Ngân hàng tăng chia cổ tức tiền mặt
Chị Quỳnh Minh, một công chức ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, khoảng 18 năm về trước - thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán, Internet vẫn còn là điều xa xỉ nên các đồng nghiệp tập trung tại phòng làm việc đặt máy tính có modem (công cụ kết nối mạng Internet) và thậm thụt lên sàn, tinh thần trồi sụt cùng màn hình xanh đỏ…
“Tôi có mấy người bạn làm trong hệ thống ngân hàng, từ cơ quan quản lý đến ngân hàng thương mại nên thì thụt, to nhỏ, bàn tính… Rất khó khăn, nhưng nhờ vào mối quan hệ đặc biệt, chúng tôi đã mua được cổ phiếu KLB với giá trên 80.000 đồng/cổ phiếu, sau đó mua tiếp với giá trên 60.000 đồng/cổ phiếu. Nói là mua được bởi không phải ai muốn và cứ có tiền là mua được. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu KLB trên sàn UPCoM hiện thấp xa với giá mua trước đó. Nếu hàng năm, cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt thì cũng vơi nỗi ấm ức”, chị Quỳnh Minh nói.
Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, ông từng nhận được tập thư của nhiều cán bộ ngân hàng về hưu đề nghị được ưu đãi mua cổ phiếu. Nhưng sau này, những cán bộ về hưu được mua cổ phiếu đó có ý trách ông, vì giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, khiến cổ phiếu ưu đãi trở thành ngược đãi.
Câu chuyện cũ được nhắc lại cho thấy, mục tiêu cao nhất của phần lớn cổ đông là mỗi cổ phiếu sẽ mang lại ích kinh tế như thế nào.
Năm ngoái, có 9 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Eximbank, Techcombank, SHB, TPBank. Tổng số tiền các ngân hàng dùng để trả cổ tức trong năm 2024 ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, có 6 ngân hàng trả tổng cộng 23.000 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt.
Năm 2025, VIB là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên, thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ. Tính đến cuối năm 2024, VIB có vốn điều lệ 29.791 tỷ đồng, ước tính số tiền để chi trả cổ tức năm nay là hơn 2.085 tỷ đồng.
OCB vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ 2025 cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023 và chỉ hoàn thành 58% kế hoạch. Sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 2.508 tỷ đồng và lợi nhuận còn lại lũy kế là 3.706 tỷ đồng. OCB dự kiến năm nay sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 7%, tổng cộng 1.726 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, ngân hàng này và nhiều nhà băng khác chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.
Nhớ lại mùa ĐHCĐ ngành ngân hàng năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng gây sốc khi cam kết Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp, sau gần 12 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt (khiến các cổ đông như ngồi trên lửa, dẫn đến gần như đại hội năm nào cũng xuất hiện màn đối đáp căng thẳng giữa Hội đồng quản trị và cổ đông xung quanh vấn đề này). Năm 2025 này sẽ là năm thứ ba liên tiếp, VPBank chia cổ tức bằng tiền mặt.
Đua tăng vốn: Mục đích không hẳn tự thân
Bên cạnh các kế hoạch chi hàng nghìn tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, nhằm tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh các kế hoạch chi hàng nghìn tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, nhằm tăng vốn điều lệ. Trong các ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 15 - 49,5%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, có những cái tên đáng chú ý như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB Bank, VPBank, Nam A Bank…
Tại OCB, Ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, Ngân hàng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.
Trong khi đó, ACB dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng.
Với Vietcombank, Ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/3/2025 để chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 49,5%. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 2,7 tỷ đơn vị, tổng giá trị theo mệnh giá hơn 27.666 tỷ đồng, nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị NCB Bùi Thị Thanh Hương đã giải đáp câu hỏi của cổ đông về kế hoạch sử dụng 7.500 tỷ đồng từ đợt phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ sẽ thực hiện trong năm 2025, qua đó tăng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng lên 19.280 tỷ đồng, tương đương tăng 63,67%. Bà Hương cho hay, mục tiêu tăng thêm 7.500 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay, dù vừa tăng vốn lớn trong năm ngoái, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của Ngân hàng. Theo đó, số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng cho hai mục tiêu chính.
“Thứ nhất, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 8% theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước - một yêu cầu khắt khe, đặc biệt với các ngân hàng tái cơ cấu như NCB. Nếu hoàn thành, NCB sẽ đáp ứng chuẩn này, tạo nền tảng vững chắc. Thứ hai, phục vụ hoạt động kinh doanh, chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp và cá nhân mà NCB lựa chọn. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ vốn đã được thực hiện trong 3 năm qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng”, bà Hương nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn để phát triển kinh tế phần lớn đến từ hoạt động tiền tệ của ngành ngân hàng. Để cho vay, các ngân hàng cần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, nên trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt sẽ giúp các ngân hàng tích luỹ vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn, tăng khả năng cung cấp tín dụng
“Mục tiêu hướng tới là tăng trưởng tín dụng ở mức 16% để tăng trưởng GDP đạt trên 8% trong năm 2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Trong diễn biến có liên quan, ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện biên chia sẻ, năm nay, Đảng và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho các địa phương rất cao, tối thiểu 10% để cả nước đạt 8%. Vậy những tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, nơi được coi là vùng trũng tài chính tín dụng, làm thế nào để hoàn thành mục tiêu này? Ở Điện Biên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 theo giá so sánh đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, yêu cầu năm 2025 tăng 10% tức GRDP tăng thêm 1.650 tỷ đồng. Với hệ số ICO 5,5, nguồn vốn đầu tư năm nay cần đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Nếu trừ đầu tư công và chi tiêu tích luỹ khoảng 50%, thì Điện Biên cần có 4.500 tỷ đồng. Nói cách khác, nguồn vốn đầu tư tư nhân cần tăng thêm khoảng 4.500 tỷ đồng.
“Con số này rất lớn và chỉ có trông chờ vào hệ thống ngân hàng”, ông Toàn nhấn mạnh.