Tuy nhiên, năm qua cũng chứng kiến không ít sự kiện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa cổ đông ngoại và cổ đông nội, cũng như ban lãnh đạo DN.
BMP và NTP có cổ đông lớn là SCG (Thái Lan) - nhà cung cấp hạt nhựa cho cả hai công ty
Trước lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) tại TP. HCM, cổ đông lớn SCG -Tập đoàn vật liệu xây dựng lớn nhất Thái Lan đã đến chào Ban lãnh đạo Công ty và tặng 1 lọ hoa pha lê. Món quà tuy nhỏ, nhưng thái độ trọng thị của họ đã gắn kết mối quan hệ giữa hai bên thêm một bước.
Trước đó, đầu năm 2012, động thái mua cổ phần trên TTCK để trở thành cổ đông lớn của cả BMP và Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) - 2 DN chiếm lĩnh 80% thị phần sản phẩm nhựa xây dựng tại Việt Nam, trở thành một chủ đề nóng. Với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 23% tại 2 DN trên, chỉ đứng sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đồng thời tuyên bố, SCG muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 49%, nhiều ý kiến cho rằng, SCG có kế hoạch thâu tóm 2 DN mạnh và cả ngành nhựa xây dựng Việt Nam, lĩnh vực vốn là thế mạnh của SCG tại Thái Lan. Thực tế, từ khi trở thành cổ đông lớn, SCG thể hiện rằng, họ là nhà đầu tư, đối tác lớn.
Ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT BMP kể, khi BMP tổ chức hội nghị khách hàng tại Bangkok (Thái Lan), SCG mời BMP đến thăm Tập đoàn và đón tiếp các đối tác Việt Nam rất trọng thị. Những hành động nhỏ của SCG như chúc mừng DN trước những sự kiện lớn (khi họ được thông báo) đã để lại ấn tượng tốt với Ban lãnh đạo BMP. Trước khi trở thành cổ đông lớn, SCG là nhà cung cấp hạt nhựa cho cả hai công ty (BMP và NTP).
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT NTP cho hay, SCG chưa bao giờ dựa thế cổ đông lớn để ép DN trong việc mua bán nguyên liệu đầu vào.
Ở một câu chuyện khác, khi nói về những cái được thông qua sự hợp tác chiến lược giữa SeABank và Societe Generale (CG), ông Đặng Bảo Khánh, Phó tổng giám đốc SeABank chia sẻ: “Sau gần 4 năm hợp tác, cái mà chúng tôi đạt được là sự thống nhất về tư duy quản trị luôn dựa trên những cuộc thảo luận trao đổi cởi mở và xây dựng trên tinh thần tôn trọng, học hỏi lẫn nhau. Gần 20 dự án của SG, từ chiến lược phát triển, quản trị điều hành đến phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, tất cả đều đóng góp quan trọng vào việc cải tổ toàn diện SeABank theo chuẩn mực và tập quán quốc tế trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thời gian hạn hẹp, với chi phí thấp hơn nhiều các dự án tương tự ở các ngân hàng khác”.
Sự hợp tác hai bên chặt chẽ đến mức, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm của SG trực tiếp được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của SeABank, người duy nhất trong Ngân hàng có đặc quyền phủ quyết đối với tất cả các khoản vay mà xét thấy chưa đảm bảo tính an toàn và có thể mang lại rủi ro cho Ngân hàng.
Sau diễn biến không mấy vui tại ĐHCĐ thường niên năm 2012 của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone - mã VCS) khi nhóm cổ đông nước ngoài đứng đầu là Red River Holding (RRH) tập hợp đủ tỷ lệ phiếu bầu đã phủ quyết toàn bộ các tờ trình của HĐQT, hai bên đã có những nỗ lực trao đổi để đạt được một số thống nhất trước thềm Đại hội bất thường. Đại hội lần hai diễn ra nhanh chóng và mọi tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ 100% cổ đông có mặt. Tuy nhiên, sau những căng thẳng đó, nhóm cổ đông nước ngoài đánh tiếng tìm nhà đầu tư mua lại phần sở hữu của họ tại Vicostone, song đòi mức giá cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu VCS trên sàn. Nhóm cổ đông lớn trong nước cho hay, họ có thể xem xét phương án mua lại số cổ phần đó, nhưng với diễn biến thị trường như hiện tại mà cổ đông ngoại nhất quyết đòi bán giá cao thì hai bên không thể tìm được tiếng nói chung.
Tại Việt Nam, nhiều DN có xuất phát điểm là DN nhà nước, trở thành công ty đại chúng sau quá trình cổ phần hóa, bởi vậy sự phân định giữa ông chủ sở hữu và người điều hành thường không rạch ròi. Trong nhiều trường hợp, lãnh đạo DN - người đã tâm huyết xây dựng và chèo lái DN từ những ngày gian khó là đại diện cho chủ sở hữu nhà nước quản lý phần vốn tại DN. Hơn nữa, tiếng nói của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương vẫn có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, theo luật, khi có đủ tỷ lệ cổ phần cho phép, cổ đông ngoại có thể thể hiện thái độ của mình bằng lá phiếu tại các ĐHCĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của hợp tác chiến lược phải được đảm bảo trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco, DN hàng đầu tỉnh Bắc Ninh có tính bộc trực, cách nói thẳng tuột của ông khiến không ít cổ đông ngoại không vừa lòng. Trong cơ cấu cổ đông của Dabaco hiện có nhiều tên tuổi quỹ đầu tư như Red River Holding, SSI, SGI..., ông So tuyên bố thẳng thừng rằng, các quỹ đầu tư đến với ông chung tay xây dựng DN vượt qua khó khăn đều được hoan nghênh, nhưng nếu tỏ ra trịch thượng, tỏ thái độ “ông chủ - người làm”, ông sẵn sàng “đóng cửa, không tiếp”.
Do hành xử trên tâm thế “ông chủ - người làm công” mà năm 2012 khép lại, nhưng bất đồng giữa VinaCapital và Ban lãnh đạo CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vẫn chưa khép lại. Trong danh mục OTC của Quỹ VOF - một trong ba quỹ tại Việt
Năm 2012, VinaCapital đã thoái vốn tại nhiều DN, những căng thẳng giữa hai bên liệu có dẫn tới việc quỹ này tìm cách thoái vốn tại AGPPS? Một lãnh đạo của VinaCapital cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”. Thông điệp này cho thấy, giữa nhà đầu tư nội và ngoại, “cơm tiếp tục chẳng lành”.
Như trong mỗi cuộc hôn nhân, “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, trong mối quan hệ đối tác chiến lược, nếu tất cả cổ đông cùng chí hướng, DN sẽ thuận lợi trong quá trình phát triển. Quản trị được “hơi thở” của cổ đông có lẽ là mong muốn và nỗ lực của bất cứ ban lãnh đạo DN nào, song nếu không có thiện chí của cổ đông lớn, sẽ thật khó có mối quan hệ “cơm lành, canh ngọt”.