Bước ra dưới ánh mặt trời
Đất nước đang bước vào Xuân mới với hành trang là những thành tựu toàn diện và rực rỡ của năm 2019, năm bản lề thực hiện Chiến lược 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Những chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam năm qua, dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng bây giờ “kiểm đếm” lại, vẫn khiến không khí đón chào Xuân mới thêm rộn ràng.
Đó là năm thứ hai liên tiếp, cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Mà quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, qua đó đưa quy mô nền kinh tế lên hơn 262 tỷ USD. Không những thế, thương mại hai chiều đã vượt mốc 500 tỷ USD, với xuất siêu đạt mức kỷ lục 11,1 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. Tỷ lệ nợ công đã giảm xuống chỉ còn 56% GDP. Ngân sách thặng dư. Lạm phát ở mức thấp…
Đây là những con số mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hồ hởi nói rằng: “10 năm trước, chúng ta không thể hình dung được”. Những con số đã góp phần quan trọng khẳng định “mọi điều đều có thể” và rằng, mọi bài toán khó về “sự đánh đổi trong tiến trình phát triển” đều có thể được hóa giải, nếu chúng ta có nỗ lực.
Không còn ngại “quy mô càng lớn thì khó tăng trưởng nhanh”. Cũng không còn phải sợ “phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô”. Càng không phải lo “đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng”. Tất cả những chỉ số vĩ mô của năm 2019 đã khẳng định rằng, dù quy mô nền kinh tế càng lớn, thì việc đạt được 1 phần trăm tăng trưởng là khó hơn, nhưng không phải là không thể đạt được. Và rằng, chúng ta vẫn có thể tăng trưởng trên 7%, nhưng lạm phát chỉ 2,79%. Tăng trưởng cao, nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn được cải thiện.
Thế nên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hồ hởi nói rằng: “Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”. Ông còn trích dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), rằng “mây đen phủ kín bầu trời, nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam”, để khẳng định những thành tựu to lớn và quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2019.
Hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng.
Thế và lực của Việt Nam đã khác. Lực được tích lũy qua đổi mới kinh tế, phát triển xã hội. Thế có được qua quá trình hội nhập mấy chục năm qua. Khi thế và lực đều mạnh, Việt Nam được nhìn nhận như một đối tác tin cậy của khu vực và thế giới và trở thành một trong những điển hình thành công trong hành trình vượt đói nghèo vĩ đại.
Thế và lực đã khác, nên Việt Nam đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đã lần thứ hai được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và năm 2020, thêm một lần nữa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Thế và lực đã khác, nên các hiệp định thương mại song phương và đa phương, kể cả là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định với EU (EVFTA, EVIPA), với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu… đều có tên Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam, hồi đầu năm 2019 đã từng nói rằng, nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới thì đó “nên là Việt Nam”. Bà cũng đã nhấn mạnh: “Đã đến lúc, đất nước phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời”.
Và Việt Nam đúng là đang bước ra dưới ánh mặt trời!
Khát vọng hùng cường
90 mùa Xuân của Đảng, cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay. Đó chính là điểm tựa quan trọng để nước Việt thực hiện khát vọng thịnh vượng và hùng cường vào các năm 2030 và 2045, những dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước.
Khát vọng đó đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến. Nhiều chuyên gia, nhiều học giả, nhiều người dân đều đã thấu hiểu và đồng cảm với khát vọng này của Thủ tướng. Song cũng có người nghi ngờ rằng Việt Nam làm sao có thể.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, khát vọng đó là “một thực tế”, chứ không phải là “tinh thần viển vông”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng đã từng nhấn mạnh, chúng ta có những năng lực và cơ hội để làm điều đó và nên bắt tay ngay vào thực hiện.
Phải bắt tay ngay vào thực hiện, nên trước mắt, phải thực hiện cho tốt Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020, đồng thời cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, từ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Phải bắt tay ngay vào thực hiện, nên lâu dài, phải chuẩn bị thật tốt cho Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Công việc này đang được nỗ lực thực hiện, với nhiều định hướng chiến lược phát triển quan trọng trong 10 năm tới, từ vẫn phải gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững; đến phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rồi gắn kết chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm độc lập, tự chủ; xây dựng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển ngắn hạn đi đôi với đột phá tư duy, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn…
Rồi lấy con người làm trung tâm và xác định con người là nguồn lực phát triển quan trọng nhất; lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng nhất. Phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ…
Phải bắt tay ngay vào thực hiện, nên như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Bởi thực tế, dù nền kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, nhưng điểm yếu vẫn còn nhiều, như tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới…
Chưa kể, kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc; kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh, nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững…
Rồi còn cả những chuyện khiến dư luận không khỏi “nhức buốt, đau xót”, ví như tệ tham nhũng, lãng phí, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Đại án tham nhũng được xử vào cuối năm 2019 là một ví dụ điển hình. Dù những bản án nghiêm minh đã được đưa ra, những lời hối hận muộn màng cũng đã được cất tiếng, nhưng sự xót xa thì còn mãi. Đau xót, nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, là “không thể không làm”, bởi chúng ta cần cảnh tỉnh một người để cứu vạn người, cứu cơ đồ của đất nước.
Không thể để cơ đồ mấy mươi năm có được sụp đổ. Cũng không thể để “ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao đang ở ngay trước mắt” song lại vụt qua. Bởi thế, cả hệ thống chính trị phải chung sức, chung lòng, chung khát vọng cháy bỏng, chung hành động quyết liệt để đất nước trở nên cường thịnh vào năm 2045. Chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm…
Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam
Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã mượn ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để “nôm na mấy vần” rằng:
Không phải là “nôm na mấy vần”, đó chính là mong mỏi, là khát vọng cháy bỏng đang được thắp sáng trong lòng của mỗi người dân Việt Nam, nhất là khi Tết đến, Xuân về, khi một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam đang bắt đầu.
Đường còn xa, khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề, nhưng khi chúng ta là Việt Nam, chúng ta là MỘT, thì không có gì là không thể!