"Cổ chứng” vẫn còn dư địa

"Cổ chứng” vẫn còn dư địa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã tăng mạnh kể từ vùng đáy (tháng 11/2022) nhưng định giá ngành chứng khoán vẫn đang giao dịch ở mức P/B là 1,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành trong 3 năm gần đây. Cùng với mặt bằng lãi suất đang có xu hướng hạ, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn đang là “điểm sáng” đầu tư cho giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023.

Nhiều triển vọng

Cổ phiếu ngành chứng khoán có tính chu kì rất lớn và thường đồng pha với điểm số và thanh khoản của thị trường chung. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi thanh khoản tăng sẽ giúp cải thiện doanh số môi giới và cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán và khi thị trường tăng điểm thì các danh mục tự doanh cổ phiếu của các công ty này cũng được hưởng lợi.

Với tính biến động lớn, có thể thấy hệ số P/B của các công ty chứng khoán cũng thường dao động trong một biên độ rất lớn. Nhìn lại lịch sử, lúc thị trường ở giai đoạn cực kỳ khó khăn thì P/B các CTCK hàng đầu có thể chỉ giao dịch với mức 0,8-1,0 lần, nhưng khi thị trường hưng phấn cao độ thì chỉ số này có thể lên đến 3,0-4,0 lần. Điều này đã lặp đi lặp lại vài lần trong năm năm trở lại đây.

Trong góc nhìn của ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích thị trường, CTCK BIDV (BSC), ngành chứng khoán gắn chặt với biến động của thị trường, biến động lãi suất và chu kỳ của nền kinh tế. TTCK đang đi trước chu kỳ kinh tế và chu kỳ tăng điểm của TTCK sẽ còn kéo dài trong 1 đến 2 năm tới.

TTCK nói chung và ngành chứng khoán nói riêng còn động lực tăng trưởng giá. Xét về cơ bản, lợi nhuận của ngành chứng khoán chủ yếu đến từ hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ. Xu hướng thị trường tăng điểm và thanh khoản thị trường duy trì trên 20 nghìn tỷ/phiên là điều kiện quan trọng giúp cho các doanh nghiệp trong ngành có tăng trưởng lợi nhuận bắt kịp đà tăng vốn mạnh trong giai đoạn 2021-2022.

“Mức định giá P/B của ngành chứng khoán thấp hơn mức trung bình của thị trường và dữ liệu quá khứ. Trong vài quý tới, mức định giá này sẽ còn tiếp tục cải thiện, qua đó thu hút dòng tiền của nhà đầu tư”, ông Khoa nêu quan điểm.

CTCK VNDIRECT thì vẫn giữ quan điểm tích cực với triển vọng ngành chứng khoán trong những tháng cuối năm 2023, dựa trên những yếu tố chính: Thứ nhất, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính - chứng khoán, được hưởng lợi từ nhờ mức độ thâm nhập vẫn còn thấp, tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng cao và cam kết của Chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực này. Đây là yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành chứng khoán trong dài hạn.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi thấp sẽ hỗ trợ dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán, qua đó nâng cao thanh khoản và cải thiện kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.

“Kết quả kinh doanh của nhóm Công ty chứng khoán sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024. Kết quả kinh doanh cải thiện sẽ giúp định giá của ngành chứng khoán hấp dẫn hơn nữa trong thời gian tới và kích thích dòng vốn đầu tư từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT cho biết.

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư, Công ty quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, với triết lý có phần đi ngược thị trường nên quỹ thường mua các cổ phiếu chứng khoán tại các giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh về điểm số và thanh khoản, lúc có định giá P/B rất rẻ và chờ đợi thời điểm thị trường hồi phục trở lại.

"Tất nhiên, P/B sẽ không phải là yếu tố duy nhất để chúng ta nhìn vào khi đầu tư vào các cổ phiếu chứng khoán. Còn nhiều các yếu tố khác cần quan tâm như tài sản của công ty chứng khoán đó, lợi thế cạnh tranh dài hạn, mô hình kinh doanh và khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai có bền vững hay không, ROE trong tương lai là bao nhiêu…", ông Nhân nhấn mạnh thêm.

Về dài hạn, VCBF đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển về quy mô và chiều sâu. Điều này là nhờ vào các động lực lớn như tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, sự phổ cập về tài chính ngày càng sâu rộng, môi trường lãi suất thấp, cùng với sự ra đời của nhiều sản phẩm tài chính đa dạng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sở hữu tài khoản chứng khoán tuy có gia tăng đáng kể thời gian vừa qua nhưng vẫn còn ở mức thấp nếu so với các nước khác trong khu vực. Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng ngày càng trở nên minh bạch hơn, tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế, với những nỗ lực cải cách của chính phủ và những thay đổi tích cực của những bên tham gia thị trường. Triển vọng nâng hạng thị trường cũng là một lực đẩy cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Tất cả những động lực trên sẽ tạo ra một môi trường tốt cho các công ty chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành này cũng rất khốc liệt, đặc biệt là về phí", ông Nhân nói.

Lựa chọn linh hoạt để quản trị rủi ro

Ngành chứng khoán có tính chu kỳ rất cao do vậy nhà đầu tư phải có hiểu biết rõ ràng về chu kỳ thị trường cũng như có phương pháp đầu tư linh hoạt và quản trị rủi ro tốt. Thực tế, mỗi một CTCK có một thế mạnh riêng, tuy nhiên một CTCK tốt sẽ có nền tảng môi giới, cho vay margin mạnh. Hoạt động này cũng là nền tảng cho triển khai các dịch vụ khác.

Các CTCK có thị phần môi giới top đầu đều là CTCK hàng đầu có quy mô lớn và tính ổn định cao. Các CTCK nhỏ thường sẽ tập trung vào mảng đầu tư. Tính biến động trong hoạt động đầu tư sẽ ảnh hưởng nhiều đến cổ phiếu. Đầu tư vào các CTCK vừa và nhỏ chỉ phù hợp cho hoạt động mua bán nhanh.

Sau một chu kỳ tăng trưởng nóng về vốn và hoạt động đầu tư, các CTCK có quy mô vốn tăng quá mạnh, hoạt động liên quan đến lĩnh vực rủi ro cao như trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư dàn trải sẽ cần thời gian dài hơn để lấy lại đà tăng trưởng.

Biên lợi nhuận môi giới của 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên HOSE (tính đến hết quý 2)

Biên lợi nhuận môi giới của 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên HOSE (tính đến hết quý 2)

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT, khi đầu tư vào ngành chứng khoán, nhà đầu tư cần phân tích kỹ yếu tố kinh tế vĩ mô, chu kỳ kinh tế và chu kỳ đầu tư vì ngành chứng khoán có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với chu kỳ kinh tế và các cân đối vĩ mô lớn như lãi suất, tỷ giá, lạm phát và các chính sách tiền tệ, tài khóa của Chính phủ.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn đầu tư vào một công ty chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh bền vững nhằm đón đầu xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới; các công ty nắm giữ có ưu thế về nguồn vốn.

"Các công ty có quy mô lớn, có lợi thế về nguồn vốn rẻ và có dư địa tăng vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường sẽ nắm giữ được lợi thế. Ngoài ra, các công ty nắm giữ hệ sinh thái về đầu tư với các sản phẩm đầu tư đa dạng không chỉ đối với đầu tư cổ phiếu, phái sinh mà còn trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, bảo hiểm…", ông Hinh nhận định.

Tin bài liên quan