Sáng nay, 30/9, CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã MTM - UPCoM) tổ chức ĐHCĐ.
Kết quả kiểm tra tư cách cổ đông cho thấy có hơn 20 cổ đông đại diện cho 22% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội không đủ điều kiện để tổ chức.
Tuy nhiên, các cổ đông không ra về ngay. Ông Chu Danh Phương, một cổ đông rất tích cực trong việc đưa những khuất tất trong vụ việc MTM ra trước cơ quan chức năng, cho biết, ngay chiều 30/9 sẽ có thông báo về việc triệu tập ĐHCĐ lần thứ 2. Nếu sau hai lần tỷ lệ cổ đông tham dự không đạt yêu cầu của Luật Doanh nghiệp thì lần thứ 3, đại hội sẽ được tiến hành bất kể tỷ lệ tham dự.
Theo chương trình họp, Đại hội sẽ xem xét thông qua Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh 2015, kế hoạch 2016, thông qua BCTC 2015 trước kiểm toán, bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát và thông qua phương án tái cơ cấu Công ty.
Mặc dù Đại hội không thể tiến hành, nhưng ông Chu Danh Phương và các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Điều hành đã trao đổi với các cổ đông về các công việc của Công ty, khả năng lấy lại tiền, cũng như những việc mà Ban lãnh đạo, Ban điều hành mới sẽ tiến hành.
“Cổ đông phải tham gia vào Công ty thì mới có tư cách làm việc với cơ quan chức năng. Trước đây, tôi đã từng gửi đơn thư khắp nơi nhưng rất khó làm việc, phải có công văn, đề nghị từ công ty, có đóng dấu thì cơ quan chức năng mới xem xét” - ông Phương cho biết.
Vì vậy, sau khi có một số thành viên HĐQT từ nhiệm, ông Chu Danh Phương, đại diện 15% cổ phần, đã đề cử 2 ứng viên tham gia HĐQT.
“Nhưng tư cách thành viên ĐHQT còn phải chờ thông qua tại Đại hội mới chính thức” – ông Phương nói.
Mấu chốt quan trọng là xem xét các tài sản nào có thể thu hồi được. Theo ông Phương, tài sản lớn nhất là các khoản phải thu và số tiền đã bị chiếm dụng. “Có cơ sở pháp lý để đòi lại nhưng thực sự đây là việc trường kỳ, khó khăn" - ông Chu Danh Phương nói.
Nhiều cổ đông bày tỏ bức xúc trước tình trạng bị lừa ngay trên thị trường có sự quản lý này như UPCoM. Một cổ đông cho biết, bà không giao dịch OTC bởi vì rủi ro rất lớn, nhưng không ngờ ngay cả đầu tư trên UPCoM cũng mất tiền cay đắng như vậy, mất mà không biết kêu ai.
Sau vụ việc MTM, nhà đầu tư này cho biết, hoàn toàn “cạch” UPCoM và chỉ giao dịch cổ phiếu các công ty lớn, có hoạt động kinh doanh rõ ràng như Vinamilk chẳng hạn.
Được biết, MTM đăng ký và được chấp thuận giao dịch UPCoM vào tháng 4/2016. Chỉ khoảng 2 tháng sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bất ngờ thông báo ngừng giao dịch cổ phiếu này. Cổ đông, sau đó, đã tìm thấy nhiều kết quả bất ngờ về hoạt động của doanh nghiệp này như là công ty đã ngừng hoạt động và bị Tổng Cục thuế thông báo rằng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế, trụ sở chính của công ty là quán ăn, hình ảnh nhà máy, dây chuyển sản xuất bị đánh cắp từ một công ty khác...
Trước nguy cơ khoản tiền đầu tư trở thành giấy lộn, các cổ đông MTM liên tiếp có động thái yêu cầu cơ quan có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nào, cá nhân nào và xem xét khả năng lấy lại tiền.
Vào ngày 19/9 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công An) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM để phục vụ điều tra.
Ông Trần Hữu Tiệp bị bắt tại trụ sở Văn phòng Công ty tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngay sau đó, Cơ quan điều tra cũng tiến hành khám xét, tịch thu tài liệu của công ty và máy tính cá nhân của ông Tiệp dưới sự chứng kiến của công an phường, tổ dân phố.
Theo BCTC được công bố tại cuộc họp, năm 2015, MTM lỗ gần 60 tỷ đồng, vốn điều lệ chỉ còn 268,4 tỷ đồng thay vì 310 tỷ đồng như báo cáo cũ. Năm 2014, sau khi hồi tố, công ty chuyển từ lãi 11 tỷ đồng còn 629 triệu đồng.