ĐHCĐ SouthernBank thông qua tờ trình về cổ tức, thù lao HĐQT bất chấp cổ đông nhỏ phản đối

ĐHCĐ SouthernBank thông qua tờ trình về cổ tức, thù lao HĐQT bất chấp cổ đông nhỏ phản đối

Cổ đông nhỏ bị lép vế, nói nữa cũng … vậy thôi!

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay chứng kiến nhiều phiên chất vấn nảy lửa của cổ đông về việc ngân hàng không chia cổ tức, cũng như không đồng tình với các chủ trương của HĐQT, Ban điều hành đưa ra. 

Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn được thông qua, cho dù các phản đối của cổ đông nhỏ vẫn còn gay gắt. Điều này cho thấy, cổ đông nhỏ đang bị lép vế và bị “ép” buộc nhiều hơn là sự tự nguyện.

Khó đảo ngược tình thế?

Tại ĐHCĐ thường niên 2014 của Sacombank, ngay trước khi khai mạc Đại hội đã có không ít cổ đông nhỏ tìm đến nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng là ông Phạm Hữu Phú để bày tỏ nỗi bức xúc trong vấn đề Sacombank sáp nhập thêm SouthernBank. Trong phiên chất vấn HĐQT mới, vấn đề này cũng được rất nhiều cổ đông phản đối và nhiều cánh tay đã không giơ lên biểu quyết phương án sáp nhập. Nhưng kết quả tỷ lệ cổ phiếu sở hữu của cổ đông nhỏ, lẻ không thể “thắng” nổi người cầm quyền tại Sacombank.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, tỷ lệ cổ phần người cầm quyền tại nhà băng này khá lớn, có thể quyết định được tất cả mọi vấn đề. Vì thế, việc sáp nhập thêm Southern Bank không còn gì phải bàn cãi và việc đệ trình cổ đông thông qua cũng chỉ là hình thức.

Tại ĐHCĐ SouthernBank diễn ra chiều 16/4, nhiều cổ đông của ngân hàng này đã phẫn nộ khi nhiều năm liền không nhận được một đồng lợi tức, trong khi thù lao Ban lãnh đạo vẫn lên tới hàng tỷ đồng. Mức thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát của SouthernBank trong năm 2013 được HĐQT trình là 14 tỷ đồng, cho dù lãi trước thuế của Ngân hàng chỉ 18 tỷ đồng, phần lợi nhuận để chia cổ tức là 2 tỷ đồng cho 1.800 cổ đông. Vì thế, HĐQT Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua không chia cổ tức năm 2013.

Không ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT, song ông Trầm Bê vẫn giữ vị trí chủ tọa đoàn tại ĐHCĐ SouthernBank năm nay. Ông Bê cho rằng, gia đình ông hiện vẫn là cổ đông lớn (chiếm hơn 20% cổ phần tại SouthernBank tính đến cuối năm 2013) tại Ngân hàng, nên cũng chịu thiệt thòi khi không có cổ tức. Nhưng theo ông Bê, kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Nợ xấu tăng đòi hỏi SouthernBank phải trích dự phòng rủi ro cao để đảm bảo an toàn cho hoạt động, nên HĐQT và Ban điều hành không thể làm khác được.

Vì thế, cuối cùng ĐHCĐ của SouthernBank cũng phải thông qua tờ trình không chia cổ tức 2013, trong khi thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát giữ nguyên 14 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua việc kéo dài nhiệm kỳ của HĐQT thêm 1 năm bất chấp vẫn còn có những ý kiến phản đối của cổ đông.

Về phương án sáp nhập với Sacombank, theo ông Bê, đó là theo chủ trương tái cơ cấu hệ thống của NHNN và tin tưởng phương án này sẽ có lợi cho cổ đông cho dù đến thời điểm này, thông tin về đề án cũng như tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu ra sao vẫn chưa được 2 bên tiết lộ.

Không nên xem nhẹ cổ đông nhỏ

Mặc dù phản ứng gay gắt về cổ tức thấp, thù lao HĐQT cao hay không muốn về chung một nhà với ngân hàng khác, nhưng cuối cùng các vấn đề đều được thông qua. Bởi tiếng nói của cổ đông nhỏ - vốn được xem là “thấp cổ bé họng” vẫn không thể át được “quyền” của cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn. Điều này được thể hiện khá rõ tại ĐHCĐ của cả Sacombank và SouthernBank.

Thực tế, trong các phiên chất vấn tại ĐHCĐ của các ngân hàng diễn ra gần đây, không phải bất cứ câu hỏi nào của cổ đông cũng được chủ tọa đoàn và các thành viên trong ban chủ tọa trả lời. Phần giải đáp cũng chưa đáp ứng được thắc mắc của cổ đông. Một cổ đông nhỏ của một ngân hàng bức xúc: “Chúng tôi thấp cổ bé họng, nhưng một năm chỉ được trao đổi với HĐQT, Ban lãnh đạo ngân hàng một lần, nên chúng tôi muốn được thông tin cụ thể, rõ ràng, trong khi phần thảo luận rất ngắn và trả lời toàn chung chung. Đầu tư cổ phiếu ngân hàng xem như trắng tay khi giá giảm mạnh, lại không cổ tức”.

Điều này cũng được lãnh đạo NHNN nhắc nhở các ngân hàng khi tham gia cuộc họp ĐHCĐ. Theo vị đại diện NHNN, việc trả lời thắc mắc và chất vấn của cổ đông tại kỳ đại hội là chính đáng và cần được lãnh đạo các ngân hàng thông tin một cách rõ ràng, chi tiết.

“Cho dù nợ xấu cao, lợi nhuận thấp và cổ đông không còn cổ tức…, nhưng nếu được giải thích một cách cặn kẻ và rõ ràng để cổ đông có thể thấu hiểu, chia sẻ, cũng là điều rất cần thiết”, đại diện NHNN phát biểu tại ĐHCĐ của một ngân hàng.

Luật Doanh nghiệp quy định, tất cả cổ đông phổ thông đều có quyền tham dự và biểu quyết mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Mỗi phiếu biểu quyết tương ứng với một cổ phần phổ thông. Như vậy, theo luật, đã là cổ đông, thì dù góp vốn nhiều hay ít đều có quyền tham dự và biểu quyết.

Trên thực tế, các công ty cổ phần hiện nay luôn tìm cách trốn tránh thực hiện điều này, nhất là khi kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ mất vốn... Trong khi các cổ đông nhỏ hy vọng có ý kiến để cải thiện, thay đổi một số chủ trương mà HĐQT đưa ra, cũng như có một cuộc họp hiệu quả, được nghe những kết quả báo cáo, kết quả kiểm toán, thì một số ban lãnh đạo doanh nghiệp lại tìm mọi cách hạn chế quyền của cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, một khi đã có xung đột lợi ích sẽ khó tránh được ngọn lửa bùng cháy bất cứ lúc nào. Vì thế, không nên coi thường cổ đông nhỏ.

Tin bài liên quan