CHP dự kiến phương án phát hành hơn 10,7 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ hơn 7,3%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 107,4 tỷ đồng sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ Công ty dự kiến sẽ tăng từ 1.469 tỷ đồng lên 1.576,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau dự kiến trong quý II/2025.
Liên quan đến chủ sở hữu, vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thông báo về việc huỷ chào bán cạnh tranh theo lô cổ phiếu ra công chúng của nhóm cổ đông lớn CHP gồm Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và CTCP Tư vấn Xây dựng điện 3, do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Trước đó, nhóm cổ đông lớn muốn chào bán gần 33,8 triệu cổ phiếu CHP (riêng EVNSPC sở hữu xấp xỉ 23% vốn CHP), với giá 87.284 đồng/CP, cao hơn 2,4 lần giá cổ phiếu CHP tại thời điểm chào bán.
Được biết, tại thời điểm công bố danh sách cổ đông gần nhất ngày 30/6/2024, Thuỷ điện miền Trung ghi nhận 3 cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Năng lượng REE (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (mã REE – sàn HOSE)) sở hữu 24,2% vốn điều lệ; Tổng công ty Điện lực miền Nam sở hữu 23% vốn điều lệ; Tổng công ty Điện lực miền Trung sở hữu 23% vốn điều lệ; và còn lại 29,8% tổng vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, Thuỷ điện miền Trung là chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Công trình có nhiệm vụ chính cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia với tổng công suất lắp máy 170 MW, điện lượng trung bình hàng năm khoảng 649 triệu Kwh.
Thuỷ điện miền Trung cũng sở hữu Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, đây là dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên được triển khai thi công tại Việt Nam trong thời điểm đầu năm 2018. Ngày 20/4/2019, Nhà máy điện mặt trời Cư Jút đã chính thức phát điện thương mại thành công. Việc phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019 đã giúp Nhà máy được hưởng mức giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/KWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điện lượng bình quân của Nhà máy đạt 94,71 triệu KWh/năm (với tần suất 65%); doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng/năm.
Năm 2025, CTCP Thuỷ điện miền Trung đặt mục tiêu tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 713,5 triệu kWh (635 triệu kWh từ Nhà máy thuỷ điện A Lưới và hơn 78 triệu kWh Nhà máy điện mặt trời Cư Jut). Theo đó, tổng doanh thu Công ty đạt 720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 240,2 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2024, Công ty giảm 12% về doanh thu và giảm 23% về lợi nhuận.
CPH cho biết, năm nay có những chính sách mới trong vận hành thị trường điện sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện của Nhà máy A Lưới.
Trong đó, theo thông tư 21/2024/TT-BCT ngày 10/10/2024 của Bộ Công thương đã bỏ loại hình nhà máy thuỷ điện có hồ chứa điều tiết từ 02 ngày đến dưới 01 tuần. Trong khi từ ngày 25/11/2024, Nhà máy A Lưới tham gia thị trường điện theo hình thức nhà máy có hồ chứa điều tiết từ 02 ngày trở lên giống như các nhà máy có hồ chứa có dung tích hữu ích lớn trên hệ thống.
Sản lượng hợp đồng NSMO tính toán giao theo từng tháng căn cứ vào dự báo nước về trong tháng (trước đây giao theo tuần). Kết quả dự báo đôi khi độ tin cậy không cao nên dễ dẫn đến việc giao Qc vượt khả năng phát. Mặt khác, hồ A Lưới nhỏ, sẽ gặp trường hợp lưu lượng về hồ trong tháng có sự biến thiên lớn không ổn định, có thời điểm Qc nhỏ và có thời điểm Qc tăng đột biến sẽ xả bỏ, không tạo ra sản lượng mặc dù Qc bình quân tháng không cao.
Bên cạnh đó, sản lượng phát điện trong tuần bị ràng buộc bởi mức nước giới hạn mà NSMO công bố hàng tuần, nếu vi phạm 02 tuần liên tiếp sẽ không được phát điện đến bị phạt doanh thu theo sản lượng Qc giao. Mực nước giới hạn mà NSMO tính toán công suất theo mục tiêu là đảm bảo an ninh hệ thống, không xét đến khía cạnh tối ưu sản lượng, doanh thu cho phía đơn vị phát điện dẫn đến đơn vị phát điện sẽ bị thiệt hại do không điều chỉnh được mức nước hệ điều phát điện để tối ưu được sản lượng và doanh thu.
Nhìn chung, Thuỷ điện Miền Trung dự kiến công tác thị trường điện năm 2025 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và Công ty sẽ chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết, các cơ sở pháp lý để làm việc với Công ty mua bán điện (EPTC) đàm phán về hệ số tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng theo hướng có lợi cho Công ty khi EPTC có yêu cầu.
Về phương án phân phối lợi nhuận, năm 2024, CHP sẽ chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 22% và năm 2025 tỷ lệ dự kiến là 17% (nhưng sẽ phấn đấu lên 20%).
Tạm kết phiên giao dịch sáng ngày 31/03, cổ phiếu CHP tạm giảm 1,14%, về mức 34.600 đồng/CP.