Cổ đông VPBank khi nào được nhận cổ tức tiền mặt?

Cổ đông VPBank khi nào được nhận cổ tức tiền mặt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VPBank sẽ thực hiện chi trả gần 8.000 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 cho các cổ đông trong quý II hoặc III năm nay. Ngân hàng dự kiến duy trì hoạt động này trong ít nhất 5 năm sắp tới.

Trả cổ tức tiền mặt 5 năm liên tục

Cổ đông của ngân hàng VPBank một lần nữa được lãnh đạo ngân hàng này khẳng định về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt liên tiếp trong 5 năm sắp tới khi đây là một trong những hạng mục quan trọng bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng mà ngân hàng đặt ra trong chiến lược phát triển 5 năm 2022-2023 tới đây.

Bên cạnh thông tin nói trên, các cổ đông sẽ lần đầu tiên nhận món cổ tức bằng tiền mặt khi ngân hàng thực hiện chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 ngay trong quý II, hoặc muộn nhất là quý III năm nay, theo chia sẻ của Phó tổng giám đốc thường trực của VPBank, bà Lưu Thị Thảo, trong cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư chiều 21/5.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên tổ chức trong tháng 4, ban lãnh đạo của ngân hàng cho biết ngân hàng sẽ dành tới 30% lợi nhuận hàng năm chia cổ tức cho cổ đông trong 5 năm sắp tới.

Ban lãnh đạo VPBank khá lạc quan vào triển vọng kinh doanh của ngân hàng trong trung-dài hạn và năng lực đáp ứng kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông khi VPBank hiện là 1 trong những ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc nhất trong hệ thống. Nền tảng này được thiết lập và củng cố từ các đợt tăng vốn trong quá khứ và gần đây nhất cùng thương vụ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tới từ Nhật Bản – mang về cho ngân hàng gần 36.000 tỷ đồng vốn cấp 1.

Trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ vừa qua, ngân hàng đã nhận 10% số tiền đặt cọc từ SMBC và hiện đang chờ các thủ tục cuối cùng trong quy trình phát hành riêng lẻ và tăng vốn theo quy định hiện hành để hoàn thiện thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Ngân hàng dự kiến sẽ nhận tiếp 90% số tiền còn lại từ đối tác trong khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 năm nay.

Như vậy, nguồn vốn tăng cường sẽ trở thành bàn đạp giúp ngân hàng thực hiện các kế hoạch tăng trưởng tham vọng, trong đó có việc mở rộng danh mục khách hàng sang đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và lớn – nhờ khai thác nguồn khách hàng lớn là các công ty và tập đoàn đa quốc gia của đối tác chiến lược SMBC.

VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng với mức tăng trưởng kép trong 5 năm là 35%, và tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng đa năng với trụ cột chính là bán lẻ, trong đó tỷ trọng bán lẻ trên tổng danh mục tín dụng đạt trên 70%.

Các động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ việc đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng thông qua khai thác sâu phân khúc trung lưu, cao cấp và tiếp tục tối ưu cơ hội trong các phân khúc tiềm năng đối với khách hàng cá nhân. Đồng thời gia tăng các sáng kiến và giải pháp tài chính toàn diện, mở rộng hệ sinh thái đối tác, nhằm thúc đẩy quy mô và chiếm lĩnh thị phần cho phân khúc SME.

Lực đẩy từ chính sách

Trước các lo lắng về tình hình tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính-ngân hàng, từ đó tác động lên hoạt động kinh doanh của ngành trong năm 2023, VPBank cho biết ngân hàng vẫn duy trì góc nhìn lạc quan vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế – đặc biệt khi nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và ngành được ban hành trong thời gian gần đây.

Việt Nam, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính uy tín, nổi lên như một quốc gia dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN, với GDP ước đạt 6,5% trong năm 2023. Các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nội địa được chỉ ra bao gồm cầu tiêu dùng và khu vực dịch vụ phục hồi, đầu tư công tăng tốc và hoạt động đầu tư nước ngoài sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu tín dụng gia tăng để phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Số liệu thống kê quý I/2023 cho thấy GDP tăng 3,32% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động dịch vụ tăng trưởng 6,79%, cao hơn mức 4,52% của quý I/2022.

Bên cạnh đó, nhiều quyết sách quan trọng từ phía nhà điều hành như Nghị định 08, Nghị định 10, Nghị quyết 33, và Đề án 338… đã được ban hành trong 4 tháng đầu năm trong nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý cho thị trường bất động sản và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư bất động sản.

Đáng chú ý, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đi vào hiệu lực cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay trong lĩnh vực sản xuất-kinh doanh và cho vay tiêu dùng, đồng thời điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay này.

Cùng với đó, Thông tư 03 cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu như hiện tại và thanh khoản đang dư thừa tại các ngân hàng.

Hai thông tư này, theo một phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect, sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng, đồng thời giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN.

Tin bài liên quan