Ngày 15/4 vừa qua, CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016 thông qua kế hoạch kinh doanh năm, với chỉ tiêu doanh thu đạt 2.336 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 146,5 tỷ đồng, tăng trưởng so với thực hiện năm 2015 lần lượt 11% và 5,4%. Mức chi cổ tức dự kiến là 20%, nếu kết quả kinh doanh vượt dự kiến sẽ chi bổ sung 5% cổ tức.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của VFG đạt 139 tỷ đồng, tăng 15,98% so với kế hoạch. Trong đó, mảng nông dược và giống cây trồng đóng góp trên 80%. ĐHCĐ đã thống nhất đề xuất chi bổ sung cổ tức đợt 3/2015 tỷ lệ 10% với số tiền hơn 17,6 tỷ đồng, thay vì mức 5% như đã đề xuất trước đó. Sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức, lợi nhuận chưa phân phối năm 2015 của VFG là 72,7 tỷ đồng. Lũy kế qua các năm, tổng lợi nhuận chưa phân phối là 248,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2015, khoản lợi nhuận từ Khách sạn Novotel vẫn chưa quyết toán vào lợi nhuận hợp nhất của Công ty do một số tranh chấp.
Những năm qua, doanh thu, lợi nhuận của VFG tăng trưởng khá tốt, tốc độ tăng quy mô vốn hóa là chưa tương xứng. Cho rằng giá cổ phiếu VFG trên thị trường tương đối tốt nhưng thanh khoản lại rất thấp do khối lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường nhỏ, một số cổ đông VFG đã đề xuất bên cạnh chi bổ sung cổ tức, VFG nên phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Tại thời điểm 31/12/2015, vốn chủ sở hữu của VFG là 709 tỷ đồng trên vốn điều lệ 176,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HĐQT VFG cho biết, Công ty chưa có kế hoạch tăng vốn. Việc phát hành cổ phiếu thưởng, theo HĐQT VFG, sẽ pha loãng giá trị cổ phiếu VFG, trong khi Công ty có định hướng cân đối các yếu tố, nhằm đảm bảo sự ổn định về hoạt động của Công ty cũng như thị giá cổ phiếu VFG.
Về kế hoạch đầu tư, hiện nhà máy của VFG tại KCN Lê Minh Xuân đạt sản lượng 3.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng khối nông dược, quy mô doanh số tăng từ 1.200 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng nên về công suất, nhà máy này không đáp ứng nổi. Trước tình hình đó, năm nay, HĐQT VFG đầu tư 150 tỷ đồng triển khai xây mới nhà máy thuốc bảo vệ thực vật tại Khu công nghiệp Thái Hòa (Long An) với công suất 9.500 tấn/năm.
Dự kiến, sản lượng của VFG sẽ tăng lên gấp đôi khi nhà máy này đi vào hoạt động. Tại đây, bên cạnh sản phẩm truyền thống, VFG sẽ phát triển thêm sản phẩm riêng là pha chế phối trộn thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư cho giống cây trồng ngoài cây lúa, các giống biến đổi gen. Dự án có thời gian hoàn vốn là 4 năm 5 tháng, và sẽ đi vào hoạt đông từ quý II/2017. Vốn đầu tư từ vay ngân hàng và vốn tự có.
Bên cạnh đó, VFG dự chi cho các hoạt động đầu tư khác tại các chi nhánh với số tiền 31 tỷ đồng. Tổng ngân sách đầu tư cho năm 2016 dự kiến là 181 tỷ đồng. Tính đến nay, VFG có tổng cộng 16 chi nhánh trải dài khắp cả nước; trong đó, 85% thị trường tiêu thụ đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.