Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh: Dũng Minh

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh: Dũng Minh

"Có doanh nghiệp đang phải vay lãi ngoài đến 20-30%/năm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham gia tư vấn tái cơ cấu, tư vấn M&A cho nhiều doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nói rằng, do không tiếp cận được các kênh dẫn vốn truyền thống, một số doanh nghiệp đang phải vay lãi tới 20-30%/năm để duy trì hoạt động.

Khúc cua định mệnh của doanh nghiệp

Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/11, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, qua quá trình làm việc và tư vấn cho một số doanh nghiệp ông nhận thấy hiện nay đang là cuối quý IV, nhưng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn trong huy động vốn để về đích kế hoạch cuối năm.

Lý do vì hiện nay phần lớn các ngân hàng đã hết "room" tín dụng, riêng bất động sản là lĩnh vực đang bị siết điều kiện giải ngân thì hầu như không còn "room", doanh nghiệp phải đợi đến năm 2023 để có "room" mới.

Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp là lĩnh vực trước đây có thể huy động được vốn tương đối tốt thì hiện nay, với việc ban hành Nghị định 65 thay thế Nghị định 153, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trở nên khó khăn.

"Nhất là doanh nghiệp bất động sản, đa số đang gặp khó khăn trong trả nợ trái phiếu đến hạn và sắp đến hạn. Một số vụ việc sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu thậm chí đã gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư và người dân khiến họ không mặn mà đầu tư vào trái phiếu", ông Hà nhấn mạnh.

Đây là lý do khiến doanh nghiệp rất khó phát hành trái phiếu mới để đảo nợ, trong khi đó nhà đầu tư lại mong đáo hạn trái phiếu trước hạn để thu tiền về.

Còn một thị trường vốn nữa là lĩnh vực M&A (mua bán - sáp nhập), doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua chuyển nhượng một phần hoặc bán dự án cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên theo ông Hà, việc chuyển nhượng một dự án cũng tương đối khó, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện nhiều thủ tục thẩm định hồ sơ pháp lý, sức khỏe doanh nghiệp, sau đó phải trải qua một quá trình đàm phán rất dài mới có thể mua bán được, đặc biệt những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất.

Thông thường lãi suất chỉ cần cao hơn 12%/năm là đã rất khó cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhiều đơn vị đang phải vay lãi ngoài với lãi suất lên tới 20-30%/năm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Dự báo trong năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp hai khó khăn: một là áp lực trả nợ trái phiếu, hai là tiếp tục huy động vốn để thực hiện dự án cũ và mới.

"Room" tín dụng cho bất động sản sang năm sẽ có nhưng trong bối cảnh tất cả ngân hàng tăng lãi suất cho vay như thế này, việc tiếp cận vốn sẽ vẫn là khó khăn do chi phí vốn tăng.

Ông Hà nói thêm, nhiều doanh nghiệp đang phải vay lãi ngoài với lãi suất 20-30%/năm, cho thấy họ thực sự khó khăn. Thông thường lãi suất chỉ cần cao hơn 12%/năm là đã rất khó cho doanh nghiệp.

"Giai đoạn này thực sự là khúc cua định mệnh rất khó khăn đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng", vị luật sư nhấn mạnh.

Chủ động thích ứng trong hành động

Luật sư Hà nói biết, ông đang làm việc với một số doanh nghiệp để tư vấn tái cơ cấu cho họ và thấy rằng, doanh nghiệp mong muốn nhanh chóng được bù đắp dòng tiền để hoàn thiện các dự án dang dở sắp hoàn thiện, đẩy mạnh bán hàng nhanh thu tiền về, giải quyết khó khăn trước mắt.

Theo ông Hà, dù muốn hay không, trong bối cảnh này, đa số doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc quy mô, quy trình, phương thức quản lý... để tối ưu hóa dòng tiền. Họ tìm cách nâng cao năng suất lao động, cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí và tập trung vào những dự án kinh doanh cốt lõi để ra dòng tiền trước.

Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/11. Ảnh: Dũng Minh

Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 5 với chủ đề “Thích ứng trong hành động”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/11. Ảnh: Dũng Minh

Họ cũng tăng cường các hoạt động M&A, chấp nhận bán bớt các dự án mà họ thấy không đủ vốn để làm hoặc là những dự án nếu chậm triển khai thì có thể bị thu hồi.

Để trả nợ trái phiếu đáo hạn, hiện nay một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện hoán đổi trái phiếu cho nhà đầu tư bằng cổ phiếu hoặc căn hộ với chiết khấu cao nên cũng giảm được phần nào áp lực.

Đặc biệt, ông Hà đánh giá cao những doanh nghiệp năng động sáng tạo trong đổi mới mô hình hoạt động, tập trung vào chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động và đa dạng hóa nguồn vốn, không chỉ dựa vào ngân hàng và các kênh huy động vốn truyền thống mà đã bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn khác trong xã hội, bằng các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư.

"Ví dụ tôi thấy ở mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, một doanh nghiệp có mặt bằng, có kinh nghiệm, một doanh nghiệp khác có vốn, họ hợp tác cùng đầu tư cùng quản trị và chia sẻ lợi nhuận", ông Hà nói.

Trên thực tế, tiền nhàn rỗi trong nhân dân còn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng khi góp vốn vào doanh nghiệp mà không biết đồng tiền của mình đi đâu. Với mô hình hợp tác đầu tư kinh doanh chia sẻ lợi nhuận này, nhà đầu tư hoàn toàn kiểm soát được dòng tiền của mình.

"Những mô hình này rất đa dạng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giúp nhà đầu tư được tham gia dự án được quản trị đồng vốn của mình", Chủ tịch SBLaw nói và kết luận, bài học ở đây là khó khăn về nguồn vốn thì sẽ tìm những nguồn vốn khác nhau.

Chờ tín hiệu chính sách

Năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn nhưng vừa rồi Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%/năm là tín hiệu mừng, có nghĩa là Chính phủ sẽ tiếp tục phải đẩy mạnh chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy đất nước phát triển.

Được biết, chủ trương của chúng ta thời gian tới là hoàn thiện thể chế kinh tế và xây dựng được thể chế pháp luật để phục vụ mục tiêu quản lý kinh tế cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, coi việc hoàn thiện thể chế là một trong những nguồn lực quan trọng của Việt Nam.

Với cách nhìn và tầm nhìn như thế, tôi cho là trong năm 2023 và những năm tiếp theo, vai trò của cơ quan quản lý trong đó có Quốc hội, Chính phủ là phải nỗ lực để chúng ta theo sát thị trường, đưa ra được những chính sách sửa đổi được những khó khăn, hỗ trợ được doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Tin bài liên quan