Cổ đông sắp đón nhận hàng tỷ cổ phiếu
Ngày 30/8/2027, OCB chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tổng cộng gần 411 triệu cổ phiếu. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.
Ngày 29/8/2024, MSB chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sẽ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng.
Ngày 26/8/2024, SeABank chốt danh sách cổ đông để phát hành 329 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 13,18%, đồng thời phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 0,4127%. Theo đó, tổng tỷ lệ phát hành của hai phương án là 13,6%, vốn điều lệ của SeABank dự kiến sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng, lên 28.350 tỷ đồng.
VIB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng vào ngày 23/8/2024. Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023. Ngoài ra, VIB sẽ phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu ESOP cho các cán bộ, nhân viên có tên trong danh sách chốt ngày 23/8. Sau 2 đợt phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên hơn 29.790 tỷ đồng.
SHB đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong tháng 9/2024, với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác như ACB, Nam A Bank, HDBank... đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu.
Trong đó, đầu tháng 7/2024, HDBank chốt quyền hưởng cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30% (gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu). Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm 5.825 tỷ đồng, lên hơn 35.900 tỷ đồng.
Nam A Bank đã chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm 2.654 tỷ đồng và chuẩn bị phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP, qua đó vốn điều lệ sẽ tăng thêm 500 tỷ đồng, lên 13.725 tỷ đồng.
Hiện tại, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống, với 79.300 tỷ đồng. Techcombank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai với 70.450 tỷ đồng. ACB sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức 15% (bên cạnh 10% cổ tức tiền mặt), vốn điều lệ đã tăng lên 44.667 tỷ đồng, vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống (sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB).
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, năm 2024 tiếp tục là năm có nhiều thách thức với ngành ngân hàng khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, kể cả việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được gia hạn đến hết năm nay (theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện đã tăng lên gần 5%). Vì thế, vốn điều lệ tăng thêm có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tài chính, đối phó với các thách thức, biến động trong môi trường kinh tế chưa ổn định, đồng thời tạo dư địa để tiếp tục hỗ trợ vốn cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng
Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm nay nhờ nhu cầu vốn sẽ tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế, lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng 10 - 15%.
Mặc dù còn khó khăn, song hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng được nhận định sẽ dần khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2024. Tín dụng đã tăng trở lại 6,25% tính đến ngày 26/8 so với mức 5,66% vào cuối tháng 7/2024.
Theo đánh giá của bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán MB, hai yếu tố được quan tâm đối với hoạt động của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% trong năm nay nhờ nhu cầu vốn sẽ tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế, nhưng có sự phân hóa giữa các nhà băng, tùy thuộc vào chất lượng tài sản, tình hình nợ xấu.
Lợi nhuận của ngành này trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tích cực hơn so với nửa đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng, song tính chung tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp tích cực vào sự đi lên của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Các công ty chứng khoán cũng có động thái mua cổ phiếu “vua” như mã VPB, HDB…
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam kỳ vọng, biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ tăng 0,1 - 0,2% so với năm 2023. Các ngân hàng có tín dụng tăng trưởng được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp như Techcombank, HDBank, LPBank có biên lãi ròng cải thiện tích cực. Chi phí vốn (COF) của nhiều ngân hàng cũng được cải thiện đáng kể trong quý II/2024, nhờ mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng.
Xét về định giá, theo các chuyên gia, sau khi tăng mạnh trong quý I/2024, đưa chỉ số P/B lên mức 1,7 lần, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh, P/B giảm xuống mức 1,47 lần, thấp so với mức trung bình 5 năm là 1,7 lần.
Trong ngắn hạn, các cổ phiếu ngân hàng có thể có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý III/2023 chưa thực sự khởi sắc, nhưng sẽ là thời điểm thích hợp để mua những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn như VCB, ACB, STB, TCB, VPB...
Theo Dragon Capital, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng thường tăng trưởng ở mức 2 con số và thường xuyên nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Các cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index. Giá nhóm cổ phiếu “vua” hiện có mức tăng khoảng 14% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B 1,7 lần), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 18 - 20%, tạo động lực tăng giá trong thời gian tới.
Cùng với định giá hấp dẫn và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, cổ phiếu ngân hàng còn được hỗ trợ bởi câu chuyện tăng vốn, nâng hạng thị trường chứng khoán, tỷ lệ cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt cao. Giới chuyên gia dự báo, ngân hàng tiếp tục là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong những tháng cuối năm 2024, nhưng phù hợp hơn với những nhà đầu tư nắm giữ trong trung và dài hạn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã có sự tăng trưởng trong thời gian qua nên khó có thể kỳ vọng xuất hiện “sóng” lớn, nhất là khi nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan tâm do chất lượng tài sản có dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác, ngân hàng thuộc nhóm có lợi nhuận cao, dự kiến năm nay tăng 10 - 15% so với năm ngoái. Khi kinh tế tăng trưởng, đây là ngành được hưởng lợi đầu tiên, vì tín dụng tăng trở lại. Hiện tại, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có diễn biến khả quan, bên cạnh nhóm bán lẻ, bất động sản…