Tuy nhiên, đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nên các rào cản gia nhập ngành và hành lang pháp lý điều chỉnh tương đối cao, phức tạp và đã được xây dựng, điều chỉnh cho hoạt động của các định chế tài chính truyền thống.
Sự xuất hiện của mô hình Fintech đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định điều chỉnh hoạt động này, trong khi việc ban hành các quy định theo quy trình truyền thống dường như không khả thi khi so sánh với tốc độ phát triển cũng như sự thay đổi của nền tảng công nghệ và mô hình kinh doanh. Khi đó, không gian thử nghiệm pháp lý (regulatory sandbox) là một giải pháp cần được xem xét. Bài viết này đề cập đến một số thách thức và những lưu ý để việc xây dựng cơ chế thử nghiệm phù hợp hơn cho các doanh nghiệp Fintech.
Chỉ lĩnh vực ngân hàng hay liên ngành tài chính - ngân hàng?
Các công ty Fintech có thể hoạt động trong nhiều mảng của ngành tài chính - ngân hàng như bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…, thậm chí là quản lý tài sản, mua chung bất động sản…, với mục tiêu đáp ứng toàn diện nhu cầu tài chính của người dùng và trở thành “super app” - nơi tất cả dịch vụ tài chính cùng tích hợp trong một ứng dụng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Nếu các lĩnh vực trong liên ngành tài chính - ngân hàng bị chia nhỏ thành nhiều cơ chế thử nghiệm, doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn khi áp dụng.
Nguy cơ hiện hữu là nhiều dịch vụ mới vẫn thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, nhưng không được tiến hành thử nghiệm, hoặc có thể phải thử nghiệm theo một cơ chế khác. Hơn nữa, nhiều cơ chế thử nghiệm đồng nghĩa với việc có nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng quản lý doanh nghiệp.
Cách tiếp cận theo từng lĩnh vực như vậy sẽ gây lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp và tạo ra nguy cơ chồng lấn, không đồng nhất về cơ chế quản lý hoạt động thử nghiệm.
Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm
Sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ Fintech cho thấy các nhu cầu khác nhau trong thiết lập cơ chế thử nghiệm. Một số sản phẩm, dịch vụ đã hoạt động ở thị trường nhiều năm, nhưng có lẽ cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự biết cần quản lý hoạt động này như thế nào. Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới lại cần môi trường thử nghiệm với thị trường để xác định hiệu quả thực tế. Do vậy, việc thiết kế cơ chế thử nghiệm sẽ cần đáp ứng nhiều mục tiêu của các đối tượng khác nhau, chẳng hạn:
- Thử nghiệm tập trung vào sản phẩm, dịch vụ: Đánh giá khả năng tồn tại trên thị trường của mô hình kinh doanh mới khi hoạt động trong môi trường thực tế. Các tiêu chí với trường hợp này sẽ đề cao tính mới và sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ.
- Thử nghiệm tập trung vào chính sách: Đánh giá tính phù hợp, khả thi của các quy định pháp lý hoặc chính sách quản lý. Tiêu chí với trường hợp này lại chú trọng đến tính an toàn và các biện pháp quản lý rủi ro.
Có thể, cơ quan nhà nước cần xem xét việc xây dựng các cơ chế thử nghiệm khác nhau cho các mô hình kinh doanh khác nhau, tùy theo nhu cầu và mục tiêu thử nghiệm.
Không thử nghiệm: Nhìn từ trường hợp của Grab
Đặc trưng của cơ chế thử nghiệm là giới hạn về quy mô thử nghiệm, bao gồm không gian, thời gian, số lượng người sử dụng… Việc giới hạn là cần thiết để đảm bảo việc thử nghiệm được kiểm soát chặt chẽ và nếu có vấn đề xảy ra cũng không gây ảnh hưởng lớn lên cả hệ thống.
Cần lưu ý rằng, tham gia vào cơ chế thử nghiệm, trong nhiều trường hợp, là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt với các mô hình kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác trước khi vào Việt Nam. Một số ý kiến quan ngại rằng, việc này có thể tạo ra ưu thế thị trường cho một vài doanh nghiệp, gây bất bình đẳng trong kinh doanh.
Lấy trường hợp của Grab làm ví dụ. Đề án 24 (Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải ngày 7/1/2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) cho phép thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, như vậy bao gồm cả 2 đầu cầu kinh tế lớn nhất cả nước.
Việc thí điểm được thực hiện trên thực tế tại 4/5 địa phương (trừ Đà Nẵng). Kết quả, số lượng phương tiện tham gia thí điểm Grab lớn hơn 1,17 lần so với số phương tiện của tất cả các đơn vị vận tải truyền thống. Việc được cấp phép chính thức trước các đối thủ khác cũng góp phần giúp ứng dụng này chiếm lĩnh thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam, bỏ xa các đối thủ khác cùng lĩnh vực.
Kết quả trên là có thể hiểu được trong bối cảnh thị trường kinh tế số Việt Nam phát triển không đồng đều và chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn nhất cả nước (TP.HCM và Hà Nội). Do vậy, việc xác định giới hạn quy mô thử nghiệm về không gian cho từng trường hợp là điều cần được lưu ý khi quyết định cấp phép cơ chế thử nghiệm.
Sự xuất hiện của mô hình Fintech đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định điều chỉnh hoạt động này.
Số lượng doanh nghiệp tham gia thử nghiệm
Cơ chế thử nghiệm thường giới hạn việc tham gia của các doanh nghiệp bằng cách ấn định số lượng tham gia. Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, sẽ không có đủ ngân sách cho phép quá nhiều doanh nghiệp cùng mô hình kinh doanh tham gia cơ chế thử nghiệm.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn số lượng tham gia sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp được và không được tham gia. Điều này vô hình trung tạo ra “người thắng” và “kẻ thua” khi chưa bắt đầu cuộc đua, bởi doanh nghiệp được chọn tham gia thử nghiệm, ở một góc độ nào đó, được coi như nhận được sự công nhận từ Nhà nước và lợi thế này giúp doanh nghiệp có ưu thế hơn so với các đối thủ trong việc gọi vốn đầu tư hoặc thu hút người sử dụng.
Trong trường hợp giới hạn số lượng, có thể xuất hiện cạnh tranh giành cơ hội tham gia cơ chế thử nghiệm giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Việc này đòi hỏi cơ chế thử nghiệm cần minh bạch, rõ ràng trong việc xét duyệt và chấp thuận doanh nghiệp nào được hay không được thử nghiệm nhằm đảm bảo sự công bằng và hạn chế nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra.
Gia hạn thử nghiệm và câu chuyện hoàn thiện hệ thống pháp luật
Hoạt động trong cơ chế thử nghiệm chỉ là giai đoạn “tạm thời” trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý. Do vậy, một yêu cầu đặt ra sau giai đoạn thử nghiệm là ban hành được các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đó. Tuy nhiên, việc này có thể gặp phải một số thách thức sau:
- Quy trình xây dựng pháp luật: Cách thức thông thường (không theo trình tự, thủ tục rút gọn) thường tốn khá nhiều thời gian, khoảng 2-3 năm với văn bản cấp luật, 1-2 năm với văn bản cấp nghị định;
- Vướng trần văn bản cao hơn: Trong một số trường hợp, cần sửa đổi từ quy định cấp luật để giải quyết hết vướng mắc liên quan đến mô hình kinh doanh mới. Khi đó, thời gian ban hành sẽ lâu hơn nhiều do cơ quan soạn thảo hoặc phải “co kéo” để vừa với quy định hiện hành, hoặc phải đề xuất sửa luật;
- Tính chất phức tạp trong việc thiết lập các quy định dành cho mô hình kinh doanh mới: Việc soạn thảo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải là một ví dụ. Dù được soạn thảo gần như cùng thời điểm với cơ chế thí điểm, song nghị định này vẫn cần tới 4 năm với 12 lần chỉnh sửa mới có thể được thông qua. Lúc này, thời hạn thí điểm ban đầu đã hết hạn 2 năm.