Cơ chế 5 cấp độ trong giải quyết án tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00

Lần đầu tiên cơ chế giải quyết án tham nhũng 5 cấp độ được thông tin tới báo chí tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Cơ chế 5 cấp độ trong giải quyết án tham nhũng

Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013 - 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay. Lần đầu tiên cơ chế giải quyết án tham nhũng 5 cấp độ được thông tin tới báo chí.

Không oan sai, không nhẹ tay

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, kết quả công tác PCTN đạt được trong nhiệm kỳ này ngoài nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) là cực kỳ quan trọng.

Ông Dũng cũng cho biết về các cấp độ trong giải quyết những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Cụ thể, để đẩy nhanh các vụ việc, vụ án có nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ thì sẽ kéo dài do nhận thức khác nhau. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo đề ra cơ chế phối hợp để đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng.

Theo đó, vụ án, vụ việc nào có khó khăn, vướng mắc thì thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan dự để trao đổi, nếu vẫn chưa thống nhất thì Trưởng ban Nội chính tổ chức họp liên ngành để giải quyết, gọi là cấp độ 1. Nếu vẫn chưa giải quyết được thì chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành. Trường hợp cấp độ 2 cũng chưa giải quyết xong thì chuyển sang cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư là Trưởng ban họp lại để giải quyết. Nếu vẫn chưa xong thì sẽ họp toàn thể Ban Chỉ đạo, đó là cấp độ 4. Ở cấp độ này, nếu vẫn chưa giải quyết được thì sẽ tiến hành cấp độ 5 là họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đó là cơ chế 5 cấp độ.

“Ngoài ra, còn có cơ chế phối hợp giữa các bộ, cục, vụ của cơ quan liên ngành, thường xuyên hội ý Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng Thường trực và Trưởng ban Nội chính Trung ương. Chưa kể, còn thành lập ban chỉ đạo riêng về các vụ án phức tạp. Cơ chế này đem lại hiệu quả rất cao”, ông Dũng trao đổi thêm.

Ông Võ Văn Dũng cũng khẳng định, Ban Chỉ đạo không chỉ đạo về tội danh, hình phạt cụ thể, mà đặt ra yêu cầu làm thế nào đảm bảo tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải nghiêm minh. Án tham nhũng không được làm trễ, bởi làm trễ thì dân suy nghĩ, nên Ban Chỉ đạo phải giám sát rất chặt chẽ.

Không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm

Thông tin tại cuộc họp báo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã nêu những mốc thời gian quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN. Năm 2006, Đại hội X của Đảng đánh giá, tham nhũng có chiều hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Sau đó, lần đầu tiên Hội nghị Trung ương 3, khoá X ban hành nghị quyết chuyên đề về ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Đến năm 2012, sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 3, mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt được.

Hội nghị Trung ương 5, khóa XI sau đó đã ban hành nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá là thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

“Trước đó, đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhưng do Thủ tướng làm Trưởng ban”, ông Học nói.

Theo ông Học, qua 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đánh giá, tham nhũng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn. Còn báo cáo tại Quốc hội vừa qua, Chính phủ cũng nhìn nhận là tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm.

“Phải khẳng định là tham nhũng được kiềm chế và ngăn chặn rất nhiều so với năm 2012”, ông Học nhấn mạnh.

Nêu rõ yêu cầu của Tổng Bí thư về tổng kết công tác PCTN từ năm 2013 đến nay, ông Học cho biết, việc tổng kết phải khẳng định được kết quả công tác PCTN thời gian qua và lan tỏa thành quả này. Thông qua tổng kết, khẳng định quyết tâm tiếp tục phòng chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, khẳng định công tác này không làm cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội, không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, do Tổng Bí thư đứng đầu, tới nay đã đưa hơn 800 vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo 3 cấp độ.

Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; xét xử phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, đã chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo, xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 481 bị cáo.

Tin bài liên quan