Ðiều cần nhất của cổ đông trong mùa đại hội là làm sao nhận được thông tin càng minh bạch càng tốt trực tiếp từ DN, nhưng điều cần nhất của DN trong mùa đại hội lại là làm sao để thông tin phù hợp và các quyết sách Hội đồng quản trị định làm đều được thông qua. Do khác nhau về mục tiêu, nên đôi lúc xảy ra những chuyện “khóc, cười”.
Chị H.T.Minh, cổ đông tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, năm trước, chị chỉ nhận được 2 tin nhắn từ phía ngân hàng này thông báo thời gian địa điểm họp Ðại hội trong khi không nhận được thư mời họp mà ngân hàng này gửi tới. Cùng với đó, không hiếm doanh nghiệp gửi/công bố tài liệu cổ đông một cách sơ sài, thiếu thông tin về báo cáo lãnh đạo hoặc các tờ trình…
Việc thông báo mời họp đại hội là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị cho một cuộc họp. Theo quy định, danh mục các tài liệu cần phải gửi đến các cổ đông gồm: thông báo mời họp (gửi bằng phương thức bảo đảm); chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp; phiếu biểu quyết; mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp.
Trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi tài liệu họp theo thông báo mời hợp quy định có thể thay thế bằng đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
Trường hợp này, thông báo mời họp vẫn phải được gửi bằng phương thức bảo đảm, trong đó ghi rõ nơi, cách thức tải tài liệu và công ty phải gửi tài liệu họp cho cổ đông nếu cổ đông yêu cầu. Thông báo mời họp cần ghi rõ tên người (hoặc bộ phận) và số điện thoại để liên hệ khi cần hướng dẫn tải tài liệu hoặc gửi tài liệu bản cứng.
Trong trường hợp tài liệu không được gửi kèm thông báo họp thì thông báo mời họp phải nêu rõ đường dẫn đến toàn bộ tài liệu họp để các cổ đông có thể tiếp cận. Thế nhưng ngay cả khi thông tin được đăng trên website thì vì nhiều lý do khác nhau, DN cũng không thể chắc rằng, nhà đầu tư, các cổ đông đại chúng nhận thông tin đầy đủ.
Ðây là điểm các DN rất cần lưu ý. Ðể “kín kẽ”, nhiều DN lớn thường thực hiện cả việc đăng tải thông báo họp Ðại hội trên một tờ báo uy tín và đây cũng được coi là cách thông tin rộng rãi ra thị trường về việc DN mời cổ đông đến dự họp.
Để “kín kẽ”, nhiều DN lớn thường thực hiện cả việc đăng tải thông báo họp Đại hội trên một tờ báo uy tín và đây cũng được coi là cách thông tin rộng rãi ra thị trường về việc DN mời cổ đông đến dự họp
Ðiểm yếu nữa là vấn đề ngôn ngữ. TTCK Việt Nam hiện có khoảng 30% vốn được sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng số DN có thông báo Ðại hội cũng như các thông tin công khai bằng tiếng Anh còn rất hiếm.
Nhà quản lý chưa bắt buộc việc này, nhưng có nhiều khuyến nghị các DN, nhất là DN quy mô lớn phải công khai thông tin bằng tiếng Anh. Trong các mùa đại hội trước, một số cổ đông ngoại cũng đến tham dự với mong muốn lắng nghe sâu câu chuyện của DN. Tuy nhiên, ngôn ngữ sử dụng tại Ðại hội chỉ có tiếng Việt khiến cổ đông ngoại đi họp cũng như không.
Thực tế, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông có quyền yêu cầu hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông khi “trình tự và thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định pháp luật của luật này và điều lệ công ty”. Tuy nhiên, từ trước đến nay, mới chỉ có 2 vụ kiện buộc doanh nghiệp phải hủy nghị quyết Ðại hội do vấn đề này vào năm 2013 và 2018.
Cổ đông luôn cần thông tin minh bạch từ DN nhưng thực tế, nhiều người không nắm rõ được quyền lợi của nhà đầu tư. Trong khi đó, hầu hết cổ đông cá nhân lại không muốn phiền phức và liên quan đến pháp lý. Ðây là điểm khó khiến “cung” - “cầu” mùa đại hội không dễ khớp nhau.