Cụ thể, số quyền mua cổ phần Vietnam Airlines được Bộ Giao thông - Vận tải chào bán theo phương thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 371.533.127 quyền mua, tương ứng với số cổ phần phát hành thêm thực hiện chuyển nhượng quyền mua là 57.867.399 cổ phần.
Đối tượng được mua cổ phần mà cổ đông Nhà nước tại hãng hàng không quốc gia chào bán trong đợt này là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (tỷ lệ được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật).
Giá khởi điểm chào bán quyền mua sẽ được công bố tại ngày công bố thông tin đấu giá quyền mua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, cổ phiếu Vietnam Airlines với mã chứng khoán HVN được giao dịch với giá bình quân là 52.200 đồng/cổ phần.
Trước đó, vào tháng 5/2017, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã cho phép Bộ Giao thông vận tải, trong tư cách là cổ đông Nhà nước, sẽ sử dụng toàn bộ số tiền chênh lệch khi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 1.068,628 tỷ đồng, để thực hiện quyền mua 106,8628 triệu cổ phần và thực hiện thủ tục đấu giá quyền mua 57,867 triệu cổ phần khi Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, hình thức cổ phần hóa Vietnam Airlines là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn với vốn điều lệ 14.101 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, ngoại trừ số cổ phần bán cho tổ chức công đoàn, kết quả bán cổ phần cho các đối tượng khác của Vietnam Airlines khi cổ phần hóa đều không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, số cổ phần chào bán ra công chúng đạt 99,92%; bán cho người lao động đạt 60,35%; bán cho nhà đầu tư chiến lược - ANA Holdings Inc chỉ đạt 38,17%.
Quy mô vốn điều lệ do vậy chỉ đạt 12.275 tỷ đồng, thấp hơn 1.826 tỷ đồng so với phương án đề ra; trong cơ cấu cổ đông hiện tại, cổ đông Nhà nước chiếm tới 86,16% vốn điều lệ.
Được biết, sau khi hoàn thành đợt tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines sẽ tăng lên 14.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 16.000 đồng, giúp hãng hàng không quốc gia tăng khả năng tự chủ và mức độ an toàn tài chính, cải thiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (tại thời điểm 31/12/2016 là 4,25 lần); giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của của cổ đông Nhà nước.