Tự nguyện giải thể, nhưng chính CTCK đang không trả lời được câu hỏi bao giờ giải thể xong

Tự nguyện giải thể, nhưng chính CTCK đang không trả lời được câu hỏi bao giờ giải thể xong

Cổ đông CTCK có được ứng tiền giải thể?

(ĐTCK) Cổ đông của các CTCK quyết giải thể rất sốt ruột việc chia tiền, nhưng Luật Doanh nghiệp lại quy định, cổ đông là đối tượng thụ hưởng cuối cùng.  

Cổ đông CTCK có được ứng tiền giải thể? ảnh 1

Tự nguyện giải thể, nhưng chính CTCK đang không trả lời được câu hỏi bao giờ giải thể xong

CTCK có được tạm ứng tiền giải thể?

Các CTCK: Chợ Lớn (CLS), Âu Việt (AVS) rục rịch giải thể cả năm nay và gần đây có thêm CTCK Sao Việt (VSSC), nhưng đến nay, điều mà các CTCK này cảm nhận rõ là việc giải thể phát sinh những khó khăn ngoài hình dung ban đầu. Bởi vậy, họ không có đáp án cho câu hỏi bao giờ giải thể xong.

Vướng mắc phát sinh từ quy định phương án giải thể CTCK phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông qua, trước khi thực hiện tạm ứng tiền cho cổ đông. Đáng nói, khi tiến hành ĐHCĐ thông qua quyết định giải thể, ông chủ các CTCK đều cam kết ngay sau khi đại hội thông qua phương án giải thể, công ty sẽ tạm ứng tiền cho cổ đông, số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi thanh lý toàn bộ tài sản. Nói cách khác, điều này giống như một thỏa thuận có đi có lại giữa hai bên. Thế nhưng, ông chủ các CTCK đang rơi vào tình cảnh… thất hứa, bởi dù rất muốn tạm ứng tiền, nhưng họ không thể, vì chừng nào chưa hoàn tất thủ tục giải thể, thì tiền của cổ đông chưa thể đem chia. Mới đây, VSSC đã “muối mặt” khi công bố kế hoạch tạm ứng 5.000 đồng/CP cho các cổ đông bắt đầu từ ngày 5/11, nhưng đã phải hủy phương án này, vì VSSC chưa hoàn tất thủ tục giải thể.

Điều 158 Luật Doanh nghiệp  quy định, các khoản nợ của DN tiến hành giải thể được thanh toán theo thứ tự sau: thứ nhất là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; thứ hai là nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể DN, phần còn lại thuộc về chủ DN tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

UBCKcho biết, CTCK khi tiến hành giải thể cũng buộc phải tuân thủ quy định tại Luật Doanh nghiệp và đây là nguyên nhân chính khiến việc tạm ứng tiền giải thể mà một số CTCK đã thông qua trong Đại hội đồng cổ đông trước đó, nhưng chưa thể thực thi trên thực tế.

Cổ đông lo mất tiền

Về phía cổ đông CTCK, nhiều ý kiến cho rằng, khi CTCK đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ tài khoản của khách hàng sang CTCK khác; đã rút thành viên lưu ký và thành viên hai Sở GDCK, chỉ còn lại duy nhất nghiệp vụ tự doanh để thanh lý nốt số chứng khoán còn lại…, thì trên thực tế, CTCK đã hoàn tất nghĩa vụ với khách hàng, nên cần có cơ chế cho phép CTCK tạm ứng tiền cho các cổ đông.

Sở dĩ, các cổ đông đưa ra yêu cầu này, vì lo ngại, khối tiền mặt lớn tại CTCK, nếu không được chia ra, sẽ rất dễ được quyết đầu tư theo ý chí của người lãnh đạo.

Trong khi đó, vì CTCK đang trong quá trình giải thể, bộ phận quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, cũng như các bộ phận giám sát liên quan đã không còn tồn tại, nên quyết định mang tiền của cổ đông đi đầu tư sẽ không thể được giám sát chặt chẽ.

Điều này làm phát sinh rủi ro mất tiền của các cổ đông. Vậy ai bảo vệ quyền lợi cho cổ đông của các CTCK loại này?

“Chúng tôi rất không yên tâm khi để hàng tỷ đồng tại CTCK đang trong quá trình giải thể, vì nguy cơ mất tiền luôn rình rập…”, cổ đông lớn tại một CTCK đang tiến hành giải thể lo lắng.

Cổ đông các CTCK đang trong diện giải thể cho rằng, khi ĐHCĐ của CTCK đã thông qua phương án giải thể và mức tạm ứng tiền cho cổ đông, UBCK nên cho phép CTCK tạm chia tiền cho cổ đông nếu CTCK chứng minh được họ đã giải quyết xong nghĩa vụ với khách hàng và các bên liên quan, số tài sản còn lại đảm bảo hoàn thành nốt các nghĩa vụ với Nhà nước.

Thậm chí, ngoài tạm ứng tiền, cơ quan quản lý cần nghiên cứu phương án cho phép CTCK được tạm ứng lượng chứng khoán còn lại trong danh mục đầu tư của CTCK.

Về phía UBCK, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cơ quan này cho biết, việc giải thể DN đã được quy định rất rõ trong Luật Doanh nghiệp, UBCK không thể có những quy định hướng dẫn DN để đi tắt, hoặc thay đổi quá trình này.

Vấn đề quan trọng nhất, theo UBCK, là việc xử lý rốt ráo trong nội bộ các CTCK. Cổ đông CTCK cần đốc thúc lãnh đạo DN sớm giải quyết xong các nghĩa vụ tài chính của CTCK, nhất là tình trạng công nợ dây dưa. Khi đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính theo thứ tự quy định tại Luật Doanh nghiệp, UBCK sẵn sàng ra quyết định rút giấy phép của CTCK trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Đến nay, có CTCK sau 2 năm quyết nghị việc giải thể, nhưng vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, để UBCK ra quyết định thu hồi giấy phép.  

>>CLS thanh toán tiền cho cổ đông để giải thể

>>CLS xin ý kiến cổ đông để bổ nhiệm CEO

>>Giải thể AVS: Đã qua 2/3 chặng đường

>>AVS lãi 4,34 tỷ đồng trong quý II