Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nội liên tiếp công bố đối tác chiến lược nước ngoài. Việc “kết duyên” với đối tác ngoại của các doanh nghiệp hiện nay mang một sắc thái mới: lâu dài, kỹ thuật và sâu sắc hơn.
Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, Bảo Việt, Bảo Minh, PVI là các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên có đối tác chiến lược nước ngoài, bên cạnh nhiều nhà đầu tư ngoại khác nắm giữ cổ phần nhỏ lẻ. Thực tế trong nhiều năm hợp tác, các “mối duyên” này không phải hoàn toàn suôn sẻ, đã từng xuất hiện sự khác biệt về định hướng chiến lược trong hợp tác giữa các bên, từ đó dẫn đến động thái thoái vốn của đối tác ngoại.
Chẳng hạn, HSBC Insurance sau 3 năm hợp tác đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Insurance vào năm 2012. Hiện tại, Talanx đang có ý định thoái vốn tại PVI.
Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính, cổ đông ngoại có thể hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nội về quản trị, công nghệ thông tin và đào tạo nhân sự, còn việc hỗ trợ kinh doanh bảo hiểm gặp nhiều hạn chế. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn dựa trên cơ sở “quan hệ” là chính, trong khi đây lại là điểm yếu nhất của các công ty nước ngoài.
Có định hướng tìm cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng một số doanh nghiệp bảo hiểm nội đã lựa chọn cho mình các “bến đỗ nội” như BSH có cổ đông lớn là SHB, T&T và SHS; Bảo Long có cổ đông lớn là SCB, Eximbank và Vietcombank; ABIC trình Bộ Tài chính chấp thuận việc Agribank nắm giữ trên 20% vốn và trở thành cổ đông chiến lược…
Chia sẻ về định hướng này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ cho biết, lựa chọn cổ đông chiến lược là các ngân hàng, tổ chức tài chính nội nhằm tận dụng lợi thế về tài chính, mạng lưới, khách hàng của các doanh nghiệp này, qua đó phát triển dần, khi nào đủ mạnh mới tính tới việc thu hút nhà đầu tư ngoại.
Với MIC, sự giúp đỡ, ủng hộ của Ngân hàng Quân đội (MB) đã mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ dịch vụ trong hệ thống của MB cũng như các doanh nghiệp quân đội khác.
Với ABIC, việc tận dụng mạng lưới và khách hàng của Agribank trong triển khai kênh bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang mang lại lợi nhuận rất lớn cho Công ty. Năm 2014 vừa qua, bancassurance đã góp phần giúp lợi nhuận của ABIC tăng gấp 2,2 lần năm 2013.
Chính vì lý do trên, cộng với việc một thời gian dài các doanh nghiệp bảo hiểm “lỡ kế hoạch” do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế giai đoạn 2011 - 2013, nên xu hướng lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài có vẻ thoái trào và không còn là ưu tiên của các doanh nghiệp bảo hiểm nội.
Tuy nhiên, với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2014, từ đầu năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nội liên tiếp công bố đối tác chiến lược nước ngoài. Sau PTI với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dongbu (Hàn Quốc), BIC là doanh nghiệp bảo hiểm nội thứ 7 công bố nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là FairFax - tập đoàn bảo hiểm đến từ Canada.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là PJICO đang chuẩn bị phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất vào giữa năm nay.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 của PJICO, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đại diện cổ đông sáng lập và là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại PJICO đề nghị Công ty cần lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài thực sự, thay vì hướng tới việc lựa chọn theo xu hướng mang lại thặng dư cổ phần.
Cổ đông ngoại này phải có sự tương đồng về ngành nghề kinh doanh, hỗ trợ PJICO không chỉ ở Việt Nam, mà còn hướng ra bên ngoài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng giữa Việt Nam với các nước…
Trong khi đó, PVI - doanh nghiệp sở hữu chi phối tại 3 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm PVI, PVI Re và PVI Sun Life đang nỗ lực tìm cổ đông ngoại cho PVI Re. Lãnh đạo PVI chia sẻ: “Việc chọn cổ đông chiến lược cho PVI Re ngoài mục tiêu tiếp tục mở rộng quy mô, năng lực tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, còn nhằm giữ vững và tạo điều kiện nâng hạng định mức tín nhiệm quốc tế Tổ chức A.M.Best”.
Đối với BIC, trước khi hợp tác với FairFax, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của công ty này bao gồm: uy tín, thương hiệu quốc tế; năng lực bảo hiểm và tiềm lực tài chính tốt; kinh nghiệm thành công qua hiện diện tại châu Á và các thị trường mới nổi; khả năng đóng góp giá trị tăng thêm cộng hưởng từ kinh nghiệm toàn cầu thông qua hỗ trợ kỹ thuật. Để “tăng điểm” trong mắt các nhà đầu tư ngoại, BIC đã triển khai định hạng tín nhiệm của A.M.Best.
Có thể thấy, bên cạnh tìm kiếm “điều kiện cần” là năng lực tài chính tốt, kinh nghiệm kinh doanh bảo hiểm toàn cầu, hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm nội còn tìm ở đối tác một điểm chung về chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để có thể đồng hành lâu dài. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp nội đều kỳ vọng đối tác ngoại sẽ giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động, củng cố chiến lược kinh doanh.
Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, với những kinh nghiệm thành công của FairFax cũng như các cam kết hợp tác và hỗ trợ của đối tác dành cho BIC, giai đoạn 5 năm tiếp theo, BIC sẽ trở thành công ty bảo hiểm quốc tế chuyên nghiệp và là công ty bảo hiểm hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam”.
Tại ĐHCĐ của PTI, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (cổ đông lớn nhất của PTI) nói rằng, có thêm cổ đông chiến lược là Dongbu (Hàn Quốc), có thể có thách thức về quản trị, về phương thức làm việc từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc đến toàn thể nhân viên để cùng nhau hội nhập về phương thức quản trị và văn hóa. Tuy nhiên, PTI sẽ tận dụng được kinh nghiệm, năng lực của đối tác.
“Để đồng bộ phát triển, PTI cần đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc vào công nghệ thông tin, tránh nguy cơ tụt hậu. Ngoài ra, việc cạnh tranh trên thị trường trong nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu cũng rất khốc liệt, PTI cần rút ngắn khoảng cách để có dịch chuyển thứ hạng cao hơn”, ông Bình nói.