Nhiều nhà đầu tư quan ngại về việc lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu có thể dựa vào thông tin nội bộ

Nhiều nhà đầu tư quan ngại về việc lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu có thể dựa vào thông tin nội bộ

Cổ đông nên làm gì khi lãnh đạo doanh nghiệp như CII, NHP... thích “lướt sóng”?

(ĐTCK) Thời gian qua, Tổng giám đốc CII bán ra gần hết cổ phiếu tại vùng giá đỉnh, Chủ tịch NHP “mua đáy, bán đỉnh”, thu về cả chục tỷ đồng. Sau động thái “lướt sóng” của lãnh đạo doanh nghiệp, giá cổ phiếu có diễn biến giảm mạnh.

Lãnh đạo CII bán đúng đỉnh

Cuối tháng 5/2017, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) bán ra một lượng lớn cổ phiếu với giá tại vùng đỉnh khi Công ty có lợi nhuận đột biến.

Cụ thể, ông Bình đã bán 2,21 triệu cổ phiếu CII trong tổng số 2,66 triệu cổ phiếu mà ông nắm giữ. Ngay sau động thái xả hàng này của lãnh đạo doanh nghiệp, giá cổ phiếu CII có diễn biến giảm từ gần 40.000 đồng/CP xuống gần 35.000 đồng/CP.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Lê Quốc Bình bán ra cổ phiếu. Tháng 9/2015, ông đăng ký bán 8,5 triệu cổ phiếu CII, sau khi đã bán thành công hơn 12,5 triệu cổ phiếu trước đó. Sau động thái liên tiếp thoái vốn của ông Bình, giá cổ phiếu CII có diễn biến giảm mạnh.

Lãnh đạo NHP lãi lớn

Tương tự, ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (NHP) thường xuyên bán cổ phiếu NHP ở vùng giá đỉnh và mua lại tại vùng giá đáy, thu về hàng tỷ đồng tiền chênh lệch.

Tháng 8/2016, ông Nghĩa bán 1 triệu cổ phiếu NHP, giá thị trường khi đó hơn 17.000 đồng/CP. Từ đầu tháng 10/2016 đến tháng 11/2016, cổ phiếu NHP liên tục giảm giá, còn 3.000 - 4.000 đồng/CP và đây là lúc ông Nghĩa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NHP, giá trị tính theo giá thị trường khoảng 4 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ban hành Quy chế về nhà tạo lập thị trường, cho phép các công ty chứng khoán hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết bằng cách yết giá mua - bán cổ phiếu.

Quy chế này có hiệu lực từ 1/7/2017, hiện mới có Công ty Chứng khoán VNDIRECT và Công ty Chứng khoán MB quan tâm triển khai, nhưng chưa có thông tin cụ thể về mã cổ phiếu được tạo lập giá.

Như vậy, chỉ sau 3 tháng, Chủ tịch NHP giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, nhưng thu về nhiều tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng thích “lướt sóng”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, những hành động lướt sóng đó có ảnh hưởng xấu trong con mắt nhà đầu tư.

Theo ông Minh, quan điểm của nhà đầu tư là ban lãnh đạo doanh nghiệp không nên quan tâm nhiều đến biến động của giá cổ phiếu và không nên tác động trực tiếp lên giá cổ phiếu. Nhà đầu tư không yên tâm khi ban lãnh đạo có thể dùng thông tin nội bộ, mua bán trước khi công bố thông tin có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch

Vẫn theo ông Minh, lãnh đạo doanh nghiệp thích lướt sóng cổ phiếu khiến nhà đầu tư gặp rủi ro, bởi động thái này khiến giá cổ phiếu biến động bất thường, nhất là khi giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp giống như nhà tạo lập thị trường.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về khuyến nghị cho nhà đầu tư tránh những rủi ro không đáng có, lời khuyên từ các chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư cần luôn luôn thiết lập cho mình một nguyên tắc đầu tư, hay nói cách khác là thiết lập hệ thống đầu tư bằng các công cụ và đưa ra một ngưỡng cắt lỗ để giới hạn rủi ro diễn biến giá. Đồng thời, nhà đầu tư nên dành tỷ trọng vừa phải hoặc ở mức thấp và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính đối với các cổ phiếu này.

“Đặc biệt, tạo lập thị trường là vấn đề luôn gặp phải ở thị trường chứng khoán cho nên tôi vẫn luôn khuyên các nhà đầu tư để tránh các rủi ro trên thì cần đưa ra chiến lược giao dịch cho bản thân, có mức cắt lỗ phù hợp khi diễn biến giá không thuận lợi và nếu không chấp nhận được rủi ro cao thì nên ưu tiên vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt”, ông Minh nói.

Được biết, hiện tượng “tạo lập thị trường” cho cổ phiếu diễn ra khá phổ biến trên thị trường chứng khoán thế giới, chủ yếu diễn ra ở những nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ, hoặc những cổ phiếu có thanh khoản kém.

Pháp luật các nước có quy định chặt chẽ về vấn đề này và có chế tài xử phạt nghiêm khắc, trong đó mức phạt tiền rất lớn, đối với hành vi giao dịch dựa trên thông tin nội bộ (giao dịch nội gián), tạo cung cầu giả, thao túng thị trường… 

Tin bài liên quan