Cơ chế mới “làm nóng” cổ phần hóa

Cơ chế mới “làm nóng” cổ phần hóa

(ĐTCK) Những chuyển biến mới cả về cơ chế, chính sách, lẫn thị trường cho thấy, tiến trình cổ phần hóa (CPH) đang có cơ hội được “làm nóng” trở lại.

Gỡ nút thắt

Báo cáo của Chính phủ trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra cho thấy, 9 tháng đầu năm 2013, cả nước CPH được 41 DN. Đây là kết quả khá tích cực nếu so với con số chỉ có 13 DN được CPH trong năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 1.254 DNNN đang tồn tại, trong đó nhiều DN, bao gồm cả các “ông lớn” như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)… thuộc diện CPH, nhưng chưa thể triển khai theo đúng lộ trình, đang khiến giới đầu tư và các chuyên gia không khỏi sốt ruột, vì tiến trình CPH đã bị để “nguội” khá lâu.

Đi tìm lý do giải thích cho tình trạng CPH đang chậm trễ cho thấy, ở vai trò là những đối tượng tham gia vào quá trình CPH, cả DN lẫn cơ quan quản lý đều gặp nhau trong việc nêu ra các điểm nghẽn lớn là: thiếu cơ chế xử lý vướng mắc trong giải quyết công nợ; bất cập của cơ chế xác định giá trị đất đai, nhất là định giá lợi thế vị trí địa lý; phương án xử lý các đơn vị sự nghiệp có thu khi xác định giá trị DN là công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty…

Cơ chế mới “làm nóng” cổ phần hóa ảnh 1

Dự kiến cuối quý IV/2013, hoặc chậm nhất là đầu năm 2014, Vinatex sẽ hoàn thành IPO...

Thực ra, ở góc độ thị trường, giới đầu tư và các chuyên gia đã nhận diện rõ những bất cập trên ngay từ sau khi áp dụng Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, họ phải đợi gần 2 năm sau mới được chứng kiến những bất cập trên được sửa đổi, khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 189/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011, có hiệu lực từ ngày 15/1/2014.

Về hướng giải quyết vướng mắc trong xử lý công nợ, Nghị định 189/2013 quy định, tại thời điểm DN CPH được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ vẫn chưa được đối chiếu, xác nhận, thì đối với nợ phải trả, DN đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ, nhưng không xác nhận được chủ nợ, thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước tương ứng và công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi chủ nợ yêu cầu...

Đối với nợ phải thu, DN đã làm thủ tục đối chiếu, nhưng vẫn chưa đối chiếu được, thì phải xử lý trách nhiệm bồi thường đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Giá trị khoản nợ còn lại sau khi bù trừ khoản bồi thường của các bên liên quan, quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi, được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN CPH…

Một điểm mới khác của Nghị định 189/2013 là các quy định liên quan đến việc xử lý những bất cập cho khâu xác định giá trị đất đai, trong đó hóc búa nhất là xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất. Theo đó, trường hợp diện tích đất DN được giao bao gồm cả diện tích sử dụng cho các hoạt động sản xuất cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích, phúc lợi công cộng như: công viên cây xanh, môi trường đô thị, bến bãi xe khách… không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, thì được loại trừ những diện tích này khi xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN CPH…

Ngoài hình thức giao đất, DN CPH được thực hiện hình thức thuê đất và không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý khi xác định giá trị DN. 

Để giải quyết bế tắc trong quá trình xác định giá trị DN, nhất là đối với các trường hợp CPH là công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty khi các đơn vị này có nhiều công ty con là các đơn vị sự nghiệp có thu như: bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu…, Nghị định 189/2013 quy định, trường hợp công ty CPH tiếp tục kế thừa, thì phải tổ chức định giá tính vào giá trị DN CPH.

Trường hợp DN CPH không kế thừa, thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển giao cho các bộ, ngành liên quan để thực hiện xã hội hóa…

 

Chuyển động từ thị trường

Diễn biến từ thị trường cho thấy, tiến trình CPH, nhất là CPH các “ông lớn” đang có tín hiệu được hâm nóng trở lại. Một tổng công ty nhà nước vừa hoàn tất chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua đấu giá trên Sở GDCK Hà Nội, là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

Theo đó, DN này đã bán được hơn 1,9 triệu cổ phần cho 765 NĐT cá nhân trong tổng số hơn 5,6 triệu cổ phần đưa ra bán đấu giá…

Với những bước triển khai đến thời điểm này, theo ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, dự kiến cuối quý IV/2013, hoặc chậm nhất là đầu năm 2014, Vinatex sẽ hoàn thành IPO...

Theo phương xác định giá trị DN được Bộ Công thương phê duyệt, Vinatex sau CPH có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó bán 49% cổ phần ra bên ngoài, còn lại Nhà nước nắm giữ… Sau nhiều lần lỗi hẹn IPO với thị trường, giới đầu tư kỳ vọng  Vinatex sẽ cán đích IPO trong năm nay.

Một phương án CPH khác cũng thu hút giới đầu tư, nhất là khối ngoại quan tâm là “ông lớn” VNA, khi gần đây khá rốt ráo trong thoái vốn đầu tư tại các đối tác, trong đó có Techcombank. Được biết, các đơn vị tư vấn đang tích cực hỗ trợ VNA trong hoàn tất phương án IPO trước khi công bố ra thị trường…

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhận định, sắp tới tiến trình CPH sẽ sôi động trở lại, bởi cùng với bối cảnh vĩ mô đang có thêm diễn biến tích cực, một loạt quy định mới của Nghị định 189/2013 và một điểm mới nữa về cơ chế bán vốn Nhà nước đã định hình tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), có hiệu lực từ ngày 20/12/2013, là SCIC được bán vốn Nhà nước dưới mệnh giá…

Thực tế, bên cạnh nhiều DN quy mô nhỏ đang triển khai kế hoạch CPH, một số tập đoàn, tổng công ty cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để IPO…

>>Cổ phần hóa các “ông lớn” lại chậm

>>Đề xuất giải pháp "làm nóng" cổ phần hóa

>>Cổ phần hóa: Lên lịch nhiều, lỗi hẹn lắm