Dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại Hội thảo “Tín dụng xanh Việt Nam không thể chậm chân với NET ZERO” được tổ chức sáng nay (9/9), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN |
Ngoài ra, Ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các TCTD...
Cụ thể hơn về kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN |
“Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết (NDCs) - một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris”, ông Bắc cho biết.
Đối mặt vướng mắc
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ dự án BIDV cho biết, các TCTD vẫn chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh do Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh như: tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh; quy định về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế...
“Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh”, đại diện BIDV nói.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý để triển khai quản lý rủi ro môi trường - xã hội, tín dụng xanh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Hiện nay, mới chỉ có Luật Bảo vệ môi trường (số 72/2020/QH14) và Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08/2022/NĐ-CP). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang trong quá trình hoàn thiện.
Trong khi đó, ông Hưng cho biết, các cơ chế, khuyến khích của Chính phủ, NHNN khi triển khai cấp tín dụng xanh hiện đang dừng ở mức khuyến khích chung, chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với TCTD có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/kênh tiếp cận nguồn vốn thực sự hiệu quả để các TCTD đẩy mạnh tín dụng xanh.
Ông Hưng chia sẻ: “Hiện nay, phần lớn nguồn vốn huy động của các TCTD là vốn ngắn hạn trong khi nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay”.
Đặc biệt, theo ông Hưng, đội ngũ nhân sự thẩm định tín dụng tại ngân hàng có kinh nghiệm trong thẩm định tín dụng, tuy nhiên còn hạn chế về kiến thức kỹ thuật chuyên ngành về môi trường, các yếu tố xanh và bền vững trong việc triển khai tín dụng xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thường trực ESG của Agribank |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo thường trực ESG của Agribank cho biết, để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững, các giải pháp trọng tâm được Agribank xác định như sau:
Thứ nhất, triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); Xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn …
Thứ hai, ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65-70% tổng dư nợ.
Thứ ba, nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank.
Thứ tư, chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các Bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh… để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số…
Thứ sáu, xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể để tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh; tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động ngân hàng xanh - tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án;…
Từ phía BIDV, ông Hưng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng, định hướng phát triển từng ngành hướng đến mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Trước mắt, sớm ban hành Tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.
Theo ông Hưng, cần có cơ chế khuyến khích áp dụng cho các TCTD khi triển khai cấp tín dụng xanh bao gồm: nghiên cứu đưa ra cơ chế đánh giá ưu tiên đối với các TCTD có thành tích tốt trong hoạt động tín dụng xanh khi đánh giá, xếp loại TCTD. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng có tốc độ, quy mô triển khai cấp tín dụng xanh, có đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
“Hỗ trợ tái cấp vốn ưu đãi hoặc tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các định chế quốc tế để các TCTD gia tăng thêm nguồn vốn giá rẻ để tài trợ cho nhu cầu tín dụng xanh. Và giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với các khoản vay tài trợ dự án xanh, tương tự như cơ chế áp dụng cho khoản vay mua nhà ở xã hội tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN”, ông Hưng nói.