Cổ đông lớn muốn bước nhanh vào HĐQT, được không?

Cổ đông lớn muốn bước nhanh vào HĐQT, được không?

(ĐTCK) Chi gần 5 tỷ USD để sở hữu 343.642.587 cổ phiếu SAB vào tháng 12/2017, chiếm 53,59% vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Vietnam Beverage muốn bước chân vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Sabeco thật sớm.

Ngày 23/4 tới, Sabeco sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nhưng tính tới thời điểm này, Vietnam Beverage vẫn chưa đủ thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần là 6 tháng để đề cử người vào HĐQT.

Mong muốn của Vietnam Beverage nên được xử lý như thế nào? Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu góc nhìn từ luật sư Lương Văn Trung, Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế (VIAC) và trợ lý pháp luật Trần Thị Anh Thơ, Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC.

Hiện tại, HĐQT SAB có 4 nhân sự, đang khuyết 3 vị trí. Ngày 29/3/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương (đại diện sở hữu 36% vốn Nhà nước) xử lý kiến nghị của Thaibev (đang sở hữu SAB thông qua Vietnam Beverage) về việc công ty này tham gia HĐQT và điều hành SAB.

Tuy nhiên, Điều lệ SAB quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng mới có quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát (Điều 13(3)). Vậy có cần thiết phải áp dụng triệt để quy định này?

Có thể bổ nhiệm tạm thời 3 đại diện của Thaibev

Theo chúng tôi, HĐQT SAB có thể áp dụng Điều 26(6) trong Điều lệ để bổ nhiệm tạm thời 3 đại diện của Thaibev vào vị trí còn khuyết và tiến hành triệu tập ĐHCĐ bất thường để chấp thuận việc bổ nhiệm đó.

Có một số ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ gây tranh cãi vì mâu thuẫn với quyền của cổ đông trong việc đề cử và bầu thành viên HĐQT (Điều 16(2) Điều lệ SAB), hay không áp dụng được vì Thông tư 95/2017/TT-BTC ngày 22/9/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đã ban hành điều lệ mẫu mà không có nội dung tương ứng như Điều 26(6) trong Điều lệ SAB.

Chúng tôi cho rằng, nhận định hay giải thích như vậy là không chính xác. Điều 26(6) Điều lệ SAB vẫn đảm bảo quyền phê chuẩn hay chấp thuận của cổ đông theo Điều 16(2), trong khi nó tạo nên sự hài hòa giữa sự cần thiết phải có đủ số lượng thành viên HĐQT như đã quy định (Điều 26(2) quy định con số cố định là 7 thành viên HĐQT) nhằm đảm bảo hoạt động điều hành doanh nghiệp được diễn ra một cách bình thường với đầy đủ nhân sự cần thiết. Còn việc số lượng thành viên HĐQT SAB không đủ vào thời điểm ban hành Điều lệ không thể coi là một quyết định ngầm của ĐHCĐ.

Ngoài ra, nếu hiểu như trên thì việc HĐQT chỉ có 4 người lâu nay làm sao đủ tỷ lệ tối thiểu là 3/4 của 7 thành viên HĐQT tham gia (tức phải có 5 người) theo Khoản 8, Điều 29, Điều lệ SAB? Chẳng lẽ, mọi cuộc họp của HĐQT SAB trong thời gian chỉ có 4 người đều phải triệu tập lần thứ hai để đáp ứng tỷ lệ 1/2 của 7 thành viên? Vậy thủ tục, thành phần tham dự và các nghị quyết của HĐQT trong thời gian vừa qua có thể cần được xem xét lại.

Lưu ý, Điều 6, Nghị định 71/2017/NĐ-CP và Điều 3, Thông tư 95/2017/TT-BTC chỉ yêu cầu điều lệ công ty phải được ĐHCĐ thông qua và không được trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các quy định tại Nghị định 71 và văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, Điều lệ mẫu là để tham chiếu, không phải bắt buộc. Trong khi đó, không có cơ sở để cho rằng, Điều 26(6) Điều lệ SAB trái với quy định của pháp luật.

Thứ hai, việc Bộ Công thương hay HĐQT SAB hỏi ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề những ai được Thaibev chỉ định tham gia vào HĐQT có được coi là thành viên độc lập hay không và nên thực hiện việc đề cử và bầu thế nào là không cần thiết. Chỉ cần đáp ứng điều kiện tại Điều 151(1), Luật Doanh nghiệp và không thuộc 5 trường hợp nêu tại Điều 151(2) đều đủ tư cách làm thành viên HĐQT độc lập.

Thứ ba, Thaibev huy động và bỏ ra một lượng tiền khổng lồ mua cổ phần SAB không phải để đầu tư ngắn hạn và không quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những người họ chọn nên được coi là những người có năng lực và đáng tin tưởng để bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của họ (cũng là của các cổ đông khác) tại SAB.

Đó là chưa nói đến việc dù Thaibev chưa có quyền đề cử thành viên HĐQT nhưng họ có quyền hủy bỏ ĐHCĐ được triệu tập lần thứ nhất (bằng cách không đến dự) rồi sau đó họ có quyền phủ quyết mọi vấn đề theo Điều 22(3) Điều lệ; tức họ đang nắm giữ cái thắng (phanh) dù họ chưa thể kiểm soát chân ga và vô lăng.

Ngoài ra, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là họ có đủ quyền để yêu cầu HĐQT, Ban kiểm soát hay tự mình (theo trình tự quy định tại Điều 15 Điều lệ SAB) triệu tập ĐHCĐ bất thường cùng chương trình nghị sự và tự quyết định mọi vấn đề theo Điều 22(3), trừ các vấn đề lớn như sửa đổi Điều lệ SAB, tổ chức, giải thể công ty...

Thực tế, Thaibev đã là cổ đông lớn của SAB thông qua đấu giá, với tỷ lệ sở hữu chi phối, nên họ có quyền giữ những vị trí xứng đáng tại SAB. Bởi vậy, việc đặt nặng quy định về thời hạn nắm giữ cổ phiếu cũng như các băn khoăn không đủ cơ sở chắc chắn hoặc cần thiết để lý giải cho việc chậm trễ trao cho Thaibev quyền họ đáng được hưởng là điều cần xem xét lại.

Việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nhanh chóng xem xét yêu cầu của Thaibev về việc tham gia HĐQT SAB cần được xem là một hành động nhanh chóng và kịp thời trong việc tham gia và thực thi các hiệp định và cam kết đa phương và song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tạo môi trường pháp lý kinh doanh ngày càng minh bạch và chuẩn mực cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, sự quan tâm đến việc phòng ngừa và quản lý các tranh chấp có thể phát sinh. Đó là một thông điệp thiết thực và ý nghĩa đối với các nhà đầu tư quốc tế đã, đang và sẽ tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Luật sư Lương Văn Trung (phải) và trợ lý pháp luật Trần Thị Anh Thơ (trái). 

Từ trường hợp của Thaibev, nếu xử lý phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các bên, sẽ hỗ trợ các kế hoạch cổ phần hóa và IPO các doanh nghiệp lớn vì nó sẽ khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư có uy tín với sức mạnh về tài chính và công nghệ, chuỗi giá trị, quản lý và điều hành.

Nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc định giá các doanh nghiệp vì họ không phải lo ngại về các chi phí và tổn thất trong việc có được quyền điều hành công ty sau khi trở thành cổ đông. Đây là một yếu tố nhạy cảm và nhiều quan ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài nếu vấn đề của Thaibev không được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng.

Nên sửa quy định liên quan đến tỷ lệ và thời hạn nắm giữ cổ phiếu

Trên bình diện pháp lý chung, từ câu chuyện cụ thể trên, chúng tôi cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc đề xuất Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp liên quan đến tỷ lệ và thời hạn nắm giữ cổ phiếu như sau:

Quy định tỷ lệ nắm giữ 3 hoặc 6 tháng đối với cổ đông hay nhóm cổ đông sở hữu từ 1 - 5%. Quy định tỷ lệ nắm giữ 3 tháng đối với nhóm cổ đông sở hữu từ trên 5 đến 10%. Không quy định thời hạn tối thiểu nắm giữ đối với cá nhân cổ đông nắm giữ trên 5% và nhóm cổ đông nắm giữ từ 7 - 10% trở lên

Hoặc bỏ giới hạn thời hạn nắm giữ tối thiểu đối với cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ Nhà nước từ việc thoái vốn hay cổ phần hóa hoặc IPO từ 1% trở lên (hoặc theo một giá trị nhất định nào đó như 50 tỷ đồng trở lên chẳng hạn) nhưng có thể quy định thời hạn nắm giữ tối thiểu như 3 - 6 tháng.

Quy định này sẽ tăng thêm độ hấp dẫn các lô cổ phiếu có giá trị lớn, đặc biệt là trong kế hoạch IPO các công ty điện, hạ tầng và các công ty lớn khác sắp tới vì nhà đầu tư sẽ bớt e ngại về thời gian chờ để có quyền quản lý doanh nghiệp cũng như e ngại công ty sẽ bị “rút ruột” bởi ai đó trước khi họ có thể chính thức tham gia quản lý hoặc giám sát công ty.

Quy định này cũng giúp Nhà nước ngăn chặn được các hành vi tham nhũng của một số vị trí quản lý đương chức theo kiểu “tranh thủ phi vụ cuối” và/hoặc xóa dấu vết tham nhũng và/hoặc cài cắm người nhà, người thân vào doanh nghiệp trước khi họ mất quyền kiểm soát công ty.

Ngoài ra, nên có quy định về việc Nhà nước khi thoái vốn phải đảm bảo nhà đầu tư (bên mua) có số ghế trong HĐQT của doanh nghiệp tương đương với tỷ lệ vốn sở hữu bằng các cách thức như thay người đại diện của mình bằng cổ đông mới hoặc người đại diện của cổ đông đó hoặc cổ đông đó có quyền yêu cầu triệu tập ngay ĐHCĐ bất thường để bầu mình hoặc đại diện của mình vào HĐQT tương ứng với tỷ lệ vốn của mình mà HĐQT hay Chủ tịch HĐQT hiện tại không được từ chối vì bất kỳ lý do gì.

Việc đưa khoản tiền thanh toán vào tài khoản phong tỏa hoặc nghĩa vụ Nhà nước mua lại phần vốn đã bán để đảm bảo việc này cũng là một cách thức cần được cân nhắc. 

Tin bài liên quan