Giao dịch mua bán chứng khoán thông thường
Đa số các TTCK như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan... đều không có quy định bắt buộc nhà đầu tư phải có đủ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thẩm quyền xem xét tỷ lệ tiền cần có của nhà đầu tư trước khi đặt lệnh mua chứng khoán do công ty chứng khoán (CTCK) quyết định.
Đối với giao dịch bán chứng khoán thông thường, nhà đầu tư phải đảm bảo ký quỹ đủ 100% chứng khoán trước khi bán. Đây là thông lệ chung của các nước, nhưng một số quốc gia có xu hướng rất mở trong yêu cầu ký quỹ chứng khoán trước khi bán, điển hình là Singapore đã cho phép cả bán khống không có bảo đảm (nghĩa là nhà đầu tư không phải thực hiện ký quỹ chứng khoán trước khi bán, không cần vay trước chứng khoán để bán).
Singapore cũng không yêu cầu nhà đầu tư phải có khoản ký quỹ ban đầu hay duy trì khi thực hiện lệnh bán khống. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ chứng khoán để thực hiện nghĩa vụ chuyển giao trước thời điểm thanh toán. Nếu không thực hiện nghĩa vụ, CTCK phải đứng ra thanh toán cho khách hàng. Chế tài xử phạt đối với nhà đầu tư vi phạm nghĩa vụ chuyển giao chứng khoán tại Singapore rất nghiêm khắc.
Giao dịch ký quỹ
Đối với giao dịch mua ký quỹ, tức mua chứng khoán có sử dụng hạn mức tín dụng của CTCK, quy định của các nước không có nhiều khác biệt (như yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện giao dịch trên tài khoản riêng biệt - tài khoản margin, yêu cầu nộp tài sản ký quỹ ban đầu trước khi đặt lệnh theo tỷ lệ quy định và có phải đáp ứng tỷ lệ ký quỹ duy trì...).
Riêng tỷ lệ ký quỹ thì mỗi thị thường là khác nhau. Chẳng hạn, tại Đài Loan, nhà đầu tư khi ký quỹ tiền được phép mua chứng khoán với giá trị bằng 2,5 lần giá trị khoản ký quỹ và khi ký quỹ bằng chứng khoán, nhà đầu tư có thể mua chứng khoán với giá trị bằng 1,5 - 2 lần giá trị khoản ký quỹ.
Đối với giao dịch bán ký quỹ (giao dịch vay chứng khoán từ CTCK để bán - giao dịch bán khống có bảo đảm), đa số thị trường có quan điểm cho phép bán khống, nhưng có quản lý. Các quốc gia thường chỉ cấm bán khống trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như Mỹ, Canada, Anh, Ý, Nga..., mà chủ yếu là cấm bán khống đối với các cổ phiếu tài chính (trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008).
Các nước thường cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán mà họ không sở hữu nếu họ dàn xếp được thỏa thuận vay chứng khoán với CTCK, hoặc với bên thứ ba. Để thực hiện giao dịch này, cơ quan quản lý các nước thường yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi đặt lệnh bán khống chứng khoán.
Tỷ lệ ký quỹ theo quy định của cơ quan quản lý cũng như của CTCK. Như Ủy ban Chứng khoán Mỹ yêu cầu ký quỹ tối thiểu là 50% giá trị giao dịch bán khống. Ngoài yêu cầu về khoản ký quỹ ban đầu, người bán khống còn phải tuân thủ quy định về ký quỹ duy trì.
Quy định của Việt Nam và một số khuyến nghị sửa đổi
Việt Nam đang quản lý yêu cầu ký quỹ trước giao dịch khá chặt chẽ. Về yêu cầu ký quỹ tiền trước giao dịch mua chứng khoán thông thường, hiện nay chỉ còn một số ít TTCK như Việt Nam, Kenya, Kazakhstan, Bosnia, Herzegovina có yêu cầu “cứng” trong văn bản pháp quy về việc nhà đầu tư phải ký quỹ đủ 100% tiền trước giao dịch. Điều này làm giảm cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư khi họ không thể dùng tiền của chính mình trong chu kỳ thanh toán.
Nhà đầu tư đã bỏ ra một số tiền rất lớn vào ngày giao dịch - ngày T, nhưng phải đợt đến 2 ngày làm việc sau đó, chứng khoán mua mới về tài khoản. Đây là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài đánh giá TTCK Việt Nam chưa có hệ thống thanh toán DVP chuẩn quốc tế (chứng khoán và tiền được chuyển giao đồng thời).
Chưa kể, thời gian chuyển đổi ngoại tệ tại Việt Nam được đánh giá là khá dài so với các nước trong khu vực (ví dụ, một nhà đầu tư Nhật Bản mất 2 - 3 ngày mới có thể chuyển đổi tiền Đồng thành tiền Yên, trong khi họ chỉ mất 1 ngày tại Trung Quốc để chuyển đổi từ Tệ sang Yên).
Có nghĩa là để có sẵn tiền trước khi giao dịch chứng khoán tại TTCK Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải sẵn sàng một khoản tiền trước tối thiểu 5 ngày làm việc (bao gồm cả thời gian chuyển đổi ngoại tệ và chênh lệch múi giờ) so với ngày chính thức được nhận chứng khoán về tài khoản. Trong khi đó, họ chưa có được cơ chế phòng ngừa rủi ro về tỷ giá tại Việt Nam.
Để khắc phục hạn chế trên và tối ưu hóa nguồn vốn của nhà đầu tư, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 203/2015/TT-BTC đã cho phép trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký và mở tài khoản giao dịch tại CTCK, nhà đầu tư được đặt lệnh mua và CTCK được thực hiện lệnh mua khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các quy định trên chưa đi vào thực tế do pháp luật ngân hàng, cụ thể là Khoản 2, Điều 14, Thông tư số 36/2014/TT-BTC quy định: “Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc trên cơ sở bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác; không được cấp tín dụng trung hạn, dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”.
Do đó, cơ quan quản lý TTCK (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCK) cần có cơ chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để giúp nhà đầu tư được thực hiện các hình thức như bảo lãnh thanh toán trong giao dịch chứng khoán. Trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi cũng cần cân nhắc việc chuyển từ ký quỹ 100% tiền trước khi giao dịch sang ký quỹ một phần (như Ấn Độ), hoặc không yêu cầu ký quỹ như đa số TTCK hiện nay.
Đối với giao dịch mua ký quỹ, theo quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, nhà đầu tư nước ngoài không được sử dụng giao dịch margin. Nguyên nhân là do Thông tư 45/2011/TT-NHNN chỉ cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với bên vay nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Vì thế, đối với các giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài không thể vay hay dùng các hình thức như thấu chi để thực hiện mua chứng khoán.
Ngoài ra, Việt Nam đang áp đặt một danh sách các chứng khoán được giao dịch ký quỹ. Trên thế giới, chỉ một số ít thị trường như Đài Loan có danh sách chứng khoán được phép ký quỹ. Bởi lẽ, việc áp đặt danh sách này không thật sự hợp lý, vì nhà đầu tư nhìn nhận và đánh giá tiềm năng của cổ phiếu trên nhiều yếu tố, kể cả những cổ phiếu tạm thời kết quả kinh doanh bị lỗ.
Mặt khác, theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/1/2017 ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ thì danh sách các chứng khoán bị đưa ra khỏi danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ còn quá rộng (như các chứng khoán của công ty bị vi phạm pháp luật về thuế, kể cả mức độ vi phạm rất nhỏ như kê khai không đúng mẫu biểu).
Chính vì thế, danh sách chứng khoán được giao dịch margin cần được cơ quan quản lý xem xét theo hướng mở rộng hơn, phù hợp hơn. Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc nới lỏng chính sách tín dụng với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép họ vay mua, đầu tư chứng khoán; có cơ chế giúp nhà đầu tư nước ngoài hạn chế rủi ro về tỷ giá như được giao dịch các hợp đồng phái sinh tiền tệ đơn giản.
Về ký quỹ chứng khoán trước khi bán, theo quy định tại Thông tư số 203/2015/TT-BTC, nhà đầu tư phải ký quỹ đủ 100% chứng khoán trước khi bán, mặc dù Luật Chứng khoán đã quy định nghĩa vụ của CTCK “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Đến nay, chỉ có trái phiếu Chính phủ là có cơ chế vay để bán theo quy định tại Thông tư 10/2017/TT-BTC. Đối với bán khống cổ phiếu, Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể.
Một vấn đề khác, Khoản 1, Điều 7, Thông tư số 203/2015/TT-BTC cho phép nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán giao dịch chờ về. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã xây dựng hệ thống vay và cho vay chứng khoán. Tuy nhiên, vì lý do kỹ thuật, Việt Nam chưa triển khai các giao dịch này. Đây có thể được coi là các giao dịch “bán khống kỹ thuật”, là tiền đề quan trọng để triển khai thử nghiệm giao dịch bán ký quỹ (bán khống có bảo đảm bằng nguồn vay của CTCK).
Ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh Việt Nam đã được đưa vào hoạt động. Dự kiến, tháng 11/2017, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ chính thức được đưa vào triển khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Đối với TTCK phái sinh, chứng quyền, việc sử dụng bán khống kết hợp với vị thế mua chứng quyền bán sẽ tạo ra những chiến lược đa dạng để nhà đầu tư có cơ hội thu lợi nhuận, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình quản lý danh mục, đặc biệt với các quỹ đầu tư lớn. Do vậy, nhằm góp phần phát triển TTCK phái sinh, chứng quyền, cũng như hoạt động của các quỹ đầu tư, cần nghiên cứu và cho phép triển khai bán khống.
Từ thực tiễn pháp lý và hoạt động của TTCK các nước cho thấy, đa phần các quốc gia áp dụng mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho cả TTCK cơ sở và TTCK phái sinh để phòng ngừa rủi ro thanh toán, bỏ quy định về ký quỹ tiền trước giao dịch mua chứng khoán thông thường và tuân thủ nguyên tắc DVP đầy đủ. Theo đó, nhà đầu tư chỉ phải có đủ tiền mua chứng khoán vào ngày thanh toán, mà không cần có tiền tại ngày đặt lệnh giao dịch.
Bên cạnh đó, nhiều TTCK phát triển cho phép triển khai bán khống, nhằm tăng công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Thời gian tới, trong khuôn khổ nghiên cứu để sửa đổi Luật Chứng khoán, Việt Nam có thể xem xét khả năng cho phép mở rộng yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch chứng khoán trên thị trường cơ sở, bao gồm việc tháo gỡ các quy định về yêu cầu phải ký quỹ đủ 100% tiền mua chứng khoán khi đặt lệnh, cho phép hình thức bán ký quỹ, mà bước đầu là triển khai các hình thức bán khống kỹ thuật để phục vụ cho các giao dịch mua bán trong ngày (bán khống chứng khoán và mua lại trong ngày), bán chứng khoán đã khớp lệnh mua và đang trên đường về tài khoản, bán cổ phiếu sẽ có được từ việc thực hiện quyền chọn hoặc trái phiếu chuyển đổi.