồm cả thế chấp động sản hình thành trong tương lai; hai là, bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản, trừ tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu.
Như vậy, việc đăng ký tự nguyện chỉ áp dụng cho 02 biện pháp bảo đảm là thế chấp và bảo lưu quyền sở hữu, không áp dụng đối với “cầm cố”. Dù muốn thì bên nhận cầm cố cũng không thể đăng ký biện pháp bảo đảm cho những tài sản mình đã nhận cầm cố.
Rủi ro từ việc không thể đăng ký biện pháp cầm cố theo yêu cầu
Giả sử anh A đem xe máy đến cầm cố cho ông B để vay một khoản tiền và có giao cho ông B giữ cà vẹt xe. Sau đó, anh A ngỏ ý muốn thuê lại xe máy để sử dụng và ông B đồng ý vì cho rằng mình đang giữ cà vẹt xe nên anh A không thể bán hoặc dùng để bảo đảm ở nơi khác. Tuy nhiên, sau đó anh A làm giả cà vạt xe và đem bán cho bên thứ ba (ông C). Khi này, rắc rối xảy ra xung quanh ông B và ông C.
Theo pháp luật dân sự, bên cầm cố chỉ được bán tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định pháp luật. Như vậy, giao dịch giữa anh A và ông C là vô hiệu, ông C có nghĩa vụ giao trả xe máy lại cho bên nhận cầm cố là ông B. Tuy nhiên, từ khía cạnh pháp luật đến khi áp dụng vào thực tiễn là cả một quá trình dài và phức tạp, bởi bên nào cũng cho rằng lợi ích của họ bị xâm phạm, đặc biệt là ông C đã thanh toán tiền cho anh A nhưng phải giao trả xe, giờ đây lại không biết tìm anh A ở đâu để đòi lại tiền.
Vấn đề này có thể được giải quyết phần nào nếu pháp luật cho phép các bên được đăng ký cầm cố theo nhu cầu, mang lại lợi ích kép cho cả bên nhận cầm cố và các bên có liên quan. Bởi lẽ một khi biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân, tổ chức đều có thể liên hệ cơ quan nhà nước để được cung cấp thông tin. Đối với tài sản không phải là tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm chính là Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Về khía cạnh người có nhu cầu mua hoặc nhận tài sản bảo đảm, họ sẽ có kênh để kiểm tra xem loại tài sản này có được cầm cố, bảo đảm cho giao dịch nào hay chưa? Ngược lại, từ phía người nhận cầm cố, khi chủ động đăng ký biện pháp bảo đảm, nghĩa là họ tự tạo thêm một vòng bảo vệ đối với tài sản cầm cố.
Hướng gợi mở từ Nghị định 21/2021/NĐ-CP
Nghị định 21/2021/NĐ-CP mới được ban hành ngày 19-03-2021 (áp dụng từ ngày 15-05-2021) có quy định liên quan đến đăng ký bảo đảm đối với biện pháp cầm cố. Cụ thể, khoản 2, 3 Điều 23 Nghị định này quy định: “2. Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba”, “3. Trường hợp không thuộc khoản 2 Điều nàythì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm”.
Theo đó, nếu liên kết khoản 2, 3 này, có thể hiểu rằng Nghị định 21/2021/NĐ-CP đã gián tiếp thừa nhận vẫn có thể đăng ký bảo đảm đối với biện pháp cầm cố khi có thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của bên nhận cầm cố.
Hướng quy định của Nghị định 21/2021/NĐ-CP là phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo thêm một kênh để người tham gia giao dịch có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có không ít tranh cãi về việc liệu có thể dựa trên quy định trên để đăng ký biện pháp cầm cố hay không, khi mà Nghị định chuyên biệt về đăng ký biện pháp bảo đảm đang có hiệu lực (Nghị định 102/2017/NĐ-CP) lại không cho phép đối với trường hợp này. Vì vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc đăng ký cầm cố, thiết nghĩ Nghị định 102/2017/NĐ-CP cần phải cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần nêu trên tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
“Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”