Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB) vừa xin ý kiến các đơn vị thành viên để hoàn thiện dự thảo về tái cấu trúc TTCK để trình Thủ tướng Chính phủ. ĐTCK đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về một số điểm liên quan đến nội dung này.
Dự thảo Tái cấu trúc CTCK đã được UBCK gửi lấy ý kiến các thành viên. Vậy dự kiến khi nào dự thảo này sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ?
Hiện nay, UBCK đang chuẩn bị đề án lớn là tái cấu trúc TTCK, trong đó có tái cấu trúc CTCK. Trong tháng 12, UBCK phải trình báo cáo lên Thủ tướng đề án tái cấu trúc thị trường. Chúng tôi đã chuẩn bị và có chuyển văn bản tóm tắt cho VASB, gửi các CTCK để xin ý kiến tham gia.
Một nội dung của đề án tái cấu trúc TTCK mà thị trường quan tâm là tái cấu trúc CTCK. Vậy đâu là căn cứ để xây dựng đề án tái cấu trúc CTCK?
Nội dung của đề án tái cấu trúc CTCK nhằm mục tiêu chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động các CTCK, chia nhóm CTCK theo khỏe, trung bình và yếu. Cơ sở chia theo nhóm là đánh giá tình hình hoạt động mỗi công ty, trong đó, đặc biệt chú trọng tình hình tài chính CTCK có lành mạnh không.
Do vậy, Thông tư 226/2010/TT-BTC là căn cứ chính để xây dựng đề án tái cấu trúc CTCK. Từ 1/4/2012, UBCK sẽ chính thức phân loại xếp hạng CTCK và áp dụng đầy đủ theo Thông tư 226, đến mức độ nào thì sẽ rút phép. Danh sách 105 CTCK chắc chắn sẽ được rút gọn lại. Tôi khẳng định, năm 2012 sẽ là năm chấn chỉnh lại hệ thống các CTCK.
Ông đánh giá thế nào về quan điểm của VASB là tái cấu trúc CTCK bằng tách hoạt động môi giới thành công ty môi giới riêng?
Ý kiến của Hiệp hội có nêu xác định lại loại hình CTCK để tái cấu trúc nhóm này. Chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều nơi trên thế giới. Việc xem xét tách, phân loại theo nghiệp vụ thì phải chờ nghiên cứu, chứ không thể làm ngay được.
CTCK hiện làm 4 nghiệp vụ, ngoài ra, cũng được làm các nghiệp vụ tư vấn, tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính. Có những nghiệp vụ dẫn đến xung đột lợi ích, về lâu dài, không nên triển khai đồng thời. Tách nghiệp vụ môi giới riêng cũng là đề xuất, nhưng phải nghiên cứu thêm, bởi vì, nếu muốn margin thì phải có tiền, muốn cho short-sell thì phải có cổ phiếu - tức phải tự doanh.
Chuyện CTCK lạm dụng tiền gửi NĐT đã được nói đến từ lâu. Quan điểm của ông về hướng quản lý, xử lý vấn đề trên như thế nào?
Vừa qua, một số CTCK đã có tình trạng mất thanh khoản và từ đó, mới phát hiện ra là tài khoản tổng quản lý tiền NĐT đã bị CTCK lạm dụng.
Có CTCK xoay xở tiền từ 1, 2 tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng cũng không đủ, dẫn đến NĐT kiện cáo, công an vào cuộc. Thời gian tới, UBCK sẽ kiểm soát nghiêm ngặt chuyện này.
Trước kia, nhiều CTCK kiến nghị rằng việc quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của từng NĐT phức tạp, gây chi phí cao nên chúng tôi cho quản lý qua tài khoản tổng, nhưng có trường hợp CTCK lạm dụng tài khoản NĐT.
Có công ty mở tới gần 40 tài khoản tổng. Nhưng theo tôi chỉ cần 1 tài khoản và đó là tài khoản tập kết tiền của khách hàng trước khi thanh toán giao dịch, là tài khoản chuyên dùng, chứ không phải tài khoản vãng lai, được kiểm soát chặt. Có như vậy, mới kiểm soát được tình trạng CTCK rút tiền từ tài khoản của khách hàng.
Nhiều kiến nghị gần đây cho rằng, nên để Trung tâm Lưu ký (VSD) quản lý luôn tiền gửi NĐT như là quản lý chứng khoán. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
VASB có đề xuất để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là ngân hàng chỉ định thanh toán, chứ không phải là VSD. Quan điểm cá nhân, tôi cũng cho rằng đây là ý kiến hay vì NHNN là ngân hàng của mọi ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với NHNN thời gian dài về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, và chúng tôi vẫn phải quản lý tiền gửi NĐT qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Một đề xuất khác là chuyển tiền về quản lý tại VSD. Tại Đức, Trung tâm lưu ký hoạt động chuyên thanh toán bù trừ cho các CTCK, vừa thanh toán cổ phiếu, vừa thanh toán tiền. Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình này trong tình huống NHNN chưa đảm nhiệm được vai trò ngân hàng thanh toán.