Gần đây, nhiều DN bảo hiểm thay đổi nhân sự cấp cao

Gần đây, nhiều DN bảo hiểm thay đổi nhân sự cấp cao

Cổ đông quyết thay CEO bảo hiểm

(ĐTCK) Tổng giám đốc (CEO) bị yêu cầu thay thế khi việc chèo lái DN không đạt kỳ vọng của cổ đông, nhưng cũng có trường hợp cổ đông lớn không “ưa” hoặc muốn đưa người của mình vào ban lãnh đạo.

Tại ĐHCĐ năm 2014 của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) mới đây, quyết định thay đổi người đại diện tại ABIC của cổ đông lớn là Agribank đã được trình đại hội và thông qua. Bà Hoàng Thị Tính làm Tổng giám đốc ABIC thay ông Nguyễn Văn Minh. Cùng với đó, ông Nguyễn Hữu Lương được bầu làm thành viên HĐQT ABIC thay ông Minh. Ông Minh tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ABIC cho đến khi Bộ Tài chính phê duyệt chức danh này đối với ông Lương. Như vậy, sắp tới, ông Minh sẽ rời khỏi cả hai vị trí chủ chốt tại ABIC là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Một tập đoàn tài chính bảo hiểm khác cũng đã thông qua việc đổi CEO. Mới đây nhất, Samsung Vina (SVI) bổ nhiệm người của Samsung làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Trịnh Quang Tuyến. Quyết định này xuất phát từ cổ đông Samsung khi Vinare, đối tác cùng liên doanh lập nên SVI đã không còn nắm 50% vốn như trước. Thay vào đó, cổ đông Samsung hiện sở hữu 75% SVI sau khi nhận chuyển nhượng thêm 25% từ Vinare (Vinare hiện nắm 25% vốn tại SVI).

Trước đó, tại ĐHCĐ Bảo hiểm Hàng không, việc thay CEO bảo hiểm là ông Nguyễn Anh Đức cũng được các cổ đông nhỏ đặt ra. Theo một số cổ đông, CEO đương nhiệm chưa đạt kỳ vọng của cổ đông. Tuy nhiên, sau khi Ban lãnh đạo Bảo hiểm Hàng không cùng cổ đông lớn chỉ ra những điểm Ban lãnh đạo hiện tại đã làm được so với thời CEO tiền nhiệm trước đó là ông Đỗ Văn Hải thì các cổ đông nhỏ tỏ ra đồng cảm với CEO đương nhiệm.

Tại BSH, sau nhiều lần thay CEO, đến nay vẫn chưa thấy DN này công bố có CEO lấp chỗ trống. Theo một số nguồn tin, việc tìm kiếm CEO phù hợp theo ý của cổ đông lớn là SHB, SHS, TNT… không dễ dàng đối với BSH.

Với riêng ABIC, việc cùng lúc thay cả CEO lẫn Chủ tịch nêu trên do chủ ý của Agribank khiến thị trường khá xôn xao. Bởi thực tế, trong nhiều năm kiêm nhiệm 2 vị trí chủ chốt trên của ông Minh, ABIC đã đạt được những kết quả hoạt động tương đối khả quan.

Năm 2013, tại ABIC, các chỉ tiêu tài chính cơ bản như tổng tài sản, quỹ dự phòng nghiệp vụ, doanh thu đều tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 11,37%, ngoại trừ sự cố bất khả kháng liên quan đến việc bồi thường Vinalines Queen khiến doanh nghiệp này phải vay vốn để bồi thường. Ngày 31/7/2013, ABIC đã vay Ngân hàng Quân đội (MB) 402,230 tỷ đồng, lãi suất tiền vay 7%/năm. ABIC cho biết, ngay sau khi vay, Công ty đã cố gắng thu hồi bồi thường của các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm (đến 31/12/2013 thu hồi được 557,64/568,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,16%). Ngày 19/9/2013, ABIC đã thanh toán hết số nợ gốc và lãi cho MB (số tiền lãi là 1,958 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu của ĐTCK, quyết định thay đổi cả Chủ tịch lẫn CEO ABIC chủ yếu do sự điều chuyển nhân sự từ Agribank căn cứ trên năng lực quản lý của nhân sự trong hiện tại.

Cụ thể, ngày 27/12/2013, trước khi được bổ nhiệm làm CEO ABIC, bà Tính được Hội đồng thành viên Agribank cử là đại diện vốn thứ hai của Ngân hàng tại ABIC (thay ông Đỗ Quang Vinh) và ứng cử vào chức danh quản lý tại ABIC. Đồng thời, theo tờ trình phê chuẩn việc HĐQT bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc ABIC, việc ông Minh thôi vị trí CEO ABIC còn căn cứ vào năng lực quản lý của nhân sự hiện tại của Công ty trên cơ sở đề xuất của ông Minh tại kỳ họp ngày 31/5/2014. Ngoài ra, việc thôi kiêm nhiệm cũng nằm trong kế hoạch từ trước. Năm ngoái, ĐHCĐ ABIC đã chấp thuận cho Chủ tịch HĐQT tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty cho đến khi có Tổng giám đốc mới thay thế và báo cáo nhân sự đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc tại ĐHCĐ 2014.

Là chủ sở hữu DN, các cổ đông đều có quyền đưa ra quan điểm về chiến lược phát triển DN cũng như người chèo lái DN. Thực tế, nếu DN phát triển đi lên thì cổ đông tiếp tục giữ quan điểm đó, còn ngược lại hoặc DN ở thế “nằm im” thì CEO cùng Ban lãnh đạo thường bị mang ra “phán xét”, thậm chí yêu cầu thay người. Tuy nhiên, đối với cổ đông nắm quyền chi phối là các ngân hàng, tổ chức lớn, quyết định thay đổi lãnh đạo DN có thể đến từ việc hai bên (cổ đông nắm quyền chi phối với người đại diện tại DN) không “thích” nhau.

Tin bài liên quan