Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư vẫn đang chịu lỗ
Lợi nhuận tụt dốc từ khi lên sàn
Trước khi đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết vào tháng 4/2018, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) được giới đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng khi liên tục duy trì được đà tăng trưởng cao.
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, triển vọng tích cực của ngành bán lẻ và việc định vị vị thế vững chắc trên thị trường phân phối hàng công nghệ (điện thoại, máy tính xách tay, máy tính bảng và phụ kiện) đã tạo sức hút của giới đầu tư và các quỹ đầu tư lớn.
Cụ thể, tháng 8/2017, Tập đoàn FPT cho biết đã chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu FRT cho hai quỹ đầu tư nước ngoài là Dragon Capital và VinaCapital, tương ứng tổng tỷ lệ sở hữu tới 30% vốn điều lệ tại FPT Retail.
Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết, FPT Retail lại bước vào giai đoạn kinh doanh đi xuống. Năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu đạt 16.634 tỷ đồng, tăng 8,7% so với mức thực hiện năm 2018, song lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm tới 41,4%, đạt 203,8 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận ròng của Công ty theo đó giảm mạnh từ mức 2,3% trong năm 2018 về 1,2% trong năm 2019.
Ba quý đầu năm nay, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 96%, đạt vẻn vẹn 9,2 tỷ đồng.
Ba quý đầu năm nay, FPT Retail ghi nhận doanh thu 10.729,4 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019, song lợi nhuận sau thuế giảm tới 96%, đạt vẻn vẹn 9,2 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành được 8,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo FPT Retail cho biết, lĩnh vực bán lẻ điện thoại đang có dấu hiệu bão hoà và Công ty sẽ tập trung phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu để tạo động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Đến cuối quý III/2020, Công ty đã mở rộng thêm 126 nhà thuốc so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế, thị trường ICT đã có dấu hiệu chững lại trong vài năm gần đây và đối thủ cạnh tranh của FPT Retail là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) tìm hướng đi mới với việc mở chuỗi Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh.
Nhưng chính việc mở rộng mảng kinh doanh nhà thuốc, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong bối cảnh biên lợi nhuận mảng phân phối hàng công nghệ mỏng đi đã khiến FPT Retail thua lỗ 6,7 tỷ đồng trong quý III/2020.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định mảng bán lẻ dược phẩm của FPT Retail thành công hay không, nhưng việc đầu tư mở rộng hệ thống nhà thuốc Long Châu ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty trong ngắn hạn.
Quỹ tiền mặt của doanh nghiệp cũng suy giảm mạnh, nếu như ở thời điểm cuối năm 2017 là 1.574,9 tỷ đồng thì tới 30/9/2020 chỉ còn lại 946,4 tỷ đồng, giảm gần 40%.
Quỹ ngoại ồ ạt thoái vốn
Cùng với sự đi xuống của hiệu quả kinh doanh, diễn biến đáng chú ý gần đây tại FPT Retail là động thái thoái vốn của nhà đầu tư ngoại.
Cụ thể, từ đầu tháng 12/2020, nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu FRT. Trong phiên 17/12, tỷ lệ sở hữu của quỹ này tại FPT Retail chỉ còn 3,12%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Giai đoạn nhóm Quỹ Dragon Capital thoái vốn tại FPT Retail trùng với giai đoạn hưng phấn của thị trường chứng khoán trong nước nhờ câu chuyện kỳ vọng nền kinh tế sớm phục hồi khi vắc-xin ngừa Covid-19 bắt đầu xuất hiện và dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư F0.
Hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều đã tăng mạnh so với thời điểm lập đáy vào tháng 4/2020, bất chấp hiệu quả kinh doanh suy giảm, triển vọng kinh doanh đối diện nhiều thách thức. Cổ phiếu FRT cũng không là ngoại lệ.
Từ vùng giá 20.850 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 30/10/2020, thị giá cổ phiếu FRT tới ngày 21/12 đạt 29.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% trong gần 2 tháng.
Song, nhìn trong lịch sử biến động giá dài hơn, có thể thấy, thị giá của cổ phiếu FRT hiện tại vẫn thấp hơn tới 64% so với mức đỉnh 80.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh cổ tức sau khi niêm yết) thiết lập trong giai đoạn mới chào sàn.
Động thái “tranh thủ” thoái vốn của nhóm quỹ Dragon Capital trong giai đoạn vừa qua cho thấy nhà đầu tư ngoại đã mất kiên nhẫn với FPT Retail.