Cổ phiếu DVM niêm yết sàn HNX ngày 19/7 với giá tham chiếu 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính vốn hóa chào sàn ngày đầu là 641,7 tỷ đồng.
Được biết, biên độ giao dịch ngày đầu tiên trên sàn HNX là 30%.
CTCP Dược liệu Việt Nam thành lập năm 2011, hoạt động chính là sản xuất thuốc; sản xuất nguyên liệu làm thuốc tân dược; sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế; buôn bán hóa chất công nghiệp; bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu…
Cổ đông lớn liên tục giảm sở hữu trước khi niêm yết
Về cơ cấu cổ đông, trước thời điểm niêm yết lên sàn, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, cơ cấu cổ đông của Công ty có sự thay đổi. Theo đó, ông Vũ Thành Trung, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc giảm tỷ lệ sở hữu từ 49,7% về chỉ còn 28,7% vốn điều lệ; ông Phan Quang Tùng giảm sở hữu từ 13,3% về chỉ còn 9,9% vốn điều lệ; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm sở hữu từ 9% về còn 2% vốn điều lệ; và còn lại nhóm cổ đông khác sở hữu tới 59,4% vốn điều lệ.
Cổ đông lớn của Dược liệu Việt Nam giảm sở hữu trong năm 2021 (Nguồn: BCTC năm 2021). |
Như vậy, trước thời điểm niêm yết, trong năm 2021, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 270 tỷ đồng. Mặc dù vậy, việc các cổ đông lớn như ông Vũ Thành Trung và ông Phan Quang Tùng đều không thực hiện để đảm bảo tỷ lệ sở hữu, nên dẫn tới tỷ lệ sở hữu giảm xuống một cách đáng kể. Thêm nữa, cổ đông tổ chức là Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lại bán ra cổ phiếu và giảm từ 1,35 triệu cổ phiếu về chỉ còn 0,54 triệu cổ phiếu, tương ứng bán ra 0,81 triệu cổ phiếu.
Mới đây, ngày 18/5/2022, Dược liệu Việt Nam cho biết vừa chào bán thành công 8,65 triệu cổ phiếu ra công chúng và chính thức trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu. Mặc dù vậy, Công ty không công bố chi tiết biến động cổ đông của Công ty như thế nào trước và sau đợt chào bán cổ phiếu lần này.
Dược liệu Việt Nam tăng vốn thần tốc trước khi niêm yết
Chỉ xét riêng từ năm 2019 tới nay, vốn điều lệ công ty đã tăng từ 50 tỷ đồng lên 356,5 tỷ đồng, tức bằng 7,13 lần thời điểm năm 2019. Như vậy, năm nào Công ty cũng thực hiện tăng vốn vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu.
Tuy nhiên, tính tới 31/12/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ khiêm tốn 78,5 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp chủ yếu sử dụng 523,8 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 50,7% tổng nguồn vốn.
Trong đó, các ngân hàng cho vay chủ yếu bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho vay ngắn hạn 228,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Chương Dương cho vay ngắn hạn 99,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho vay dài hạn 56,6 tỷ đồng…
Cơ cấu tài sản - nguồn vốn của Dược liệu Việt Nam. (Nguồn: BCTC). |
Thêm nữa, nếu xét về khoản phải thu ngắn hạn, cơ cấu khoản phải thu có dấu hiệu “đẹp” hơn trước khi niêm yết. Cụ thể, thời điểm 31/12/2019, khoản phải thu ngắn hạn đạt 420,1 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng tài sản nhưng tới ngày 31/12/2021, khoản phải thu ngắn hạn chỉ còn 356,6 tỷ đồng (giảm 63,5 tỷ đồng) và chiếm 34,5% tổng tài sản. Như vậy, trước thời điểm niêm yết, tỷ trọng khoản phải thu ngắn hạn đã giảm mạnh, điều này giúp cơ cấu tài sản tốt hơn giai đoạn trước đó. Ngược lại, tỷ trọng tài sản cố định lại có dấu hiệu tăng trở lại trong 2 năm trở về đây.
Phải thu của khách hàng Dược liệu Việt Nam tính tới 31/12/2021 (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh phải thu ngắn hạn chủ yếu trả trước cho B.Pharma Co.,Ltd 53,4 tỷ đồng; phải thu khách hàng 263,3 tỷ đồng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ (31,5 tỷ đồng), CTCP Thương mại và Dược phẩm Hoàng Lan (16,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Dược Minh Tiến (14,1 tỷ đồng), CTCP Ecopha (13,8 tỷ đồng) …).