Một số ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao như HDBank, ACB, Nam A Bank, OCB, MB, VIB…

Một số ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao như HDBank, ACB, Nam A Bank, OCB, MB, VIB…

Cổ đông ngân hàng thêm háo hức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ lên phương án chia cổ tức cao trong năm 2024, mà một số ngân hàng còn dự kiến duy trì mức cổ tức sẽ chia cho năm 2025, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Kế hoạch phân chia lợi nhuận

Nhà đầu tư Ngô Thanh Tùng cho biết, ông mua cổ phiếu ngân hàng OCB, ACB, HDB đầu năm 2023, đến nay đã chốt lời một phần, song vẫn giữ lại phần lớn cổ phiếu và trong mùa đại hội cổ đông vừa qua cảm thấy rất vui khi các ngân hàng trình kế hoạch chia cổ tức ở mức cao so với các năm trước. Nếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 2 năm qua, thì cổ tức ngân hàng gấp đôi.

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm sâu, chỉ còn khoảng 5%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên, thì cổ tức ngân hàng trở nên hấp dẫn khi nhiều nhà băng trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 quanh mức 25% bằng cổ phiếu và tiền mặt như ACB, Nam A Bank, OCB, MB, VIB… Đáng chú ý, đại hội đồng cổ đông HDBank thông qua phương án nâng tỷ lệ cổ tức từ 25% lên 30%.

Ông Lưu Đức Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank đã nêu phương án chia cổ tức năm 2023 là 30%, với 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu; vốn điều lệ tăng thêm tối đa hơn 6.025 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng thông qua phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP.

Cả HDBank và ACB đều dự kiến sẽ duy trì mức cổ tức cao cho năm 2024.

Không chỉ cổ đông các ngân hàng trên, năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng khác cũng phấn khởi khi đón nhận thông tin cổ tức cao, trong đó có tiền mặt, thay vì chỉ có cổ phiếu như các năm trước. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lên phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông như VIB, Techcombank.

Theo đó, Techcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tỷ lệ 1:1, việc này giúp các cổ đông không còn ấm ức vì 10 năm qua không được nhận cổ tức.

Năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng phấn khởi khi đón nhận thông tin cổ tức cao, trong đó có tiền mặt, thay vì chỉ có cổ phiếu như các năm trước.

Với Sacombank, theo kế hoạch, Ngân hàng sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc trong năm 2024 và chia cổ tức bằng cổ phiếu. Sacombank hiện có khoản lợi nhuận giữ lại 18.000 tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng quy mô lớn chia cổ tức cao, mà trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm nay, không ít nhà băng quy mô vừa và nhỏ thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn. Chẳng hạn, VietABank, VietBank, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt là 39%, 25% và 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Lợi nhuận được trông chờ

Công ty Chứng khoán VPBankS đánh giá cao triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, kỳ vọng sự phục hồi của ngành sẽ diễn ra rõ nét hơn trong nửa cuối năm. Theo đó, công ty chứng khoán này dự báo, lợi nhuận trước thuế các ngân hàng niêm yết trong năm nay có thể tăng 15% so với năm ngoái.

Trong quý I/2024, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng là 15,9%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (19,8%); tương tự, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 1,4%, thấp hơn 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu tính theo năm gia tăng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành thời điểm cuối quý I/2024 là 1,9%, cao hơn 0,2% so với năm 2022.

Tuy nhiên, theo VPBankS, tính đến cuối năm 2024, có thể kỳ vọng ROE và ROA của ngành ngân hàng tăng trở lại, với mức lợi nhuận cao hơn so với năm trước và mức tăng vốn sẽ chậm lại so với các năm gần đây.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 của ngân hàng này đạt trên 10%, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn hệ thống tổ chức tín dụng (2,41%), đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh.

“Dự kiến, 2 quý đầu năm 2024, lợi nhuận của ngân hàng đạt kế hoạch đề ra. Với kế hoạch lợi nhuận xây dựng cho cả năm nay xấp xỉ 10.000 tỷ đồng trước thuế, tăng hơn 30% so với năm ngoái, thì khả năng đạt được là có cơ sở”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói và cho hay, ngân hàng đang xin thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2024 của HDBank, có cổ đông đặt câu hỏi, Ngân hàng đề ra mục tiêu đạt 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với năm 2023, trong bối cảnh thị trường, kinh tế thế giới và trong nước có những biến động, khó khăn, thách thức, Ban điều hành thực thi như thế nào? Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank chia sẻ, cuối năm ngoái và đầu năm nay, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã nhận ra cơ hội phát triển từ thị trường, kinh tế trong nước trên đà hồi phục, đạt gia tốc, tốc độ tốt.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Ngân hàng rất khả quan, lợi nhuận đạt 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 46% với cùng kỳ năm 2023; tổng tài sản, lợi nhuận, dư nợ tăng trưởng tích cực, trong đó dư nợ tăng trên 7%..., nên có cơ sở để hoàn thành mục tiêu cả năm.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2024 tăng so với quý I/2024; 30,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi và 11,8% lo ngại lợi nhuận sẽ giảm. Cả năm 2024, có 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2023; 3,7% dự kiến lợi nhuận không thay đổi và 10,1% lo ngại lợi nhuận sẽ giảm.

Thực tế, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay cao hơn 10 - 15% so với năm ngoái. Trong quý đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trên sàn chứng khoán tăng trưởng tích cực, dù tín dụng tăng thấp và có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, lợi nhuận ngành ngân hàng cả năm 2024 sẽ cải thiện so với năm 2023, nhưng tăng trưởng tín dụng không dễ đạt mục tiêu 14% nên lợi nhuận khó có thể đột biến.

Tin bài liên quan