Cổ đông ngân hàng không còn ấm ức vì cổ tức

Cổ đông ngân hàng không còn ấm ức vì cổ tức

(ĐTCK) Các năm trước, khi nhiều ngân hàng khó khăn chưa đủ khả năng chia cổ tức, nhiều cổ đông đã tỏ ra bức xúc. Năm nay, mùa đại hội có phần bình yên hơn. 

Một trong những ngân hàng chia cổ tức 2018 cao trong mùa đại hội năm nay đó là HDBank. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của HDBank đạt 3.202 tỷ đồng, tăng gần 64% so với năm trước. Theo đó, HDBank tiếp tục chia cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức cao 30% - là mức đều đặn chia trong những năm qua. Trong đó, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 10% và cổ phiếu thưởng là 20%.

Với gần 981 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng giá trị đợt chi trả cổ tức của HDBank là 981 tỷ đồng. Phần lợi nhuận giữ lại sau khi chia cổ tức (1.605 tỷ đồng) được bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Để thưởng cổ phiếu, HDBank sẽ phát hành hơn 196 triệu cổ phiếu, giá trị 1.962 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tích lũy. Về thời gian thực hiện, HĐQT HDBank xin ý kiến cổ đông giao và ủy quyền cho HĐQT được quyết định thời điểm phù hợp với quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước.

Tại ACB, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 mới đây, cổ đông ACB đã thông qua việc chia cổ tức năm 2018 và 2019 với cùng tỷ lệ 30%. Trong đó, năm 2018 chia bằng cổ phiếu, năm 2019 chia 20% cổ phiếu và 10% bằng tiền.

Để trả 30% cổ tức 2018 bằng cổ phiếu, ACB dự kiến phát hành 374 triệu cổ phiếu. Với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.741 tỷ đồng do chia cổ tức, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, Ngân hàng dự kiến sử dụng 1.706 tỷ đồng cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn và 1.706 tỷ đồng còn lại để mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản…

Ngoài cổ tức, HĐQT ACB còn dự kiến sẽ bán tối đa hơn 6,2 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số hơn 41 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho người lao động. Giá bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá vốn bình quân của cổ phiếu quỹ là 16.072 đồng/cổ phần, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại khoảng 30.000 đồng/cổ phần.

Tại ĐHCĐ của Nam A Bank diễn ra vào cuối tháng 3/2019, một cổ đông bộc bạch, cổ tức 2018 được chia là 16% bằng cổ phiếu, nếu so với mức 5-7% của mấy năm trước thì đây là nỗ lực lớn của HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng. Dù vậy, theo cổ đông này, Nam A Bank cần sớm xúc tiến kế hoạch niêm yết để nâng cao tính thanh khoản, cũng như thị giá cổ phiếu, vì hiện cả 2 chỉ tiêu này trên thị trường OTC đều thấp.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, việc niêm yết trên sàn đã được đưa vào quy định, nên sau khi được ĐHCĐ thông qua, HĐQT Nam A Bank sẽ tiến hành các thủ tục và hồ sơ để sớm đưa cổ phiếu niêm yết, qua đó cải thiện thanh khoản cũng như thị giá cổ phiếu.

Không chỉ với ngân hàng chia cổ tức cao, ngay cả những nhà băng chưa được chia cổ tức, cổ đông cũng không còn nhiều thắc mắc như trước đây.

Trả lời cổ đông về thời gian dừng trích lập dự phòng rủi ro và khi nào SCB mới chia cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Do đó, mọi nguồn lực cần tập trung cho việc xử lý nợ xấu. Vì vậy, trước mắt, cổ đông sẽ chịu thiệt thòi, nhưng đây sẽ là "của để dành" cho cổ đông về sau này.

“Hiện nguồn lợi nhuận để lại của SCB vào khoảng 670 tỷ đồng và khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nguồn này sẽ được chia cho cổ đông. Cùng với khoản dự phòng lớn trên 8.200 tỷ đồng, đây sẽ là giá trị lớn cho các cổ đông trong tương lai”, ông Văn nói.

Tin bài liên quan