Mùa công bố báo cáo kiểm toán và Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đang đến gần. Theo quy định hiện hành, nếu trên báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp có khoản ngoại trừ hoặc có điều chỉnh lớn về số liệu thì tại ĐHCĐ của doanh nghiệp, kiểm toán viên phải có mặt để giải trình về những điểm ngoại trừ này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tính tuân thủ quy định này chưa tốt. Quan sát của cá nhân ông ra sao?
Tại Thông tư số 121/2012 của Bộ Tài chính, quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ bắt buộc phải mời kiểm toán viên tham gia ĐHCĐ khi báo cáo kiểm toán có các khoản ngoại trừ trọng yếu. Còn trong các trường hợp khác, HĐQT được quyền lựa chọn mời hay không mới kiểm toán viên tham gia ĐHCĐ.
Tuy nhiên, chưa có quy định nào bắt buộc hay hướng dẫn kiểm toán viên khi tham dự và trả lời các câu hỏi của cổ đông tại ĐHCĐ. Do vậy, kiểm toán viên thông thường sẽ không trả lời trực tiếp câu hỏi của cổ đông khi kiểm toán viên tham gia ĐHCĐ, do một phần là kiểm toán viên bị ràng buộc về tính bảo mật thông tin và một phần là BCTC thuộc trách nhiệm của Ban giám đốc lập và đảm bảo tính trung thực, nên Ban giám đốc có nghĩa vụ trực tiếp giải trình cho các cổ đông.
Ông Trần Hồng Kiên
Việc công ty đại chúng kém tuân thủ quy định này, theo ông, nguyên nhân là gì?
Có thể có trường hợp HĐQT doanh nghiệp đại chúng chưa thực hiện đúng yêu cầu phải mời kiểm toán viên tham dự ĐHCĐ để trình bày về các vấn đề ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, ngay cả khi họ thực hiện đúng quy định này, tôi hiểu là Việt Nam chưa có quy định nào về việc kiểm toán viên bắt buộc phải tham dự hay bắt buộc phải trả lời các câu hỏi của cổ đông về các vấn đề tài chính thuộc trách nhiệm của Ban giám đốc.
Theo tôi được biết, hiện một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Australia và Hồng Kông đã ban hành hướng dẫn về nghĩa vụ của kiểm toán viên phải tham dự ĐHCĐ và trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác kiểm toán, ví dụ về tính độc lập của kiểm toán, về quá trình thực hiện việc kiểm toán, hay về các nội dung nêu ra trong báo cáo kiểm toán.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường chưa tách biệt được chức năng quản trị và điều hành doanh nghiệp nên tính độc lập giữa HĐQT và Ban giám đốc chưa cao. Do vậy, trong cuộc họp ĐHCĐ, các vấn đề liên quan đến điều hành hay liên quan đến bất đồng quan điểm với kiểm toán viên nếu có cũng chỉ được trao đổi ở mức độ hạn chế với cổ đông.
Thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ nặng dù các năm trước đều đưa ra con số lợi nhuận tích cực và được kiểm toán xác nhận là trung thực, hợp lý. TTF là một ví dụ vì bỗng dưng biến mất khoản hàng tồn kho lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Những trường hợp như vậy gây thiệt hại rất lớn cho cổ đông, nhà đầu tư, dù vậy, chưa có trường hợp công ty kiểm toán, kiểm toán viên nào phải chịu trách nhiệm với những báo cáo kiểm toán đó. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Khi kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần cho BCTC mà còn các sai sót trọng yếu chưa được phát hiện thì trách nhiệm của kiểm toán viên đến mức độ nào, cần phải xem xét chi tiết trong từng trường hợp cụ thể.
Tôi sẽ không đi sâu vào việc phân tích các trách nhiệm cụ thể đối với kiểm toán viên là gì và khi nào trách nhiệm đó có thể được miễn trừ vì việc này cần có sự kiểm tra chi tiết quy trình và hồ sơ kiểm toán, cũng như phụ thuộc vào các chế tài xử phạt kiểm toán viên đã có trong luật kiểm toán và các hướng dẫn liên quan.
Ở đây, tôi muốn đi sâu hơn về khía cạnh tại sao BCTC có các sai sót trọng yếu mà kiểm toán viên không phát hiện được các sai sót này để yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh BCTC hay kiểm toán viên phát hành ý kiến kiểm toán loại trừ về các vấn đề đó.
Đầu tiên, phải nói đến nguyên nhân của sai sót trọng yếu. Nếu sai sót trọng yếu liên quan đến yếu tố gian lận hay hành vi cố ý của Ban giám đốc làm sai lệch BCTC thì không một kiểm toán viên nào có thể đảm bảo sẽ phát hiện được tất cả các hành vi gian lận này.
Kiểm toán viên chỉ có thể bảo vệ mình khỏi các hành vi gian lận dẫn đến sai sót trọng yếu trong BCTC thông qua việc thực hiện thủ tục chấp thuận khách hàng một cách thận trọng bằng cách đánh giá về mức độ thành thật của Ban giám đốc, tiến hành các thủ tục kiểm toán có yếu tố khó dự đoán, thực hiện phân tích và kiểm tra các dấu hiệu có liên quan đến gian lận theo hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán về gian lận.
Trường hợp sai sót trọng yếu không liên quan đến gian lận, mà do việc đánh giá sai bản chất của giao dịch tài chính dẫn đến trình bày thông tin tài chính chưa chính xác trên BCTC, thì việc kiểm toán viên không phát hiện được các sai sót trọng yếu này phần nhiều là do các thủ tục hay quy trình kiểm toán lựa chọn chưa phù hợp, hoặc bằng chứng kiểm toán thu thập được tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán là chưa đầy đủ để hỗ trợ cho việc phát hành ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Các nguyên nhân khác không kém phần quan trọng liên quan đến việc kiểm toán viên không phát hiện được sai sót trọng yếu trong BCTC bao gồm: năng lực chuyên môn của kiểm toán viên, áp lực về thời gian hoàn thành cuộc kiểm toán, nhân lực bố trí cho cuộc kiểm toán không đủ để hoàn thành các thủ tục kiểm toán, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán của lãnh đạo kiểm toán chưa đảm bảo…
BCTC sau kiểm toán là một căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư. Ông có khuyến nghị gì với cổ đông, nhà đầu tư khi đọc BCTC để nhận diện đúng đắn nhất tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp?
Để bảo vệ quyền lợi của mình, nhà đầu tư nên tự trang bị cho mình kiến thức nhất định về chế độ kế toán doanh nghiệp, nội dung BCTC và báo cáo kiểm toán.
Nhà đầu tư cần nhận dạng được vấn đề quan trọng được trình bày tại thuyết minh BCTC hay trong báo cáo kiểm toán có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tài chính của doanh nghiệp được trình bày trong bảng cân đối kế toán, hay tới hiệu quả kinh doanh được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng là một chỉ tiêu nhà đầu tư nên xem xét. Một doanh nghiệp có tài sản lớn, lợi nhuận cao, nhưng luôn có dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh sẽ không thể là doanh nghiệp mạnh về tài chính.
Một vấn đề quan trọng nữa nhà đầu tư cần quan tâm là các giao dịch với các bên liên quan, bao gồm cả bản chất và mức độ của các giao dịch này. Giao dịch với các bên liên quan luôn tiềm ẩn rủi ro về sai sót vì các bất lợi phát sinh từ các giao dịch với các bên liên quan có thể sẽ chậm được thuyết minh hay điều chỉnh trong BCTC.
Ngoài ra, các giao dịch lớn hay các giao dịch ngoài hoạt động kinh doanh thông thường cũng là vấn đề nhà đầu tư nên tìm hiểu chi tiết tại ĐHCĐ vì các loại giao dịch này cũng có tiềm ẩn cao về sai sót kế toán, đặc biệt khi kiểm toán viên cũng đề cập đến các giao dịch này trong báo cáo kiểm toán.
Để đảm bảo cho BCTC trung thực, hợp lý, làm căn cứ tin cậy cho quyết định của nhà đầu tư, theo ông, cần những giải pháp gì?
Giải pháp nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp (bao gồm việc xây dựng quy trình quản lý, cơ chế giám sát, cơ chế tiền lương, công tác kiểm toán nội bộ…) đã được nhiều chuyên gia đề cập. Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến các giải pháp nâng cao chất lượng của công tác kiểm toán độc lập BCTC nhằm đảm bảo thông tin tài chính tin cậy cho cổ đông và nhà đầu tư.
Trước tiên, cần nhìn nhận đúng hơn về vai trò của kiểm toán độc lập trong nền kinh tế, đó là vai trò bảo vệ lợi ích của người sử dụng BCTC. Kiểm toán độc lập nhiều khi bị nhìn nhận như là một hoạt động tuân thủ thông thường, dẫn đến việc bổ nhiệm kiểm toán hay giám sát công tác kiểm toán độc lập BCTC chưa được quan tâm đúng mức.
Việc lựa chọn kiểm toán độc lập nhiều khi chỉ căn cứ vào chi phí kiểm toán thấp, hay căn cứ vào tính dễ linh động của kiểm toán viên. Để kiểm toán viên có thể thực hiện được đúng vai trò bảo về quyền lợi của người sử dụng BCTC, cổ đông cần có tiếng nói cao hơn tại ĐHCĐ liên quan đến việc bổ nhiệm các kiểm toán viên có tính độc lập cao và có quy trình quản lý chất lượng kiểm toán tốt.
Tiếp đến, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập nên cân nhắc xem xét kinh nghiệm của các nước đã có hướng dẫn về việc tham gia và trả lời của kiểm toán viên tại ĐHCĐ để có các hướng dẫn tương tự. Khi đó, kiểm toán viên sẽ phải có trách nhiệm trực tiếp đối với cổ đông tại ĐHCĐ và sẽ giúp nâng cao trách nhiệm và tính tuân thủ của kiểm toán viên trong công tác kiểm toán độc lập BCTC.