Cổ đông lo ngại về các khoản đầu tư mạnh tay của Jack Ma

Cổ đông lo ngại về các khoản đầu tư mạnh tay của Jack Ma

(ĐTCK) Các khoản đầu tư, mua sắm “nặng ký” của Jack Ma đã bắt đầu tạo sức ép lên Alibaba, khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm lại. Trước diễn biến này, giá cổ phiếu của Alibaba đi xuống, khiến 60 tỷ USD bốc hơi khỏi giá trị thị trường của doanh nghiệp, biểu thị sự không hài lòng của các nhà đầu tư.

Alibaba Group Holding Ltd đang chuẩn bị công bố lợi nhuận quý I/2018 giảm lần đầu tiên trong 2 năm qua, kết quả của việc đánh mất vị thế tại các lĩnh vực kinh doanh chính, cũng như việc mạnh tay đầu tư, mua sắm tài sản nhằm bảo vệ bản thân trước sự “tấn công” của Tencent Holdings Ltd tại lĩnh vực bán lẻ và thanh toán. Trong khi đó, doanh thu của Công ty dự kiến sẽ tăng 53%, lên 59 tỷ Nhân dân tệ (9,3 tỷ USD), mức tăng thấp nhất trong 7 quý qua.

Hiện tại, Alibaba - doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, đang cố gắng chi tiêu cho các khoản đầu tư, mua tài sản để tạo động lực thúc đẩy đà tăng trưởng chậm lại tại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Trong khi đó, việc thâm nhập vào các lĩnh vực như logistics, điện toán đám mây, video onlie và cửa hàng bán lẻ truyền thống đòi hỏi chi phí lớn, dần ăn mòn vào lợi nhuận và đẩy Công ty đi xa triết lý “không ôm đồm tài sản”, vốn được coi trọng trong thời gian đầu.

Cụ thể, Alibaba đang tiến hành thâu tóm một số công ty khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ, trong đó nổi bật là mua lại hãng dịch vụ vận chuyển đồ ăn Ele.me với mức giá 9,5 tỷ USD. Không ít nhà đầu tư coi đây là thương vụ “đốt tiền”, bởi ngoài chi phí bỏ ra ban đầu, Alibaba còn phải tiêu tốn không ít nữa để mở rộng hoạt động của Ele.me nhằm đối chọi với công ty cùng ngành là Meituan Dianping do Tencent đỡ đầu.

Bên cạnh đó, Alibaba còn chi tiền cho công ty logistic Cainiao, vốn đang thua lỗ và doanh nghiệp kinh doanh video Youku. Chưa kể nhiều khoản mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác. Thậm chí, Alibaba đặt mục tiêu sẽ dẫn đầu thị trường kinh doanh máy tính đám mây tại Trung Quốc, vốn được JPMorgan Chase & Co đánh giá có thể đạt giá trị 152 tỷ Nhân dân tệ cho tới năm 2021.

Theo Jerry Liu, chiến lược gia tại UBS Group AG, với việc cổ phiếu công nghệ đang bị bán ra trên toàn cầu, mối lo ngại các khoản đầu tư của Alibaba tạo áp lực lên lợi nhuận đã khiến giá cổ phiếu của gã khổng lồ này giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh cao nhất vào tháng 1/2018. Tình trạng lợi nhuận giảm sút sẽ còn tiếp diễn trong năm tài chính kế tiếp.

“Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận của Alibaba sẽ còn giảm trong năm tài chính 2019 trước khi bình ổn trở lại và có thể tăng trưởng trong dài hạn. Hiện tại, đa phần các khoản đầu tư, sáng kiến của Công ty mới ở giai đoạn sơ khai, đòi hỏi cần đầu tư mạnh hơn nữa, nhất là lĩnh vực video và thanh toán”, Jerry Liu cho biết.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Jack Ma đang theo bước chân của người tiên phong Jeff Bezos, ông chủ Amazon trong việc mở rộng đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực như cửa hàng bán lẻ truyền thống hỗ trợ kinh doanh online và sản xuất video.

Tuy nhiên, Jeff Bezos đã đạt được những thành quả đầu tiên, nhất là việc duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, sau vài năm sụt giảm. Điều này khiến các cổ đông của doanh nghiệp yên tâm phần nào, còn Jack Ma mới đang chập chững ở những bước đầu tiên.

Bên cạnh đó, thời điểm Alibaba bắt đầu dấn thân vào chặng đường mới cũng có nhiều bất lợi. Cụ thể, các nhà đầu tư trên toàn cầu đang cảm thất bất an với các cổ phiếu công nghệ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, và scandal lộ thông tin cá nhân của Facebook Inc sẽ kéo theo các quy định mới về công nghệ, thông tin trở nên ngặt nghèo hơn.

“Sức ép mà cổ phiếu Alibaba phải chịu đựng trong thời gian gần đây phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về động lực tăng trưởng và khả năng kiếm lời của doanh nghiệp đi xuống”, Ella Ji, chiến lược gia tại China Renaissance Securities nói và cho biết thêm, đây là giai đoạn nhạy cảm đối với cổ phiếu của Alibaba.

Tin bài liên quan