Cơ chế trần giá dầu làm tăng thêm áp lực tài chính đối với Nga

Cơ chế trần giá dầu làm tăng thêm áp lực tài chính đối với Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những hạn chế mới của phương Tây đối với dầu thô của Nga có thể không ảnh hưởng đến ngân sách công của Nga ngay lập tức, nhưng chúng sẽ gây thêm áp lực tài chính đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ đang bị trừng phạt của nước này.

Vào ngày 5/12, các quốc gia phương Tây đã áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga ra quốc tế. Các biện pháp bao gồm lệnh cấm vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu và Anh. Trong khi đó, G7 đã áp đặt trần giá bằng cách cấm các công ty phương Tây bảo hiểm, cấp vốn hoặc vận chuyển dầu thô của Nga ở mức giá trên 60 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, ngưỡng 60 USD/thùng nằm giữa hai tiêu chuẩn quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Mức giá này vẫn cao hơn chi phí sản xuất ước tính của Nga ở mức 40 USD/thùng. Điều đó có nghĩa là Nga vẫn có thể thu được lợi nhuận từ hầu hết lượng dầu xuất khẩu của mình. Loại dầu thô chính của Nga là Urals hiện đang được bán với giá dưới 50 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, mức giá 60 USD/thùng thấp hơn giá hòa vốn tài chính của Nga là trên 70 USD/thùng, đây cũng là mức giá mà các nhà phân tích cho rằng Nga cần phải cân bằng ngân sách. Vì vậy, ngay cả khi giá dầu thô của Nga tăng lên mức trần, thì doanh thu của Nga vẫn không đủ để trang trải tất cả các chi phí, khiến thâm hụt ngân sách của nước này gia tăng và có khả năng dẫn đến những khoản cắt giảm lớn hoặc giảm quỹ dự phòng của Nga.

Liam Peach, chuyên gia kinh tế cao cấp về các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết: “Tài chính công sẽ vẫn chịu áp lực và ngân sách sẽ tiếp tục thâm hụt, đòi hỏi chính phủ phải duy trì chính sách thắt chặt tài khóa”.

Ngành năng lượng của Nga vốn đang chịu áp lực nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế tài trợ và nhập khẩu các công nghệ chủ chốt, và sẽ tiếp tục chịu tác động từ các biện pháp mới. Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng dòng dầu của họ sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác, các nhà phân tích và quan chức Nga cho rằng sản lượng sẽ giảm vì thị trường lớn nhất của Nga là EU đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu của Nga và các chủ hàng cũng gặp khó khăn trong việc mua bảo hiểm.

George Voloshin, chuyên gia về năng lượng của Nga cho biết: “Tôi cho rằng sẽ có nhiều rủi ro hơn trong tương lai, khiến dầu thô của Nga thậm chí còn khó khăn hơn. Với số lượng mà Nga cần xuất khẩu để duy trì trật tự tài chính của mình, tất cả những vấn đề này chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm sản xuất”.

Sự không chắc chắn xung quanh mức trần giá và tác động của nó đối với Nga đã đẩy giá dầu thô của Nga xuống thấp hơn trong những tháng gần đây.

Công ty cung cấp dữ liệu năng lượng Argus Media cho biết, giá dầu thô Urals xuất khẩu từ cảng Primorsk trên Biển Baltic đã giảm xuống còn khoảng 47,9 USD/thùng vào ngày 5/12, giảm khoảng 30% so với đầu tháng 11. Đó là mức chiết khấu đáng kể so với giá dầu Brent đang giao dịch trên mức 78 USD/thùng.

Cũng vào ngày 5/12, Nga cho biết họ đang tìm cách đáp trả các biện pháp trừng phạt này. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, mức trần giá sẽ không ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Hôm thứ Ba (6/12), Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết rằng, Nga có thể cắt giảm một số lượng nhỏ sản lượng dầu và điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình trong bối cảnh EU cấm vận sau lệnh trừng phạt. Ông cho biết, Nga có kế hoạch đưa ra cơ chế cấm các công ty Nga bán dầu cho các quốc gia tuân thủ trần giá vào cuối năm 2022.

“Tuy nhiên, chúng tôi không coi đây là một bi kịch, các công ty sẽ tìm ra cơ chế tương tác với nhau để bán các sản phẩm phù hợp”, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết.

Ngay cả trước khi phương Tây đồng ý về mức trần giá, chính phủ Nga đã lên kế hoạch cho thâm hụt ngân sách trong ba năm tới và cho biết họ sẽ khai thác quỹ tài sản quốc gia để thu hẹp khoảng cách. Vào tháng 10, doanh thu từ thuế năng lượng đối với tập đoàn năng lượng Gazprom PJSC của Nga đã giúp ngân sách không bị thâm hụt trong năm nay.

Theo Elina Ribakova, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cơ chế áp trần giá dầu có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của Nga lên 3,1% tổng sản phẩm quốc nội vào năm tới từ mức 2% theo kế hoạch.

Một câu hỏi lớn là mức trần giá sẽ hiệu quả như thế nào trong thực tế. Đây là một công cụ thị trường chưa được thử nghiệm và được thiết kế để hạn chế doanh thu của Nga trong khi vẫn giữ đủ lượng dầu của nước này chảy để ngăn chặn bất kỳ đợt tăng giá lớn nào.

Có nhiều cách để Nga chuyển hướng xuất khẩu và phá vỡ các biện pháp trừng phạt. Các công ty vận chuyển đã tích lũy một đội tàu được gọi là tàu chở dầu ngầm, mà các công ty kinh doanh hàng hoá cho biết các nhà sản xuất Nga có thể sử dụng để vận chuyển dầu của họ. Nga cũng đã cố gắng thành lập các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong nước.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng, tổng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày vào năm tới do nhiều quốc gia từ chối mua dầu từ Nga. Theo IEA, Nga đã sản xuất trung bình khoảng 11 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Điều này làm phức tạp thêm các vấn đề dài hạn đã gây khó khăn cho ngành năng lượng Nga do các lệnh trừng phạt và sự rút lui của các công ty năng lượng phương Tây trong năm nay.

Jason Bush, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Eurasia Group cho biết: “Nếu Nga không thể bán hết sản lượng dầu của mình, điều này sẽ làm giảm động lực cho ngành dầu mỏ đầu tư vào sản xuất mới và mở các mỏ mới. Nếu không có các mỏ mới mở ra, sản lượng dầu của Nga sẽ liên tục giảm do sản lượng từ các mỏ trưởng thành giảm”.

Tuần trước, các nhà phân tích tại Rystad Energy ước tính rằng, các khoản đầu tư vào thăm dò và khoan ở Nga sẽ giảm xuống còn 35 tỷ USD vào năm 2022, giảm so với kỳ vọng 50 tỷ USD trước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang và 45 tỷ USD vào năm ngoái.

Rystad Energy cho biết, đầu tư giảm sẽ dẫn đến giảm các quyết định đầu tư cuối cùng và buộc các nhà khai thác phải đưa ra quyết định khó khăn về vấn đề chi tiêu.

Swapnil Babele, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến ngành dầu khí của Nga phải trả giá đắt, với các khoản đầu tư vào dự án bị ảnh hưởng đáng kể. Năm nay có vẻ sẽ là khởi đầu của một đợt sụt giảm kéo dài nhiều năm, điều này sẽ khiến những năm Covid trở nên nhạt nhòa khi so sánh”.

Tin bài liên quan