Cố đô Huế là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới

Cố đô Huế là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới

Cố đô Huế: Hồi sinh và quyến rũ

Festival Huế 2014 sẽ đánh dấu 20 năm Cố đô Huế trở thành di sản thế giới. Để Huế trở thành một quần thể di sản của cả nhân loại như ngày hôm nay đã ghi nhận nỗ lực phục hưng di sản của chính quyền và người dân Huế, đưa Huế trở nên quyến rũ và đáng sống hơn, xứng đáng là “linh hồn” của đô thị Huế hiện tại và cả tương lai…

Phục hưng “hồn” di sản

Sau 20 năm trở thành di sản thế giới, quần thể di tích Cố đô Huế đã có những thay đổi diệu kỳ. Từ trong hoang tàn, đổ nát, từ trong lãng quên, di sản Huế đã bừng sáng, lung linh và ngày càng thể hiện rõ chân giá trị là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc và nhân loại.      

Trong suốt 20 năm qua, thực hiện Dự án Chiến lược quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng trăm công trình kiến trúc di sản của Cố đô Huế từng bước được trùng tu, khôi phục diện mạo ban đầu; cảnh quan môi trường của các khu di sản cũng từng bước được cải thiện. Các di sản văn hóa của Cố đô Huế thực sự hồi sinh và trở nên vô cùng quyến rũ, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến thăm miền Trung Việt Nam.

Cùng với sự thành công đặc biệt trong việc phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và các bộ, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch Quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, giai đoạn 2003-2008, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã và đang triển khai các hoạt động đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản phi vật thể khác, như lễ hội cung đình, tuồng cung đình, múa cung đình, các ngành nghề thủ công truyền thống, ẩm thực cung đình, nghệ thuật cây kiểng và vườn cung đình…

Việc kết hợp khéo léo giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt, khiến di sản Huế ngày càng hấp dẫn. Ngày nay, du khách đến thăm hoàng cung Huế không chỉ được tận mắt nhìn ngắm cung điện vàng son lộng lẫy hay những thành quách rêu phong cổ kính, mà còn được trực tiếp thưởng thức các hình thức diễn xướng cung đình ngay tại nơi chúng từng sản sinh và hoạt động.

Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ cũng được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn; hệ thống hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ được tổ chức lại quy củ, khang trang và niêm yết giá cả rõ ràng. Tại khu vực Hoàng cung và các vùng lân cận, bên cạnh dịch vụ cưỡi voi, đi xe ngựa, dịch vụ xe điện cũng đã được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2013 và đến nay, đã giành được sự quan tâm, ưu ái của rất nhiều du khách.

Lãnh đạo chính quyền Thừa Thiên Huế từng khẳng định: “Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung; xây dựng thương hiệu Huế - thành phố Festival trở nên nổi tiếng khắp thế giới dựa trên nền tảng của các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa Huế”.

Kiệt tác đô thị

Quần thể di tích Cố đô Huế tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật và kiến trúc, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan, được đánh giá như một “kiệt tác đô thị”.

Trong gần 400 năm (1558 - 1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, đền đài miếu vũ lộng lẫy, lăng tẩm uy nghiêm, danh lam cổ tự trầm tư u tịch, thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...

Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Ngoài ra, Huế còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa phi vật thể biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Kinh thành được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế bao gồm các di tích: Kỳ Đài Trường; Quốc Tử Giám; Điện Long An; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế; Đình Phú Xuân; Hồ Tịnh Tâm; Tàng thư lâu; Viện Cơ Mật - Tam Tòa; Đàn Xã Tắc…

Hoàng thành, khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn, nằm bên trong Kinh thành, được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông, mỗi chiều xấp xỉ 600 m với 4 cổng ra vào, mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô đó là Ngọ Môn. Hoàng thành có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng thành và Tử cấm thành thường được gọi chung là Đại Nội. Các di tích trong Hoàng thành gồm: Ngọ Môn; Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ Miếu; Hưng Tổ Miếu; Thế Tổ Miếu; Thái Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; Cung Trường Sanh; Hiển Lâm Các; Cửu Đỉnh; Điện Phụng Tiên.

Tử cấm thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Các di tích trong Tử cấm thành gồm: Tả Vu và Hữu Vu; Vạc đồng; Điện Kiến Trung; Điện Cần Chánh; Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.

Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.

Huế còn nổi tiếng với những khu nhà vườn thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng Cố đô mang phong cách kiến trúc đặc trưng. Điều đặc biệt là mỗi khu nhà vườn lại mang bóng dáng Kinh thành Huế thu nhỏ, có bình phong thay núi Ngự, bể nước thay thế cho dòng sông Hương, đôi tảng đá cụm thay cho cồn Dã Viên...

Quần thể di tích Cố đô Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới và cũng là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước. Làm thế nào để Huế xứng tầm là một trung tâm vẫn là chặng đường dài phía trước. Năm 2014 được xác định là thời điểm quan trọng để phát triển toàn diện Huế trong chiến lược phát triển đô thị đến năm 2020 mà chính quyền Thừa Thiên Huế đang theo đuổi.

Linh hồn trong chiến lược phát triển đô thị

Bộ Chính trị kết luận, tính chất của Thừa Thiên Huế và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là là mục tiêu chính trị mà chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm hướng đến.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, Thừa Thiên Huế phải đáp ứng những tiêu chí ở mức độ cơ bản, tối thiểu.

Theo ông Cao, trước tiên, Thừa Thiên Huế là phải gìn giữ cố đô, luôn luôn xứng đáng là cố đô, kinh đô xưa của nước Việt Nam - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, phải giữ được cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của Việt Nam để khi bạn bè quốc tế đến với Huế có thể cảm nhận được nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, địa phương phải tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, cảng biển và sân bay đúng tầm.

Năm 2014, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện “Năm đô thị”. Ưu tiên các nguồn lực để chỉnh trang dọc Quốc lộ 1A và đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tin bài liên quan