Câu chuyện rối như mớ bòng bong tại CTCP Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (SDH) là một ví dụ.
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, nhóm cổ đông lớn của SDH đã miễn nhiệm HĐQT. Trước đó, vào ngày 17/5/2017, Công ty Chứng khoán APEC – đại diện nhóm cổ đông lớn sở hữu 36,32% cổ phần trong thời gian liên tục 6 tháng đã tiến hành triệu tập, tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp là 51,25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Đại hội đã thảo luận và thông qua tờ trình miễn nhiệm HĐQT, Ban Kiểm soát; bầu HĐQT, Ban Kiểm soát mới. Cổ đông cũng có ý kiến nghi ngờ số liệu trên báo cáo tài chính của Công ty, nguồn vốn không được bảo toàn; đồng thời, yêu cầu kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, đề nghị làm rõ sai phạm của Công ty.
Việc làm này vấp phải sự phản đối gay gắt của HĐQT và Ban Kiểm soát cũ. HĐQT cũ không công nhận tính hợp lệ của Đại hội đồng cổ đông bất thường, không bàn giao con dấu, các giấy tờ, tài liệu, tài sản Công ty. HĐQT mới gửi các báo cáo đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… cũng chưa nhận được sự ủng hộ.
Quan sát trường hợp này nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, ở góc độ pháp lý, việc cổ đông lớn của SDH triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường có đúng luật?
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh), Điều 136, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, có hai phương thức triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, đó là: họp đại hội đồng cổ đông thường niên và họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn ít nhất 6 tháng liên tục có quyền yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác, nếu không thì khi nhận được yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường trên, HĐQT phải tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời hạn 30 ngày.
Nếu quá thời hạn 30 ngày mà HĐQT không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường thì ban kiểm soát thay thế HĐQT tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường trong thời hạn 30 ngày tiếp theo.
Nếu tiếp tục quá thời hạn trên mà ban kiểm soát vẫn không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường thì nhóm cổ đông mới có quyền đại diện công ty triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường.
Như vậy, để xác định việc nhóm cổ đông APEC triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường có đúng luật hay không, luật sư Truyền cho rằng, cần kiểm tra lại toàn bộ quá trình yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, về thời hạn, về trình tự các bước tiến hành, về các quy định cá biệt tại Điều lệ Công ty.
Đáng lưu ý là, khoản 3, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định, “yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông phải được lập bằng văn bản…, kèm theo phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền”.
Trên website của APEC đã đăng tải thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, công khai các tài liệu chuẩn bị cho đại hội như chương trình họp, giấy ủy quyền, quy chế bầu cử, quy chế làm việc…, nhưng không có tài liệu chứng minh HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Trước đó, trao đổi qua điện thoại với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện nhóm cổ đông APEC cho biết, các cổ đông đã yêu cầu HĐQT Công ty SDH triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên từ tháng 2 nhưng không nhận được trả lời. Trong năm 2016, HĐQT Công ty không họp cuộc nào, ngoài một cuộc họp được tổ chức bằng cách cử nhân viên đi lấy ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.
Như vậy, để chứng minh đại hội đồng cổ đông bất thường có được tổ chức đúng quy định hay không, nhóm cổ đông lớn phải chứng minh được đã cung cấp tài liệu HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông… đồng thời chứng minh được đã yêu cầu HĐQT, Ban Kiểm soát triệu tập Đại hội đồng cổ đông nhưng bị HĐQT, Ban Kiểm soát “phớt lờ”.
Trong trường hợp đại hội được tổ chức đúng luật, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, căn cứ vào điểm c, khoản 2, Điều 135, Luật Doanh nghiệp 2014 (quy định về quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT của Đại hội đồng cổ đông), nếu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường được tiến hành đúng trình tự, thủ tục luật định, đồng thời thông qua việc bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT thì Nghị quyết đương nhiên có hiệu lực pháp lý.
Trong trường hợp sau khi tiến hành miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên HĐQT cũ và bầu các thành viên HĐQT mới mà giữa các bên có tranh chấp thì có quyền khởi kiện đến cơ quan tòa án có thẩm quyền. Nếu bên nào có lỗi, dẫn đến thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh.
SDH là một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, là một thành viên thị trường. Nếu những phản ánh của nhóm cổ đông lớn của SDH là đúng, thì HĐQT Công ty đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản trị công ty, gây ra các thiệt hại cho cổ đông.
Nhiều cổ đông của Công ty bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý thị trường trong thẩm quyền của mình có giải pháp để góp phần làm minh bạch hoạt động và tình hình tài chính của SDH, để các nhà đầu tư sớm có thông tin rõ ràng.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên lạc với Công ty Chứng khoán APEC, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm của SDH để tiếp tục phản ánh câu chuyện này.