Điển hình như thương vụ sáp nhập giữa SouthernBank - Sacombank. Mặc dù đã được NHNN chấp thuận chủ trương sáp nhập cách đây hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức được thông qua. Việc SouthernBank phải sáp nhập vào Sacombank là điều có thể dự đoán được, nhưng vấn đề quan tâm của cổ đông Sacombank là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu khi sáp nhập được quyết định ở mức nào.
Tại kỳ ĐHCĐ thường niên SouthernBank diễn ra vào ngày 20/4 vừa qua, cố vấn HĐQT SouthernBank là ông Trầm Bê cho biết, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu khi sáp nhập là 1:0,75 (tức một cổ phiếu của SouthernBank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank). Với tỷ lệ chuyển đổi này ắt hẳn cổ đông SouthernBank tỏ ra bằng lòng, vì giá cổ phiếu SouthernBank hiện giao dịch trên thị trường OTC chỉ khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu STB của Sacombank đang giao dịch trên sàn HOSE ở mức khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau sáp nhập, cổ đông SouthernBank sẽ được hưởng lợi.
Nhưng điều này cũng chính là yếu tố khiến cổ đông của Sacombank không khỏi bức xúc khi đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn HĐQT Sacombank tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 21/4. Cổ đông Sacombank cho rằng, với năng lực của SouthernBank hiện tại, lợi nhuận sụt giảm trong 3 năm liền, nợ xấu tăng mạnh…, thì sáp nhập vào sẽ kéo lùi hoạt động của Sacombank ít nhất là 3 năm đầu.
Đồng thời, với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu như thông tin trên sẽ có phần thiệt cho cổ đông của Sacombank, bởi sau sáp nhập, nếu cổ phiếu Sacombank giảm, ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho cổ đông của Ngân hàng? Thêm vào đó, sáp nhập vào Sacombank, cổ đông của SouthernBank không chỉ được hưởng lợi về giá cổ phiếu, mà sẽ được nhận cổ tức nếu Sacombank được NHNN chấp thuận cho chia cổ tức ở mức đưa ra cho năm 2013 (8,5% bằng cổ phiếu) và năm 2014 (12% bằng cổ phiếu)…
Trước phản ứng của cổ đông, tại ĐHCĐ Sacombank, HĐQT của nhà băng này cũng chưa tiết lộ cụ thể về tỷ lệ chuyển đổi, mà chỉ cho biết, nếu chuyển đổi theo tỷ lệ trên sẽ là phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông của cả 2 ngân hàng.
Còn với thương vụ sáp nhập Saigonbank -Vietcombank, tưởng chừng đã đạt được kỳ vọng của cổ đông Saigonbank khi sáp nhập Vietcombank sẽ được hưởng thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên HOSE ở mức trên 38.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi, giá cổ phiếu của Saigonbank đang giao dịch trên sàn OTC chưa đạt tới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, tại kỳ ĐHCĐ vừa qua của Saigonbank, HĐQT nhà băng này đã không trình phương án sáp nhập và theo một nguồn tin đáng tin cậy, cơ quan chủ quản của nhà băng này là Thành ủy (UBND TP. HCM) chưa đồng ý về việc sẽ sáp nhập Saigonbank vào một nhà băng khác. Điều này khiến cổ đông của Saigonbank không khỏi bức xúc.
Theo một cổ đông lâu năm của Saigonbank, Saigonbank không thuộc diện ngân hàng buộc sáp nhập, nhưng khó có thể đứng vững trên thị trường tài chính trong tương lai xa khi năng lực tài chính chỉ mới đạt hơn 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Nợ xấu Saigonbank năm qua cũng tăng cao, gần 5% và lợi nhuận đưa ra năm nay chỉ 50 tỷ đồng. Như vậy, nếu sáp nhập vào Vietcombank, tỷ lệ chuyển đổi chỉ cần 1:0,8 hoặc 1:0,85 (tức 1 cổ phiếu Saigonbank được chuyển đổi thành 0,8 - 0,85 cổ phiếu Vietcombank) cũng đã có lợi cho cổ đông của Saigonbank.
Thực tế cho thấy, trong tất cả các thương vụ sáp nhập, cổ đông của ngân hàng bị sáp nhập thường muốn sớm được hoàn tất thủ tục sáp nhập, nhưng cổ đông của các ngân hàng được sáp nhập lại tỏ ra lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, đặc biệt là khi tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu thực hiện 1:1. Điển hình như thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV vừa được NHNN chính thức thông qua.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2015 của BIDV, không ít cổ đông ngân hàng tỏ ra búc xúc vì cho rằng, sáp nhập thêm MHB sẽ kéo lùi hoạt động và giá cổ phiếu BIDV.
Trả lời cổ đông trong phần chất vấn tại ĐHCĐ ngày 17/4 về vấn đề này, ông Phan Đức Tú, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV cho rằng, thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV là thương vụ sáp nhập tự nguyện, với tỷ lệ hoán đổi 1:1 sẽ đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, nhất là với các cổ đông nhỏ, lẻ.
Theo ông Tú, sau sáp nhập, mạng lưới BIDV được mở rộng mà không cần tốn quá nhiều thời gian để đầu tư. Với 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch trên cả nước của MHB và đặc biệt là tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở khu vực nông thôn, sẽ là cơ hội để BIDV đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng ở những khu vực này.