Ông có thể cho biết, đối tượng DN nào sẽ phải thực hiện báo cáo PCRT theo quy định của pháp luật?
Theo quy định của Luật PCRT, Nghị định 116 hướng dẫn quy định một số điều về Luật PCRT, đối tượng áp dụng cơ chế báo cáo PCRT bao gồm: các tổ chức tín dụng; tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản; tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành DN; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của DN cho bên thứ ba; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông...
Trên thực tế, tội phạm sẽ khiến tiền “bẩn” (tiền do phạm tội mà có) quay ngược trở lại lưu thông trên thị trường thông qua việc tác động vào những tổ chức có thể thực hiện ý đồ đó như ngân hàng hay công ty kinh doanh bất động sản, nơi mà tội phạm sẵn sàng chấp nhận chi trả chi phí cao, để từ đó, nguồn tiền này dễ dàng quay ngược trở lại thị trường. Đây là hoạt động phổ biến. Chính vì vậy, quy định tại Luật PCRT đặt ra những cơ chế nhận biết, báo cáo, lưu giữ thông tin khách hàng… là một trong những biện pháp chính thực hiện PCRT.
Luật sư Trần Minh Hải
Cụ thể hơn, cơ chế PCRT có những hình thức, thể loại gì, thưa ông?
Pháp luật quy định nhiều đối tượng DN phải thực hiện cơ chế nhận biết khách hàng. Ví dụ, tổ chức tài chính bắt buộc phải lưu giữ thông tin về khách hàng khi đến giao dịch như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; sổ thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và ở Việt Nam…
Theo quy định của Luật PCRT, có 2 dạng báo cáo thuộc cơ chế phòng chống rửa tiền: báo cáo các giao dịch có giá trị lớn và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Theo quy định, những DN liên quan nếu rơi vào các trường hợp báo cáo giao dịch trên, phải ngay lập tức gửi báo cáo đó đến cơ quan PCRT trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đối với báo cáo có giá trị lớn, Luật PCRT giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một mức giá trị lớn và theo Quyết định của Thủ tướng hiện nay về xác định mức giá trị giao dịch lớn cần phải báo cáo là 300 triệu đồng trở lên. Theo quy định này, các ngân hàng, DN có giao dịch phát sinh khoản tiền như vậy phải lập và gửi báo cáo giao dịch giá trị lớn đến cơ quan PCRT trực thuộc NHNN.
Còn với báo cáo giao dịch đáng ngờ được xếp vào từng thể loại theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Mỗi lĩnh vực có những quy định riêng trong trường hợp nào bị coi là đáng ngờ.
Chẳng hạn, trong ngân hàng, khi khách hàng có đột biến trong giao dịch tài khoản tiền gửi vào hoặc rút ra nhanh trong ngày, nhưng số dư cuối ngày rất nhỏ, thậm chí bằng 0, hoặc giao dịch với giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau cùng chuyển về một tài khoản và chuyển ngược lại trong một thời gian ngắn…
Hay trong kinh doanh bảo hiểm, khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm lớn mà thanh toán trọn gói một lần, thậm chí đối với cả những sản phẩm bảo hiểm không áp dụng trọn gói... Còn trong casino, khách hàng cố tình liên tục thua cuộc, hay người mua lại vé trúng thưởng của người khác… Với giao dịch bất động sản, đó là việc ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý, mua bán không quan tâm đến giá trị bất động sản, phí giao dịch… Tất cả đều được xếp vào diện những giao dịch đáng ngờ.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, không phải tổ chức, DN nào cũng phải báo cáo về những giao dịch này, mà chỉ là những tổ chức, DN được pháp luật quy định như đã đề cập ở trên mới có trách nhiệm báo cáo.
Một số DN thuộc đối tượng phải báo cáo PCRT cho rằng, quy định trên tồn tại nhiều bất cập, theo ông nguyên do từ đâu?
Thực tế cho thấy, các quy định về PCRT gây những phiền hà không đáng có cho DN. Thứ nhất, cơ chế phối hợp về mẫu biểu, cũng như quy trình thủ tục để báo cáo giữa các tổ chức trong diện phải báo cáo với Cục PCRT (NHNN) không dễ dàng, thuận tiện. Trong khi đó, thực tế hoạt động kinh doanh rất rộng mở, nhưng khâu hỗ trợ tuyên truyền hướng dẫn áp dụng Luật PCRT từ phía cơ quan có thẩm quyền gần như là không có. Đối với DN, hầu như đây là nghĩa vụ phải chủ động, trong khi thực tế, đa phần các DN thiếu chú ý và quan tâm thực thi.
Thứ hai, có những điểm bất cập trong quy trình quy định về PCRT. Ví dụ, quy định DN phải báo cáo giao dịch có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên. Thực tế, quy định này nhằm mục đích giúp cơ quan PCRT biết được có giao dịch đó và kiểm soát khi cần thiết. Đối với những giao dịch mà DN thuộc đối tượng báo cáo thực hiện bằng phương thức chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, theo quy định về PCRT, ngân hàng đều phải thực hiện báo cáo về các giao dịch có giá trị đến 300 triệu đồng. Thậm chí, mỗi ngân hàng đều có cơ chế quản lý trực tuyến mặc định để thông tin giao dịch này ngay lập tức được chuyển về Cục PCRT.
Theo đó, thực tế, Cục PCRT đã nắm được thông tin. Tuy nhiên, nếu theo các quy định PCRT hiện nay, các DN phải có nghĩa vụ báo cáo thêm một lần nữa. Nếu DN không báo cáo, DN sẽ rơi vào danh sách các tổ chức có thông tin các giao dịch giá trị lớn mà không báo cáo của cơ quan PCRT, thậm chí sẽ bị liệt vào danh sách đáng ngờ. Đáng ra, chỉ những giao dịch không qua ngân hàng mới buộc phải báo cáo, còn những giao dịch đã qua ngân hàng, việc báo cáo này là không cần thiết.
Vậy, theo ông hướng xử lý của vấn đề này như thế nào?
Trên thực tế, chúng ta đang khuyến khích các hoạt động không dùng tiền mặt. Đây chính là mấu chốt xử lý triệt để hoạt động PCRT. Tuy nhiên, cách làm hiện tại không những gây khó, mà thậm chí còn đẩy DN đi ngược với mục đích của PCRT. Nhiều DN thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, bỗng dưng bị lọt vào “danh sách đen” của cơ quan PCRT. Chính vì vậy, họ sẽ đối phó bằng cách chuyển sang giao dịch tiền mặt nhiều hơn, hoặc cắt nhỏ số tiền chuyển khoản cho đỡ phiền phức…
Thực tế cho thấy, những thông tin khi giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng rất dễ dàng để nắm bắt. Giả sử, nếu có nghi ngờ, Cục PCRT có quyền yêu cầu DN công khai giao dịch. Theo tôi, một mặt cần có sự phổ biến tuyên truyền thông tin cho DN hiểu và chủ động phối hợp với cơ quan PCRT thực hiện các cơ chế nhận biết, báo cáo đối với những giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ. Mặt khác, nên giảm bớt thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN, mà cụ thể ở đây, đối với các giao dịch thực hiện qua hệ thống ngân hàng, chỉ nên quản lý một đầu mối báo cáo gồm các ngân hàng thực hiện giao dịch. Điều này sẽ vừa phù hợp với thực tế, tránh mất thời gian cho DN, vừa giúp DN giảm bớt sai phạm trong quy định về PCRT.