Sau khi đọc bài "Cổ đông nội bộ cũng… lướt sóng" trên Báo ĐTCK số ra mới đây, phản ánh việc cổ đông nội bộ (là những người trực tiếp điều hành DN, hiểu DN rõ nhất) lại lướt cổ phiếu của chính DN mình, tôi thấy cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn việc giao dịch của nhóm cổ đông này. Nhất là khi có một số CTCK, vừa là cổ đông lớn/cổ đông nội bộ, vừa tham gia lướt sóng, vừa trực tiếp viết báo cáo phân tích cổ phiếu. Thị trường sẽ nhìn nhận ra sao với các bản báo cáo nhận định theo kiểu này?
Trường hợp CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trong việc giao dịch cổ phiếu NTB của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (chào sàn ngày 17/5) là một ví dụ. Được biết, tính đến ngày 29/4, SHS sở hữu 3.565.833 cổ phiếu, chiếm 9,91% vốn cổ phần của NTB (không tính tập đoàn mẹ của SHS là T&T nắm hơn 11% của NTB), liên tục lướt sóng cổ phiếu NTB, đồng thời trực tiếp phân tích cổ phiếu này. Một cổ đông lớn khác có liên quan là T&T (nắm 4 triệu cổ phiếu, tương đương 11,11% tại NTB) cũng đăng ký đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu và đăng ký bán luôn 2,5 triệu cổ phiếu từ ngày 26/5 đến 26/7/2010.
Cụ thể, trước ngày NTB chào sàn, SHS đăng ký lướt sóng (vừa mua vừa bán 1,8 triệu cổ phiếu) từ ngày 18/5 đến 18/7, giữ nguyên tỷ lệ sở hữu là 3.565.833 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,9% so với trước khi giao dịch. Nhưng sau đó, trong thời gian từ ngày 18/5 đến 8/6/2010, SHS đã bán nhiều hơn mua (mua 1.100.560 cổ phiếu trong tổng số 1,8 triệu cổ phiếu đăng ký mua và bán 1.657.850 cổ phiếu trong tổng số 1,8 triệu cổ phiếu đăng ký bán), giảm lượng cổ phiếu NTB mà SHS nắm giữ xuống còn 3.008.543 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 8,36%. Tiếp đến, từ 14/6 đến 14/8/2010, SHS lại đăng ký mua tiếp 2,5 triệu cổ phiếu và bán 2,5 triệu cổ phiếu NTB. Kết quả giao dịch trong đợt này bán nhiều hơn mua khiến chúng tôi, những cổ đông nhỏ của NTB nghi ngại có một mối liên hệ nào đó giữa hành động mua bán của SHS (bán nhiều hơn mua) với những thông tin đầy lạc quan trong bản báo cáo giới thiệu cổ phiếu NTB được phát hành ngày 15/5 của SHS trước ngày NTB chào sàn (17/5)?
Thiết nghĩ, việc các cổ đông lớn tham gia "lướt sóng" cổ phiếu là quyền của họ. Họ có quyền và có điều kiện làm tốt việc này. Tuy nhiên, nếu vừa là cổ đông lớn, vừa lướt sóng lại vừa viết báo cáo phân tích cổ phiếu, dù công khai, thì tính khách quan, trung thực của những nhận định được đảm bảo đến đâu vẫn là một câu hỏi đáng quan tâm.
Nhất là khi tại bản báo cáo này, SHS cung cấp khá nhiều thông tin lạc quan về NTB như "NTB là một trong số ít DN có quỹ đất dồi dào với hơn 11,5 héc-ta đất sạch trên địa bàn TP. HCM với giá vốn thấp. Khả năng đạt và vượt mức lợi nhuận dự kiến 154 tỷ đồng trong năm 2010 là khá cao... Lợi nhuận giữ lại từ các dự án trước cũng là cơ sở để bổ sung vào lợi nhuận năm nay"… vân vân và vân vân…
Hơn thế, dù tại phiên chào sàn, giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 42.000 đồng/CP nhưng tại bản báo cáo, SHS lại ước tính giá hợp lý của cổ phiếu NTB ở mức 51.700 đồng/CP và khuyến nghị MUA/NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NTB cho cả mục tiêu đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Tiềm năng như thế, sao lại bán nhiều hơn mua?