Kể từ khi Qualcomm được thành lập (năm 1985) đến nay, ông Steve Mollenkopf mới là CEO thứ 3 và là người đầu tiên không thuộc dòng họ Jacobs (sáng lập ra Qualcomm) đảm nhiệm trọng trách này. Do Qualcomm đang làm ăn rất tốt và có đầy đủ cơ hội thực tế để phát triển lâu dài, nên ông Steve Mollenkopf đương nhiên được thừa hưởng một gia sản mà rất nhiều CEO phải ghen tỵ, thèm muốn.
Một số nhà bình luận còn có nhận xét ít nhiều mang tính bông đùa rằng, số ông Steve Mollenkopf quả là sướng, khi không phải “chiến đấu” một cách “trầy da tróc vẩy”, mà lại may mắn được ngồi ngay vào mâm cỗ thịnh soạn. Nhận xét này không sai, song cũng không đúng hoàn toàn.
Có trụ sở chính tại San Diego (bang California), Qualcomm là hãng phát minh ra công nghệ di động CDMA và hiện cung cấp chip cho nhiều tập đoàn lớn chuyên sản xuất điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet), như Samsung, Apple, Nokia… và cả doanh nghiệp sản xuất thiết bị mạng như Cisco… Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 30/9/2013), doanh thu của Qualcomm đạt 24,9 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm tài chính trước; lợi nhuận ròng đạt 6,8 tỷ USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Qualcomm hiện ở mức hơn 122 tỷ USD, cao hơn cả Intel và nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác.
Qualcomm hiện đứng trong danh sách 500 công ty Fortune (500 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất Mỹ - theo xếp hạng của Tạp chí Fortune), sở hữu 84.000 bằng phát minh sáng chế, ứng dụng sáng chế tại Mỹ và quốc tế về công nghệ CDMA, những công nghệ có liên quan như WCDMA, OFDMA… Không có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi gián tiếp lớn từ việc bùng nổ các thiết bị smartphone hiện đại, như Qualcomm. Tập đoàn đang kiếm tiền phí bản quyền sáng chế (gần 4% giá trị của chiếc smartphone), tức là càng nhiều smartphone được bán ra, Qualcomm càng kiếm bẫm. Rất nhiều người sở hữu smartphone đều không hề biết đến việc này lẫn cái tên Qualcomm. Như vậy, quả thực Qualcomm là một đại gia giấu mặt.
Nhiều nhà phân tích nhận xét, ông Steve Mollenkopf rất xứng đáng được đề bạt vào chức CEO, do công sức đóng góp của ông với Qualcomm, sự tận tuỵ và cả lòng trung thành.
Ông Steve Mollenkopf gia nhập Qualcomm từ năm 1994, với vai trò kỹ sư điện. Ông đã có bằng cử nhân kỹ thuật điện của Đại học Virginia và bằng thạc sỹ kỹ thuật điện của Đại học Michigan. Ông đã kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý khác nhau ở Qualcomm. Năm 2008, ông đã được giao đứng đầu bộ phận chip của Qualcomm. Đó là thời khắc quan trọng của Qualcomm, khi lãnh đạo Qualcomm nỗ lực đưa Tập đoàn bành trướng ra khỏi lĩnh vực sóng vô tuyến kết nối điện thoại không dây với các mạng di động. Ông được giao nhiệm vụ phát triển các bộ vi xử lý ứng dụng, bộ vi xử lý đồ họa, chip kết nối Wi-Fi/Bluetooth và các linh kiện khác được sử dụng trong smartphone.
Không chỉ vậy, Steve Mollenkopf còn dẫn dắt Qualcomm trong việc đưa chip hỗ trợ mạng 4G LTE tốc độ cao ra thị trường, trước cả các đối thủ lớn. Dưới sự dẫn dắt của ông, mảng chip của Qualcomm đã hoàn tất thương vụ mua lại Atheros Communications Inc (có trụ sở tại Mỹ), với giá 3,1 tỷ USD vào năm 2011. Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất từ trước đến nay của Qualcomm, giúp Tập đoàn bành trướng vào Wi-Fi và các lĩnh vực khác.
Tháng 11/2011, ông được giữ chức phó cho CEO và cuối tháng 12/2013, ông được bầu vào Ban giám đốc. Ông đã cam kết gắn bó lâu dài với Qualcomm, ngay cả khi Tập đoàn Microsoft chèo kéo ông, khi đưa ông vào danh sách các ứng cử viên cho chức CEO. Như mọi người đã biết, ngày 5/2 vừa qua, Microsoft đã chọn ông Satya Nadella, một nhà quản lý lâu năm làm CEO mới thay cho ông Steve Ballmer.
Hơn nữa, ông Steve Mollenkopf cũng gặp thuận lợi khi được gia đình ông Jacobs hết sức tin tưởng, bồi dưỡng và ủng hộ. Ông Irwin Mark Jacobs (là một trong những nhà đồng sáng lập ra Qualcomm) đã giữ chức CEO từ tháng 7/1985 đến tháng 6/2005. Sau đó, Paul E. Jacobs, con trai ông đã lên thay từ tháng 7/2005 đến ngày 3/3/2014.
Ông Stacy Rasgon, chuyên gia phân tích của Công ty Bernstein Research nhận xét: “Việc chọn Steve Mollenkopf là một quyết định sáng suốt. Đây là cách khai thác và phát huy tài năng của hai 2 ông Paul E. Jacobs và Steve Mollenkopf, bởi Paul là một người có tầm nhìn chiến lược, trong khi Steve lại là một nhà điều hành xuất sắc. Bộ đôi sẽ làm việc ăn ý với nhau”, ông Stacy Rasgon nói.
Ông Steve Mollenkopf vẫn rất kín tiếng và chỉ phát biểu chung chung rằng: “Về bản chất, Qualcomm là công ty của những nhà phát minh và những doanh nhân. Tôi rất vui mừng trước những cơ hội phát triển to lớn đang mở rộng trước mắt Công ty”.