Cổ đông mới của Western Bank là ai?

Cổ đông mới của Western Bank là ai?

Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank – WB) đang thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính vì đang trong quá trình tái cấu trúc.
Sự thành công của quá trình này phụ thuộc trước hết vào tái cơ cấu cổ đông, mà cụ thể là nhóm cổ đông cũ chuyển nhượng 90% cổ phần cho nhóm mới. Cổ đông mới của WB là những ai và vì sao họ lại bỏ vốn vào ngân hàng?
Chứng minh năng lực tài chính bằng sổ tiết kiệm
Nhóm cổ đông mới của WB gồm khoảng 30 người. Trong đó có người là chủ doanh nghiệp, có người lần đầu tiên tham gia đầu tư vào ngân hàng, có người thuộc nhóm đã từ lâu có ý định mua cổ phần, nhưng chưa tìm được cơ hội.
Phương Tây về cội rễ là ngân hàng nông thôn, hội sở chính hiện vẫn đặt ở Cần Thơ, mặc dù có sở giao dịch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM. Cội rễ ấy cộng với thâm niên hàng chục năm bám trụ ở địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo cho Phương Tây lợi thế phát triển tín dụng nông thôn.
Hầu hết các ngân hàng TMCP nông thôn đều đạt hiệu quả kinh doanh cao và chia cổ tức 20-30%/năm trong nhiều năm liền trước khi chuyển thành ngân hàng TMCP đô thị và tăng vốn ào ạt. Mặt khác WB cũng là ngân hàng huy động vốn tương đối hiệu quả.
Năm ngoái tổng vốn huy động của Phương Tây đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Với mạng lưới chi nhánh eo hẹp, lại đặt ở những địa bàn cạnh tranh khốc liệt như TPHCM và các tỉnh lân cận, huy động được số vốn như vậy đối với một ngân hàng nhỏ không phải dễ. Vì thế đã có một nhóm nhà đầu tư sẵn sàng tiền để tham gia vào ngân hàng, song vì nhiều lý do, họ đã không thể trở thành cổ đông.
Ba tháng trước, tháng 4-2012, trong số những cổ đông trọng yếu của WB còn những tổ chức như Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn chiếm 6,27%, tương đương 18,8 triệu cổ phần. Công ty cổ phần năng lượng Sài Gòn – Bình Định khi ấy nắm giữ 6,57% tức 19,7 triệu cổ phần. Các cổ đông tổ chức khác sở hữu khoảng 38% và cá nhân sở hữu hơn 49% còn lại.
Cho đến trước thời điểm đàm phán chuyển nhượng lại cổ phần, trong thành phần cổ đông của WB có cả những đại gia mà giới tài chính biết tiếng. Nay sau thương lượng, (còn chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận), cơ cấu cổ đông của WB đồng đều, phần lớn là những nhà đầu tư nắm giữ chừng 1-2% cổ phần ngân hàng. Người ít thì 20-30 tỷ đồng, người nhiều thì 100 tỷ đồng giá trị cổ phần tính theo mệnh giá. Họ mua lại tỷ lệ sở hữu bằng tiền tự có, không phải đi vay. Họ chứng minh khả năng tài chính bằng việc đặt cọc những sổ tiết kiệm có giá trị bằng giá trị cổ phần sẽ mua.
Nếu hợp nhất, PVF sẽ hủy niêm yết
Khi được “thay máu”, một số cổ đông cũ (họ đồng thời là khách hàng tín dụng của WB) có tiền trả nợ cho ngân hàng và bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay còn lại. Trên cơ sở đó, WB cơ cấu lại tài sản, đưa ra thời hạn trả nợ hợp lý cho những khoản vay cũ. Để hoàn tất bước đi này đòi hỏi thời gian 2-3 tháng.
Một trong những điều kiện nhận chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông mới là sau tái cấu trúc, WB phải sáp nhập, hợp nhất với một tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng khác để tạo ra một ngân hàng mới quy mô, đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
Trong trường hợp được giả định hợp nhất với Tổng công ty tài chính Dầu khí (PVF), thì cả hai phải trình phương án sáp nhập lên cơ quan quản lý. Trên cơ sở phương án đó, lộ trình tái cấu trúc toàn diện cả hai bên mới được tiến hành. Cả hai phải sửa đổi điều lệ, tổ chức đại hội cổ đông bất thường, xin ý kiến cổ đông về các thay đổi căn bản. Những bước đi này ngay cả trong điều kiện nhanh chóng cũng phải mất 3 tháng nữa.
Bên cạnh đó PVF là tổ chức niêm yết trên sàn Hose. Để tiến hành hợp nhất PVF phải hủy niêm yết. Việc niêm yết lại đối với ngân hàng hợp nhất là chắc chắn, câu hỏi chỉ là khi nào. Theo luật, một tổ chức đang niêm yết xin hủy niêm yết vì lý do chính đáng, thì phải một năm sau mới niêm yết lại.
Trong trường hợp sáp nhập như của PVF và WB, thời gian niêm yết trở lại có thể nhanh hơn. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp sớm niêm yết lại, họ vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Sau khi hợp nhất, vốn Nhà nước ở PVF sẽ giảm từ 78% hiện hành xuống khoảng 50%. Thực hiện các cam kết về cổ phần hóa, PVF sẽ phải giảm tiếp vốn Nhà nước xuống 20% vào năm 2015. Vốn Nhà nước có thể hạ xuống 40% vào năm 2013 sau khi PVF phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư mới, kể cả cổ đông chiến lược nước ngoài mới (PVF hiện có cổ đông chiến lược là Morgan Stanley nắm 10% cổ phần).
Xây dựng một ngân hàng trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức cũ sẽ có nhiều việc để làm hơn là quản lý, điều hành một ngân hàng mới toanh. Tuy nhiên ngân hàng hợp nhất có lợi thế lớn, đặc biệt xét đến số lượng 40.000 khách hàng mà cả hai đã vun đắp trong nhiều năm. WB trong lịch sử 20 năm tồn tại của mình, chỉ trừ năm 2011 phát triển quá nóng, dẫn đến nợ xấu cao, luôn kiểm soát được bước đi trong khả năng và điều kiện môi trường kinh doanh cho phép. Sáp nhập với PVF, ưu điểm có tính cốt lõi này sẽ được phát huy.