Cổ đông từ chối mua hơn 3 triệu cổ phiếu SRA
Theo thông báo từ Sara Việt Nam, ngày 17/1/2019 là ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông nhận quyền mua cổ phiếu ưu đãi tỉ lệ 1:8 của Công ty. Theo đó, những nhà đầu tư có tên trong danh sách cổ đông của SRA tại ngày này sẽ được quyền mua vào cổ phiếu của Công ty. Cứ 1 cổ phiếu đang sở hữu, sẽ được quyền mua thêm 8 cổ phiếu mới.
Trước ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ phiếu SRA có giá 33.500 đồng. Tại ngày chốt quyền, giá tham chiếu điều chỉnh về 12.600 đồng/cổ phiếu và sau đó đã tăng liên tục, đạt mức cao nhất là 20.900 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/2/2019, ngày liền trước hạn đăng ký mua vào A. Ở mức giá này, mỗi cổ phiếu SRA được giao dịch với giá gấp đôi so với giá chào bán thêm của Công ty là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, SRA vẫn có tới 3.156.024 cổ phiếu bị cổ đông từ chối thực hiện quyền mua trên tổng số 16 triệu cổ phần chào bán, tương đương gần 20% lượng cổ phần chào bán mới theo phương án ban đầu. Đây là lý do khiến Hội đồng quản trị Công ty phải thực hiện phân phối lượng cổ phần không chào bán hết cho 3 cá nhân, gồm Phạm Thị Kim Chi (1,2 triệu cổ phiếu), Hoàng Văn Ba (1.156.024 cổ phần) và Trần Lê Ánh Nguyệt (800.000 cổ phần).
Vì sao có tới 20% lượng cổ phần bị cổ đông từ chối mua, dù rằng với sự từ chối này, họ có thể bị thiệt hại tới hơn 30 tỷ đồng về mặt giá trị (nếu so sánh với giá cổ phiếu SRA tại hạn cuối cùng nộp tiền)? Câu trả lời có lẽ nằm ở niềm tin của nhà đầu tư vào Công ty.
Bà Nguyễn Thị Th., một cổ đông sở hữu cổ phiếu SRA cho biết, cá nhân bà đã “mắc kẹt” với cổ phiếu này nhiều năm, nên tại ngày cuối cùng nộp tiền thực hiện quyền mua, bà đã lựa chọn bán ra số cổ phiếu đang sở hữu và chuyển số tiền thu được từ bán cổ phiếu đang có sang thực hiện quyền mua. Với phương án này, bà Th. không bỏ thêm đồng tiền mới nào vào Công ty, nhưng được tăng gấp đôi số lượng cổ phiếu SRA và bỏ đi phần lớn hơn số cổ phiếu được quyền mua phát hành thêm.
Chất lượng tài sản và hiệu quả kinh doanh
Nhà đầu tư từ bỏ lượng lớn cổ phiếu SRA phát hành thêm khi được mua với giá chỉ quanh mức 50% thị giá, vì sao?
Tại Báo cáo tài chính quý IV/2018, Báo cáo tài chính Công ty mẹ SRA cho thấy, dù có vốn chủ sở hữu 62,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 20 tỷ đồng, doanh thu cả năm của Công ty mẹ chỉ 13 tỷ đồng, nhưng SRA vẫn có khoản phải thu do trả trước khách hàng lên tới 35 tỷ đồng với Công ty cổ phần Kanpeki Nhật Bản.
Đây là doanh nghiệp có địa chỉ tại Biệt thự số 35 BT5, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, trùng với địa chỉ phần giới thiệu Sara Việt Nam trên website của Công ty. Tuy nhiên, cũng trên website này (và trên Báo cáo tài chính của Công ty), địa chỉ của Sara Việt Nam ghi là tại Tầng 6, Tòa nhà Nam Hải, Lô 1-9A Khu đô thị Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Trên Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, năm 2018, Sara Việt Nam lãi hợp nhất trước thuế 105,16 tỷ đồng, lãi sau thuế 104,874 tỷ đồng, tương đương phần thuế thu nhập doanh nghiệp nhóm công ty hợp nhất phải nộp là gần 284 triệu đồng.
Sara Việt Nam không giải trình việc số thuế thu nhập vì sao thấp như vậy (trong khi công bố mức thuế thu nhập phải nộp là 20% phần lợi nhuận chịu thuế), nhưng việc tăng lợi nhuận lớn không kèm với thuế thu nhập phải nộp diễn ra vào năm trước thời điểm tăng vốn, sau đó phần tiền tương ứng với lợi nhuận thu được chảy sang chủ yếu các khoản phải thu, đầu tư tài chính… khiến nhiều nhà đầu tư “ngại” đặt niềm tin vào Công ty.
Dư luận đang dõi theo việc sử dụng vốn của Sara Việt Nam từ đợt phát hành mới. Cổ phiếu SRA sẽ cải thiện niềm tin nếu Công ty hiện thực hóa được kế hoạch lợi nhuận từ các dự án đầu tư từ nguồn vốn huy động như Bản cáo bạch phát hành đã công bố.