Cổ đông dồn dập chất vấn lãnh đạo Văn Phú - Invest các vấn đề nóng

(ĐTCK) Tại Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (VPI) tổ chức sáng nay (10/4), hàng loạt vấn đề nóng như cháy chung cư, BOT, hay tại sao lại chuyển sàn khi vừa niêm yết chưa đầy một năm được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo VPI.

Chuyển sàn để có khả năng huy động vốn tốt hơn

Cổ đông: Tại sao vừa niêm yết 1 năm trên HNX đã chuyển sang HOSE?

Ông Phạm Hồng Châu, Phó tổng giám đốc: Năm 2017, Công ty đã cân nhắc việc niêm yết trên HOSE, nhưng tại thời điểm đó, Công ty chưa đạt yêu cầu của HOSE nên mới niêm yết trên HNX, sau đó sẽ chuyển sàn. Làm vậy để Công ty có thời gian điều chỉnh cho phù hợp với quy định, làm quen cọ xát và tạo dựng thương hiệu.

Cổ đông: Xin cho biết chuyển sàn có mang lại lợi ích gì cho cổ đông nhỏ lẻ như chúng tôi không?

Ông Phạm Hồng Châu: Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sàn HOSE có chuẩn mực nhất, do đó việc chuyển sàn sẽ là cơ hội gia tăng minh bạch, củng cố vị thế của Công ty.

Qua giám sát của HOSE, cổ đông nhỏ lẻ có thông tin chính xác hơn về Công ty. Việc chuyên sàn cũng là do HOSE có tính thanh khoản cao, khả năng huy động vốn tốt. Do vậy, giá trị cổ phiếu của Công ty cũng sẽ gia tăng, như vậy cũng là lợi thế với cổ đông nhỏ lẻ.

Cổ đông: Trong bản cáo bạch năm 2017 trước khi niêm yết, Công ty có đưa chỉ số so sánh với các công ty khác như DIC, DXG, NVL, tuy nhiên khi các cổ phiếu kia đều tăng gấp đôi, thì nhìn lại cổ phiếu của VPI từ tháng 10 đến giờ chỉ tăng 20%. Vậy, trong thời gian tới, với tiềm năng lớn, ban lãnh đạo có cách nào để giúp tăng giá trị cổ phiếu VPI để cổ đông cảm thấy đồng vốn đầu tư sinh lợi tốt không thay vì chạy theo sóng cổ phiếu bất động sản tăng giảm thất thường?

Ông Phạm Hồng Châu: Mỗi doanh nghiệp có đặc thù giá trị riêng, nên việc so sánh với các đơn vị khác tùy theo quan điểm. Về phần VPI, bản thân chúng tôi đã làm việc hơn chục năm, chúng tôi hết sức cố gắng để gia tăng giá trị cho công ty. Chúng tôi cũng hy vọng giá cổ phiếu sẽ được thể hiện đúng với giá trị của nó.

Năm 2017, trước đây ở Hà Nội, trong ngành bất động sản, gần như VPI rất có tiếng, nhưng trên TTCK, cổ phiếu VPI vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư biết đến. Việc niêm yết trên HOSE sẽ là đợt quảng bá cho hình ảnh của VPI.

Trong ngành bất động sản, nếu DXG mạnh về mảng phân phối, NVL phát triển quỹ đất qua M&A, thì VPI có thế mạnh khác, chúng tôi phát triển bất động sản, quỹ đất từ giai đoạn đầu tiên, do vậy thời gian để sở hữu quỹ đất có thể sẽ kéo dài và trong các qũy đất, tài sản của Công ty hiện trong bản cáo bạch thì có thể bỏ qua nhiều thông tin.

Tôi nghĩ giá trị cổ phiếu VPI chưa được phản ánh hết giá trị thực của Văn Phú Invest, nó sẽ được thị trường tiếp nhận theo thời gian.

Trong 2018, Công ty sẽ triển khai hoạt động kinh doanh, đưa ra sản phẩm mới, qua đó lợi nhuận, hình ảnh VPI tốt hơn như lợi nhuận cao, vay nợ ít..., các thông số quan trọng như vậy để NĐT đầu tư vào VPI.

Việc tăng giảm giá cổ phiếu có nhiều lý do như cung cầu, các doanh nghiệp khác có thời gian niêm yết lâu hơn… Việc trong giai đoạn ngắn, cổ phiếu VPI niêm yết 6 háng mà tỷ lệ tăng thấp so với một số ngành là bình thường. Nhưng nếu nhìn dài hạn, thì VPI là cổ phiếu tăng bền vững, ổn định, mang lại lợi nhuận lâu dài. Trước mắt có cổ tức bằng tiền, rõ ràng có ưu việt hơn so với cổ phiếu khác.

Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT VPI: Tôi cũng là 1 cổ đông và mong giá lên cao, nhưng quan điểm của tôi là công ty phải phát triển bền vững, từ đó nâng cao giá trị cổ phiếu. Chính vì thế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm của mình, khi đưa ra thị trường đều được đón nhận bất kể thời điểm thị trường bị khủng hoảng 2011-2013 vì sản phẩm được đầu tư về thiết kế, chất lượng, không có lý gì VPI không tăng trưởng bền vững.

Cổ đông dồn dập chất vấn lãnh đạo Văn Phú - Invest các vấn đề nóng ảnh 1

Cổ đông băn khoăn về dự án BOT

Cổ đôngThời gian vừa qua trên báo chí nói về tranh chấp BOT, được biết VPI có dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, vậy với dự án BOT này thì có vấn đề gì xảy ra không? Công tác chuẩn bị của nhà đầu tư với liên doanh thế nào?

Ông Tô Như Toàn: BOT Hà Nội - Bắc Giang là dự án Văn Phú - Invest là nhà đầu tư đứng đầu liên doanh giữa VPI và Tổng công ty 319 Invest, Tổng công ty Vinconex…

Dự án được phê duyệt năm 2014 và triển khai khởi công cùng năm. Dự án chính thức thông xe vào tháng 1/2016 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Năm 2016, dự án đã hoàn thành thông xe với trạm thu phí Km152 QL1 +080 Quốc lộ 1 thuộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với 8 làn xe công nghệ 1 dừng có thể nâng cấp lên không dừng, mức phí là 35.000/lượt xe 9 chỗ trở xuống.

Từ khi thông xe đến nay dự án đi vào hoạt động ổn định dù các dự án khác có thông tin trái chiều, phù hợp với mục tiêu dự kiến, đảm bảo về mặt chất lượng, về mặt hồ sơ pháp lý đều chuẩn chỉ, vị trí trạm được phê duyệt…

Công tác quản lý vận hành đến nay ổn định, phù hợp với mục tiêu dự kiến. Chính vì tuân thủ pháp lý và tất cả trạm thu phí đều thực hiện đúng quy định, nên cho đến nay dự án BOT Hà Nội- Bắc Giang cũng hoạt động ổn định và doanh thu ngày càng tăng vì lưu lượng xe gia tăng.

Cổ đông: Gần đây trên nước ta có nhiều vụ cháy nổ liên quan đến chung cư, nhà ở, đây là thông tin tiêu cực với thị trường nhà chung cư, vậy xin chủ tọa cho biết điều này có ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch năm 2018 của VPI và những giải pháp của VPI trước tình hình này?

Ông Tô Như Toàn: Thời gian gần đây đúng là có nhiều quan tâm của cư dân về chung cư. Với VPI thì tôi khẳng định thứ nhất các dự án chung cư cũng như các dự án khác được chúng tôi đặc biệt qua tâm thiết kế, trong đó thiết kế từ công năng sử dụng đến PCCC đều được chúng tôi đặt vị trí ở khách hàng để biết khách hàng cần gì, sợ gì.

Toàn bộ về mặt PCCC đều được cơ quan nhà nước đồng ý thiết kế, nghiệm thu. Và không chỉ vậy, hàng năm, chúng tôi vẫn mời các cơ quan PCCC đến cùng xem xét lại hệ thống PCCC, thoát hiểm xe có đảm bảo không, dù các dự án đã bàn giao. Việc này để đảm bảo uy tín.  

Vừa rồi Hà Nội công bố hơn 70 dự án vi phạm PCCC và VPI không có dự án nào. Đấy chính là khả năng khách hàng đến với VPI cao hơn.

Tin bài liên quan