Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của VNM diễn ra sáng nay tại TP.HCM đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 và định hướng chiến lược 5 năm 2017-20121.
Theo đó, năm 2017, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016; tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế sẽ dùng để chia cổ tức.
Trong chiến lược 5 năm 2017-2021, VNM có định hướng chiến lược đầu tư để giành thế dẫn đầu áp đảo ở tất cả các ngành hàng sữa; phát triển thị trường với sự đổi mới và hỗ trợ; tạo ra những năng lực để thắng lợi ở mảng ngành hàng lạnh; phát triển kênh bán hàng mới; xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác...
Cụ thể, tổng doanh thu mục tiêu hướng tới là 80.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu nội địa 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường. Tổng mức đầu tư dự kiến 17.000 tỷ đồng, công suất sản xuất bình quân tăng lên 2,8 triệu tấn/năm vào năm 2021, tăng 70% so với công suất bình quân năm 2016.
Tính đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại của Vinamilk dự kiến đạt 44.400 con. Lượng sữa thu mua từ các trang trại Vinamilk đạt 157.000 tấn và lượng sữa thu được từ các hộ nông dân đạt 251.000 tấn.
Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua các vấn đề quan trọng khác như thay đổi cơ cấu quản trị kiểm soát từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (tên gọi khác là Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng Quản trị); thực hiện các nghĩa vụ của Hội đồng Quản trị theo mô hình mới; phê duyệt nâng tổng số thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 -2021 lên 9 thành viên và sửa đổi điều lệ theo cơ cấu quản trị mới.
9 thành viên tham gia ứng cử HĐQT mới là ông Michael Chye Hin Fah (Singapore), Phó chủ tịch điều hành Thai Beverage Public Company Limited; ông Lee Meng Tat, Phó giám đốc Ngân quỹ, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp DBS Bank Ltd (cùng đại diện cho Fraser and Neave Limited, cổ đông sở hữu 17,88% VNM); ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons; bà Đặng Thị Thu Hà, Phó trưởng ban - Ban Đầu tư 3 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); ông Nguyễn Hồng Hiển, Thành viên HĐQT CTCP Trapharco (đại diện cho SCIC); ông Đỗ Lê Hùng, Giám đốc Kiểm toán và Kiểm soát nội bộ Công ty Big C Việt Nam; ông Lê Thành Liêm, quyền Giám đốc điều hành Tài chính kiêm Kế toán trưởng VNM; bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM và bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT VNM.
Tại đại hội, bà Mai Kiều Liên cho biết, quý I/2017, doanh thu của Công ty tăng 16,1%, lợi nhuận trước thuế tăng 30,3%, lợi nhuận sau thuế là 34% so với cùng kỳ 2016. Bà Liên cũng tự tin với kế hoạch kinh doanh năm 2017 và kế hoạch 5 năm tới.
Tại đại hội, cổ đông thắc mắc sao kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng tốt như vậy, nhưng Công ty lại đặt kế hoạch tăng trưởng cả năm chỉ 4-5%.
Về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên cho biết, giá sữa nguyên liệu trên thị trường tăng cao, nhưng doanh thu và lợi nhuận quý I/2017 của VNM vẫn tăng, vì Công ty đã chủ động cắt giảm chi phí maketing và quảng cáo. Công ty hy vọng kết quả kinh doanh các quý sau cũng tốt như quý I, để kết quả năm 2017 đạt kế hoạch một cách ngoạn mục.
“Tất nhiên, HĐQT cũng phải có nhiều phương án kinh doanh khác, vì chưa thể biết thị trường những quý sau sẽ phát triển theo chiều nào”, bà Liên nói và đề nghị cổ đông đồng ý với các chỉ số kinh doanh mà HĐQT đã trình, HĐQT cam kết sẽ đạt con số tối thiểu, mặc dù trong nhiều năm qua, VNM luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Với những câu hỏi về thị phần các mặt hàng như sữa đậu nành, kem… của VNM còn khá nhỏ so với một số công ty khác, bà Liên cho rằng, những ngành hàng này có thị trường còn khá nhỏ so với những mặt hàng VNM đang có thể mạnh, tuy nhiên VNM cũng sẽ cân nhắc bàn bạc nên phát triển các ngành hàng này như thế nào. Về vấn đề chia cổ phiếu thưởng, HĐQT không trình trong năm nay, vì chờ xem kết quả kinh doanh 2017, hơn nữa Công ty đang dự phòng tiền cho các kế hoạch phát triển lớn trong năm 2017.
Trước một số câu về việc tại sao đề xuất ông Nguyễn Bá Dương làm thành viên HĐQT, vì trên mạng xã hội cũng có một số thông tin không tốt, bà Mai Kiều Liên nói rằng, bà không có Facebook, nên cũng không rõ mạng xã hội nói gì. Tuy nhiên, khi lựa chọn thành HĐQT ban lãnh đạo cũng nghiên cứu rất kỹ về các nhân sự mới, bởi VNM là doanh nghiệp tiên phong về ban quản trị mới.
“Coteccons đang phát triển rất mạnh, chúng ta cũng nên cẩn trọng với các thông tin trên mạng xã hội”, bà Liên nói.
Bà Lê Thị Băng Tâm cũng chia sẻ thêm, ông Nguyễn Bá Dương cũng là nhà lãnh đạo Top 10 xuất sắc nhất Việt Nam.
Tiếp tục trả lời thắc mắc của các cổ đông về thông tin có khả năng VNM sẽ bị các cổ đông nước ngoài thâu tóm, bà Liên nói rằng, VNM là công ty đại chúng, nên bất kể thành viên lớn nhỏ đều phải vì thương hiệu của VNM, nên mong cổ đông đừng phân biệt cổ đông nước ngoài hay trong nước. Hơn nữa, VNM hiện cũng đang hoạt động như một công ty đa quốc gia.
Về kế hoạch thoái vốn tiếp theo của SCIC, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC đã thực hiện đợt 1 và hiện nay đang tiếp tục kế hoạch thoái vốn đợt 2 sau khi có sự chấp thuận của Chính phủ về phương thức và thời gian để đảm bảo tối ưu lợi nhuận của Nhà nước, ổn định thị trường chứng khoán và đảm bảo sự phát triển của thương hiệu VNM.
Một số cổ đông thắc tại sao VNM lại phải thay đổi mô hình quản trị mới và tính pháp lý của mô hình này?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Công ty Luật Vilaf được VNM giới thiệu đại diện trả lời rằng, tính pháp lý của mô hình mới đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp. Vì thế, nếu VNM chuyển sang mô hình mới hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp và cũng rất phù hợp với xu thế mới.
“VNM chính là công ty tiên phong cải cách đi đầu trong mô hình quản trị tiên tiến hơn” đại diện công ty Luật nhìn nhận.