Mục tiêu đưa giá cổ phiếu trở lại ngưỡng trên 15.000 đồng/CP
Tại đại hội lần này, cổ đông đã thông qua bầu ông Hosono Kyohei làm Chủ tịch HĐQT Công ty. Ông Hosono Kyohei là đại diện của Quỹ đầu tư DI Asian Industrial Fund LP (DIAIF), giữ vị trí Giám đốc điều hành tại DI Tokyo.
Việc đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm xóa các khoản lỗ thông qua tiến trình tái cấu trúc là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin nơi cổ đông
Trước đây, năm 2015, ông từng có thời gian giữ vị trí Chủ tịch HĐQT JVC thay cho ông Lê Văn Hướng. Trở lại lần này, trao đổi với cổ đông tại đại hội, ông cho biết, DIAIF là cổ đông chịu thiệt hại lớn nhất tại JVC trong thời gian qua.
DIAIF chính thức trở thành cổ đông chiến lược của JVC từ năm 2012. Hiện quỹ này đang sở hữu 19,35% vốn tại JVC. So với mức đỉnh từng đạt được trong năm 2012 là 20.600 đồng/CP, giá trị hiện nay của cổ phiếu JVC đã “bốc hơi” tới 86%.
Tuy chịu thiệt hại lớn, nhưng DIAIF vẫn quyết định ở lại hỗ trợ JVC trong quá trình hồi phục và việc bầu ông Hosono Kyohei làm Chủ tịch HĐQT được coi là cam kết đồng hành cùng sự phát triển của JVC thời gian tới.
Hiện tại, hầu hết đối tác của JVC đều đến từ Nhật Bản, nên vai trò của DIAIF là rất quan trọng, giúp JVC liên kết với các đối tác. Do đó, việc đại diện quỹ trở thành lãnh đạo cao nhất của JVC được nhìn nhận sẽ mang lại nhiều chuyển biến cho Công ty.
“Nhìn vào tiềm năng phát triển, tôi chắc chắn rằng, cổ phiếu JVC đang bị định giá thấp. Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư không đặt niềm tin vào JVC là khoản lỗ lũy kế lớn của Công ty.
Bởi vậy, việc đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm xóa các khoản lỗ thông qua tiến trình tái cấu trúc là yếu tố tiên quyết để lấy lại niềm tin nơi cổ đông”, ông Hosono Kyohei nhấn mạnh.
Tân Chủ tịch JVC cho biết, mức giá mà Công ty hướng tới có thể ngang với giá đã phát hành vào năm 2015. Khi đó, DIAIF đã mua cổ phiếu JVC ở mức trên 15.000 đồng/CP, nên việc đặt ra mục tiêu đưa giá cổ phiếu về cao hơn mức này là dễ hiểu.
Trong khuôn khổ đại hội năm ngoái, Chủ tịch HĐQT lúc đó là ông Phạm Quang Huy từng đề cập đến ý tưởng tái cấu trúc bằng việc tách JVC thành 2 công ty: 1 quản lý khối tài sản tốt và 1 quản lý khối tài sản xấu, các cổ đông sẽ sở hữu ở cả 2 công ty với lượng cổ phần bằng nhau.
Tuy nhiên, sau khi đi sâu tìm hiểu, nếu thực hiện theo phương án này thì JVC sẽ phải tạm thời ngừng niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ.
Do vậy, Ban lãnh đạo mới của JVC vẫn đang tìm kiếm phương án tái cấu trúc toàn diện và sẽ thông tin đến cổ đông trong thời gian gần nhất. Sau khi xác định được phương án đồng thuận, tiến trình tái cấu trúc sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm.
Tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018
Tại Đại hội, ôg Hosono Kyohei đã đánh giá cao nỗ lực của Ban điều hành JVC trong 2 năm tái cơ cấu vừa qua với việc ổn định hoạt động kinh doanh, vừa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, vừa xử lý các tồn đọng như trả hết hơn 60 tỷ đồng tiền nợ ngân sách, 90 tỷ đồng nợ dài hạn...
Mặt khác, còn nhiều khoản phải thu phát sinh từ trước năm 2016 mà Công ty vẫn chưa thu được buộc phải trích lập dự phòng, trong đó phải kể đến các khoản công nợ phải thu của CTCP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên, Công ty Hướng Đông và nhiều giao dịch liên quan đến cựu chủ tịch HĐQT là ông Lê Văn Hướng và các thành viên trong gia đình.
Tuy đang lỗ trong 2 quý đầu năm, nhưng lợi nhuận của JVC sẽ được ghi nhận chủ yếu trong 2 quý cuối năm. Chúng tôi tự tin về việc hoàn thành kế hoạch 2018 đề ra.
- Bà Vũ Thị Thúy Hằng - Tổng giám đốc Công ty
Đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ cần thu đòi này, Đại hội nhất trí giao cho HĐQT Công ty toàn quyền quyết định, thuê công ty luật và công ty tư vấn để tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết nhằm thu tiền cho Công ty. Nếu thu được các khoản công nợ này, JVC sẽ có thể hoàn nhập dự phòng và ghi nhận khoản lợi nhuận lớn trong thời gian tới.
Ông Hosono Kyohei cũng mong muốn các cổ đông tiếp tục hỗ trợ Ban điều hành mới đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2018, với mục tiêu doanh thu 680 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 16 tỷ đồng, không kể đến lợi nhuận do hoàn nhập dự phòng nhờ thu được các khoản nợ khó đòi. Cùng với đó là định hướng sáp nhập công ty con là Công ty TNHH Kyoto Medical Science (KMS) để tinh gọn trong bộ máy hoạt động.
Chia sẻ về chiến lược của JVC thời gian tới, bà Vũ Thị Thúy Hằng - Tổng giám đốc Công ty cho biết, JVC nhận được sự hợp tác nhiều mặt từ các nhà cung cấp lớn như Hitachi, Fujifilm, Konica… nên hoạt động sẽ đa dạng.
Ngoài các nhà cung cấp hiện tại, nhiều nhà cung cấp mới cũng tin tưởng chọn lựa JVC để phân phối các dòng sản phẩm mới như máy siêu âm của Fujifilm, sản phẩm kiểm soát nhiễm khuẩn của Sakura, giải pháp cộng hưởng từ trong phòng mổ của Hitachi… Hiện JVC là nhà phân phối độc quyền của Hitachi và đang tiến tới trở thành nhà phân phối độc quyền của Sakura.
"Tuy đang lỗ trong 2 quý đầu năm, nhưng lợi nhuận của JVC sẽ được ghi nhận chủ yếu trong 2 quý cuối năm. Chúng tôi tự tin về việc hoàn thành kế hoạch 2018 đề ra", bà Hằng nói.