Cổ đông nhỏ tại IDICO (IDC) thấp cổ bé họng

Cổ đông nhỏ tại IDICO (IDC) thấp cổ bé họng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những động thái gần đây của Tổng công ty IDICO (mã IDC) liên quan tới việc bán tài sản và cho phép cổ đông chiến lược thoái vốn cho thấy rõ tình cảnh cổ đông nhỏ tại đây đang bị đặt ra rìa "cuộc chơi".

Mở đường cho cổ đông chiến lược thoái vốn và mua tài sản

Mới đây, Hội đồng quản trị IDICO đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 26 triệu cổ phiếu, tương ứng 26% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi cho Tập đoàn Bitexco. Giá chuyển nhượng là 20.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chuyển nhượng ước tính là 520 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến được thực hiện trong năm 2021.

Bitexco vốn là một cổ đông chiến lược tham gia đầu tư vào IDICO khi doanh nghiệp này được cổ phần hoá vào năm 2018, với cam kết nắm giữ tối thiểu 10 năm.

Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 4, IDICO đã thông qua tờ trình về việc huỷ bỏ thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần cho hai cổ đông chiến lược, trong đó có Bitexco. Tới ngày 15/6/2021, Bitexco thông báo đã bán toàn bộ 67,5 triệu cổ phiếu IDC để giảm sở hữu từ 22,5% về còn 0%.

Trong phiên giao dịch 15/6/2021, cổ phiếu IDC xuất hiện giao dịch thoả thuận 67.875.000 cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.208,17 tỷ đồng, ước tính giá chuyển nhượng trung bình là 32.533 đồng/cổ phiếu.

Thuỷ điện Đăk Mi chưa được đại chúng hóa, nên nhà đầu tư cá nhân không tiếp cận được thông tin về doanh nghiệp này. Lục tìm thông tin trên cáo báo thường niên của IDICO thì chỉ nắm được một số thông tin ít ỏi. Theo đó, công ty này được thành lập năm 2011, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là sản xuất, truyền tải và phân phối cụm nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4A, 4B, 4C.

Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4A có công suất 148 MW, gồm 2 tổ máy, chính thức hoàn thành năm 2012, sản lượng điện bình quân hàng năm là 589,34 triệu kWh; Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4B có công suất 42 MW, gồm 2 tổ máy, chính thức hoàn thành năm 2012, sản lượng điện bình quân năm là 163,17 triệu kWh.

Cả hai dự án Đăk Mi 4A & 4B có tổng vốn đầu tư là 4.547 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4C có công suất 18 MW, gồm 2 tổ máy, hoàn thành năm 2012 với tổng mức đầu tư là 419 tỷ đồng và sản lượng điện bình quân hàng năm là 69,1 triệu kWh.

Ba nhà máy này có tổng vốn đầu tư 4.966 tỷ đồng và sản lượng điện bình quân hàng năm là 821,61 kWh.

Theo một số nguồn tin, hiện các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ do ủy ban nhân dân các tỉnh cấp cho các chủ đầu tư. Tuỳ tính chất, mức độ quan trọng mà tỉnh sẽ cấp chủ trương đầu tư là bao nhiêu năm.

Thông thường, dự án được cấp là 50 năm nhưng cũng sẽ có một số dự án được cấp 30 năm, về nguyên tắc khi hết hạn chủ đầu tư có thể được gia hạn. Trong khi đó, thiết bị của nhiều dự án có thể hoạt động được 50 năm mới cần sửa chữa, nâng cấp.

Như vậy, Công ty cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi đang vận hành đồng thời 3 loại nhà máy thuỷ điện từ nhỏ tới lớn, các nhà máy đã được vào vận hành ổn định, thời gian vận hành còn lại tương đối dài, chưa kể có thể được gia hạn thêm thời gian vận hành sau này.

Đặc thù của các nhà máy thuỷ điện là chi phí xây dựng lớn ban đầu, sau đó vận hành ổn định, lợi nhuận chỉ biến động nếu như năm đó điều kiện thuỷ văn không thuận lợi, hạn hán kéo dài.

Các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực thuỷ điện như Thuỷ điện Thác Mơ (mã TMP), Thuỷ điện Miền Trung (mã CHP), Thuỷ điện Cần Đơn (mã SJD), Thuỷ điện Srok Ph Miêng IDICO (mã ISH) … đều có hiệu quả kinh doanh khá tốt, chia cổ tức đều đặn hàng năm, đặc biệt là các dự án đang vận hành ổn định.

Không chịu áp lực tài chính, IDICO vẫn bán “gà đẻ trứng vàng”

Nếu kế hoạch chuyển nhượng 26% cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi thành công, IDICO sẽ thu về 520 tỷ đồng.

Về lý thuyết, số tiền này có thể giúp doanh nghiệp gia tăng quỹ tiền mặt, cũng như có thêm nguồn vốn bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư cho các dự án. Được biết, IDICO đã lên kế hoạch đẩy mạnh triển khai các dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh tại Long An, Khu công nghiệp Cầu Nghìn tại Thái Bình… trong năm 2021 và các năm tới.

Tuy vậy, nếu nhìn vào tình hình tài chính của IDICO, khó có thể cho rằng, việc bán một tài sản cho khả năng sinh lời cao như khoản đầu tư vào Thuỷ điện Đăk Mi lại xuất phát từ nhu cầu tài chính cấp bách của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý I/2021 của IDICO cho thấy, tại thời điểm 31/3/2021, Công ty có khoản tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 1.797 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản, cao hơn so với mức bình quân toàn ngành, cao hơn hẳn so với một số doanh nghiệp như KBC, BCM, VGC.

Tổng nợ vay của IDICO chỉ là 2.706,1 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng nguồn vốn và thấp hơn trung bình 6 doanh nghiệp là 20,4% tổng nguồn vốn.

Như vậy, IDICO đang có sức mạnh tài chính với tiền mặt lớn và nợ vay thấp hơn ngành. Đáng nói là, Tổng công ty đã có kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, nhằm nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng.

Phương án chào bán cũng nêu rõ, số tiền dự kiến thu được 2.250 tỷ đồng sẽ dùng vào việc đầu tư dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh và Khu công nghiệp Cầu Nghìn. Bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước đang khá ủng hộ cho kế hoạch tăng vốn của IDICO khi dòng tiền vào thị trường dồi dào, giá cổ phiếu IDC cũng đang cao hơn nhiều so với phương án tăng vốn đưa ra (đóng cửa phiên cuối tuần qua ở mức 34.000 đồng/cổ phiếu).

Với quyết định bán 26% kế hoạch bán cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi, các cổ đông nhỏ bị đứng ở bên lề.

Đáng chú ý, với quyết định bán 26% kế hoạch bán cổ phần Thuỷ điện Đăk Mi, các cổ đông nhỏ hầu như không thể có ý kiến. Lý do là trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra vào cuối tháng 4/2021, Hội đồng quản trị IDICO trình cổ đông thông qua việc sửa đổi Điều lệ Công ty, trong đó có nội dung cho phép Hội đồng quản trị được giao dịch tài sản trên 75% tổng tài sản mới xin ý kiến cổ đông, thay vì 35% như trước đây.

Nội dung này có thể xem là một “thượng phương bảo kiếm” mở đường cho Hội đồng quản trị quyết định phần lớn các giao dịch của IDICO.

Với thanh bảo kiếm này, liệu rồi sau khi bán phần vốn góp tại Thuỷ điện Đăk Mi, Hội đồng quản trị IDICO sẽ tiếp tục bán ra những tài sản nào nữa?

IDICO vốn là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, được đưa ra bán đấu giá cổ phần lần đầu vào đầu tháng 10/2017, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống còn 36%. Đến tháng 11/2020, Bộ Xây dựng bán ra toàn bộ 108 triệu cổ phiếu IDC còn lại, tương ứng 36% vốn điều lệ.

Tin bài liên quan