VinaCapital, Duxton và DWS không đồng thuận với  chủ trương phát triển sang lĩnh vực lúa gạo của AGPPS

VinaCapital, Duxton và DWS không đồng thuận với chủ trương phát triển sang lĩnh vực lúa gạo của AGPPS

Cổ đông ngoại: Nhiều xung đột khó dung hòa

(ĐTCK) Hầu hết các nội dung quan trọng đã không được ĐHCĐ CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) thông qua, ĐHCĐ thường niên của CTCP Vicostone hoãn 2 lần chưa được tổ chức... Mâu thuẫn giữa cổ đông nước ngoài không cùng chí hướng với Ban lãnh đạo DN dường như khó có thể thu xếp ổn thỏa tại những DN lớn như vậy.

AGPPS - Vinacapital không thể chung đường

ĐHCĐ 2014 của AGPPS mới đây đã không thông qua một loạt nội dung như tờ trình về việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2014 - 2019, tờ trình bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, kế hoạch kinh doanh 2014, báo cáo tài chính và kế hoạch phân phối lợi nhuận của Công ty năm 2013, tờ trình về việc bổ sung ngành nghề hoạt động của Công ty, tờ trình về trích lợi nhuận sau thuế 2013 cho Quỹ chăm sóc sức khỏe cho nông dân, tờ trình về việc phát hành cổ phiếu cho người lao động,  tờ trình về việc đổi tên Công ty… Đáng lưu ý, nếu như tại một số kỳ đại hội trước đây của AGPPS, một nhóm cổ đông lớn nước ngoài liên kết bỏ phiếu phủ quyết các tờ trình thì tại đại hội này, nhóm cổ đông lớn Việt Nam cũng sử dụng “chiêu” đó để phủ quyết nhiều nội dung đưa ra.

AGPPS là DN hoạt động hiệu quả, có vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng, năm 2013 lợi nhuận trước thuế đạt 675 tỷ đồng, tăng 83 tỷ đồng so với năm 2012. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 8.058 đồng. Tuy nhiên, nhóm cổ đông nước ngoài, trong đó có VinaCapital, Duxton và DWS đã không đồng thuận với chủ trương phát triển sang lĩnh vực lúa gạo của Công ty, không ủng hộ chương trình Cánh đồng lớn mà Ban lãnh đạo AGPPS đang theo đuổi. Không có tiếng nói chung ở chiến lược phát triển, nhiều khúc mắc khác giữa cổ đông nội - ngoại đã nảy sinh, khiến cho các bên không thể dung hòa.

 AGPPS đã nhiều lần kết nối NĐT mua lại cổ phần của nhóm cổ đông trên, song một trong những lý do dẫn đến thỏa thuận bất thành là do phía VinaCapital đòi giá cao gần gấp đôi so với thị giá cổ phiếu AGPPS trên thị trường. Trước thềm đại hội năm nay, AGPPS đã tìm được 2 cổ đông tiềm năng là Quỹ đầu tư SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered và Jardines, một tập đoàn gia đình có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới.  Hai tổ chức này sẽ mua lại cổ phần của những cổ đông đang muốn thoái vốn tại AGPPS. Một trong 2 quỹ đầu tư trên đã thỏa thuận được với SCPE về việc chuyển nhượng cổ phần. Một quỹ khác đang trong giai đoạn đàm phán.

Trong số 11 ứng viên tham gia bầu HĐQT AGPPS nhiệm kỳ 2014 - 2019, nhóm cổ đông ngoại đề cử 4 ứng viên. Có lẽ e ngại rằng, các quỹ không đồng thuận với chiến lược của Công ty, đang thực hiện các bước thoái vốn khỏi DN, tới đây lại tham gia HĐQT thì khó có thể lường được sẽ đưa Công ty đến đâu, nên cổ đông nội tại AGPPS đã “phòng thủ”: bỏ phiếu phủ quyết tờ trình bầu HĐQT. Tạm thời, HĐQT cũ vẫn đảm nhận “ghế nóng” tại DN.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo của VinaCapital nói rằng, hiện quỹ vẫn đang trong giai đoạn đàm phán với đối tác về bán cổ phần của AGPPS. Dù khó có thể chung đường, song VinaCapital vẫn đánh giá “AGPPS là khoản đầu tư tốt”. Hiện khoản đầu tư vào AGPPS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các cổ phiếu OTC của VinaCapital. Dễ thấy, với chất lượng DN như vậy, chắc chắn khoản đầu tư vào AGPPS của VinaCapital sẽ có lời.

Liệu Vicostone và Red River Holding sẽ có tiếng nói chung?

ĐHCĐ 2014 của CTCP Viconstone dự kiến diễn ra hôm 26/5 tiếp tục bị hoãn sang ngày 12/6. Trước đó, đại hội dự kiến diễn ra ngày 28/4 nhưng bất thành. Nhiều nội dung được dự báo sẽ “nóng” tại đại hội như tờ trình xin hủy niêm yết tự nguyện, tờ trình về việc mua cổ phiếu quỹ của Công ty với tỷ lệ tối đa đến 30% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Năm nay cũng là thời điểm Vicostone bầu HĐQT nhiệm kỳ mới. Phía cổ đông ngoại do Red River Holding đại diện (hiện sở hữu khoảng 35%) đề cử 4 ứng viên.

Với những ồn ào đã xảy ra, giới quan sát cho rằng, khả năng để các cổ đông nội - ngoại có thể ngồi với nhau là rất khó. Bởi vậy, nội dung bầu HĐQT Công ty có thể sẽ rất “nóng” tại đại hội.

Vicostone từng là một DN hoạt động hiệu quả, hàng năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD và là DN niêm yết tiêu biểu trên HNX. Nếu không có mâu thuẫn lớn giữa các nhóm cổ đông, DN có khả năng phát triển lên một tầm cao mới.

Trên thị trường vốn Việt Nam, còn không ít DN đang đau đầu với mối quan hệ nội - ngoại. Tuy nhiên, nếu không đi cùng đường, có lẽ thoái vốn theo phương án có lợi nhất sẽ là sự lựa chọn tốt cho các bên, bởi sự mâu thuẫn luôn làm cho tâm trạng của lãnh đạo và  người lao động trong DN không ổn định để tập trung sản xuất - kinh doanh. Nếu như vậy, rõ ràng các cổ đông đều thiệt.

Tin bài liên quan