Giá thép, chủ đề nóng mùa đại hội
Giá thép tăng đang là chủ đề được cổ đông của các doanh nghiệp ngành thép quan tâm trong mùa ĐHCĐ với kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng tăng trưởng như giá thép.
Tại CTCP Thép Việt Ý, năm qua đã ghi nhận khoản lỗ 52 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do giá thép phế liệu trên thị trường biến động khó lường, liên tục giảm sâu kéo theo giá bán thép giảm. Đáng chú ý, Công ty đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lên tới 10,93 tỷ đồng. Trước đà tăng mạnh của giá thép, các chỉ tiêu kinh doanh 2016 đã được ĐHCĐ Công ty thông qua với mức tăng trưởng tốt.
Cụ thể, Công ty đặt chỉ tiêu sản lượng sản xuất phôi thép 260.000 tấn, sản lượng sản xuất thép cán đạt 275.000 tấn, sản lượng tiêu thụ thép 275.000 tấn, doanh thu 2.480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 36 tỷ đồng, VIS cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ đẩy nhanh quá trình mua bán nguyên liệu để hạn chế lượng hàng tồn kho, tăng cường nhập khẩu phôi dùng sản xuất thép dân dụng để giảm giá thành thép cán.
Tương tự, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) trong năm 2015 ghi nhận khoản lỗ lên đến 195 tỷ đồng và đây là năm đầu tiên Công ty thua lỗ kể từ khi lên niêm yết. Nguyên nhân cũng do giá vốn hàng bán tăng cao, trong khi giá bán giảm mạnh.
Với sự đảo chiều tăng mạnh của giá thép trong thời gian qua, lãnh đạo SMC cho biết, các chỉ tiêu doanh thu 10.100 tỷ đồng và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2016 của Công ty là hoàn toàn khả thi.
Giá thép tiếp tục là chủ đề được nhiều cổ đông quan tâm tại ĐHCĐ các doanh nghiệp trong ngành, khi các doanh nghiệp như VGS, HPG cũng đã lên lịch tổ chức vào cuối tháng 3.
Đà tăng có bền vững?
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó tổng giám đốc CTCP Thép Việt Ý (VIS) cho rằng, giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến giá thép trong nước tăng theo. Ngoài ra, giá thép tăng còn do sức cầu với sản phẩm này tăng lên khi thị trường bất động sản hồi phục, hoạt động xây lắp đang vào mùa. Tuy nhiên, đà tăng của giá thép không thực sự bền vững, bởi nguồn cung trên thị trường hiện đang khá dồi dào, trong khi thép nhập khẩu cùng chủng loại vẫn về rất nhiều.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 2/2016, tổng sản lượng tiêu thụ thép trong nước tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ đều tăng 100% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng theo VSA, sau khi Quyết định số 826/QĐ-BCT nhằm bảo hộ sản xuất trong nước có hiệu lực, các nhà tiêu thụ trong nước nắm bắt cơ hội giá thép sẽ tăng đã tranh thủ đầu cơ, nhiều đại lý “ôm hàng” để chờ giá tăng.
Việc ban hành mức thuế tự vệ với sản phẩm phôi thép, thép dài, theo nhiều phân tích, chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước được hưởng lợi. Trong báo cáo phân tích ngành thép mới đây, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá các công ty được hưởng lợi là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép, bao gồm HPG, VIS, POM, TIS, DNY, do giảm bớt lo ngại về phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2015, HPG đã gặp áp lực lớn từ thép nhập khẩu khi giá bán trung bình giảm 16%, chủ yếu do cạnh tranh từ thép Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa.
HPG vừa hoàn thành nhà máy cán thép số 4 thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và đã đưa vào chạy thử mẻ thép đầu tiên. Với nhà máy cán này, Hòa Phát sẽ cung ứng thêm cho thị trường 60.000 tấn thép thành phẩm/tháng từ tháng 4/2016.
Trong khi đó, những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như VGS được đánh giá sẽ bị thiệt hại đầu tiên khi thuế nhập khẩu phôi tăng lên và không còn tận dụng được lượng phôi giá rẻ nhập khẩu như trước.
Sự gia tăng đột biến và bất thường về nhập khẩu hàng hóa của sản phẩm phôi thép và thép dài thời gian gần đây đã tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp thép trong nước. Sức ép cạnh tranh trong ngành thép có thể gia tăng khi Việt Nam chính thức gia nhập AEC với yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như các phương thức kinh doanh ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép có thể đối mặt với sức ép về tỷ giá trong năm 2016.