Cơ chế trọng tài kinh tế tại Việt Nam: Chưa hết bất cập

Cơ chế trọng tài kinh tế tại Việt Nam: Chưa hết bất cập

(ĐTCK) Những bất cập trong việc sử dụng cơ quan phán quyết là trọng tài kinh tế tiếp tục được cộng đồng nhà đầu tư đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018. Trong đó, e ngại lớn nhất vẫn là sự can thiệp của tòa án đối với quá trình tố tụng trọng tài hoặc phán quyết trọng tài.

Hiện Việt Nam có 2 chế định để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là tòa án và trọng tài kinh tế. Chế định trọng tài kinh tế được đánh giá có nhiều ưu điểm do đây là phương thức giải quyết do các bên tự thỏa thuận, được quyền chọn trọng tài viên, phán quyết một lần - chung thẩm...

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các vụ việc được giải quyết qua trọng tài kinh tế còn rất hạn chế. Một khảo sát của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, trong năm 2017, Việt Nam có khoảng 400.000 vụ việc giải quyết tại tòa án, trong đó khoảng 100.000 vụ việc về tranh chấp thương mại và trong số này chưa tới 1% số vụ việc được giải quyết tại trung tâm trọng tài.

Một trong những lý do doanh nghiệp vẫn còn e ngại lựa chọn trọng tài kinh tế là do phán quyết trọng tài vẫn có thể bị hủy bỏ bởi tòa án. Bất cập này được cộng đồng nhà đầu tư đưa ra tại VBF 2018 vừa tổ chức. Theo báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và thương mại, có 2 khía cạnh được quan tâm:

Thứ nhất, về thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Nhóm công tác cho rằng, tòa án Việt Nam thường ban hành các quyết định từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam với các lý do không phù hợp với Công ước New York; thứ hai, tòa án vẫn can thiệp vào tố tụng trọng tài.

Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến chế định trọng tài kinh tế trong việc giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Tại các diễn đàn trước đây, vấn đề này từng được nêu lên nhưng đến nay vẫn chưa có biến chuyển.

Theo báo cáo của Nhóm công tác, sự can thiệp của tòa án Việt Nam không chỉ xảy ra trước khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết (dẫn đến hoạt động tố tụng trọng tài bị chấm dứt), mà còn khiến phán quyết bị hủy bỏ sau khi đã được trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra. Có trường hợp tòa án Việt Nam bác bỏ phán quyết của trọng tài với lý do trái với “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, trong khi tòa án tiến hành xem xét lại tình tiết của vụ việc.

Về thủ tục tố tụng trọng tài, mặc dù các hội đồng trọng tài có thể đề nghị tòa án hỗ trợ trong việc triệu tập nhân chứng hoặc thu thập chứng cứ, nhưng trên thực tế, các tòa án không chủ động hoặc không thực sự hỗ trợ hiệu quả đối với hoạt động tố tụng trọng tài.

Trên thực tế, vẫn có trường hợp tòa án Việt Nam công nhận và cho thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài như vụ việc Công ty Realogy Group LLC yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài đối với CTCP Đầu tư Minh Việt.

Cụ thể, Realogy Group LLC (Hoa Kỳ) ký hợp đồng với Công ty Minh Việt với nội dung trao quyền khai thác độc quyền thương hiệu Coldwell Banker tại Việt Nam, thời hạn kết thúc là ngày 13/6/2013. Do có tranh chấp hợp đồng, Realogy Group LLC đã đưa vụ kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế. Sau đó, Realogy Group LLC có đơn đề nghị công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam và Công ty Minh Việt phải thanh toán tổng số tiền yêu cầu thiệt hại là 559.829 USD.

Căn cứ Công ước New York năm 1958 về công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã chấp nhận đơn yêu cầu thi hành phán quyết đối với Công ty Minh Việt của Realogy Group LLC.

Trong một trường hợp khác, tòa án đã bác yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài như vụ việc tranh chấp giữa Công ty Balance Industry (Hàn Quốc) và CTCP Sản xuất thương mại P.P.

Cụ thể, Công ty P.P ký hợp đồng mua giấy phế liệu từ Balance Industry. Trong quá trình mua bán, hai bên có tranh chấp về chất lượng sản phẩm (độ ẩm của giấy). Sau đó, cả hai đều đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán. Cuối năm 2012, Công ty P.P khởi kiện ra tòa án Việt Nam. Đầu năm 2013, Balance Industry đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).

Công ty P.P đã giải trình với SIAC về việc từ chối tham gia tranh tụng trọng tài do vụ việc đã được tòa án Việt Nam thụ lý. Sau đó, SIAC không mở phiên họp và chỉ xem xét vụ việc trên hồ sơ và đưa ra phán quyết.

Cho rằng SIAC đưa ra phán quyết dựa trên đề nghị đơn phương, trái với quy định của chính SIAC là "trừ khi các bên có thỏa thuận, hội đồng trọng tài sẽ mở phiên tòa kiểm tra chứng cứ", đồng thời vi phạm Điều 370, Luật Tố tụng dân sự khi tự ý chỉ định trọng tài viên, tòa án đã bác yêu cầu của Balance Industry.

Theo quy định hiện hành, các bên đương sự có quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài. Tòa án chỉ xem xét hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp có vi phạm về tố tụng, mà không xem xét giải quyết nội dung vụ việc. Do đó, để tránh trường hợp phán quyết trọng tài bị xem xét lại, các đương sự cần đảm bảo quá trình tố tụng trọng tài tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam có liên quan.

Điều 370, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định 9 trường hợp quyết định của trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, trong đó:

Điểm c, Khoản 1, Điều 370 nêu: Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài nước ngoài, hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình.

Điểm b, Khoản 2, Điều 370 nêu: Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Tin bài liên quan