Cơ cấu nợ của doanh nghiệp nhà nước: Sáu ưu tiên hành động

0:00 / 0:00
0:00
Sáu ưu tiên hành động dưới đây nếu được giải quyết, sẽ giúp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có được vị thế tốt hơn để vay nợ hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
DNNN đóng vai trò chi phối trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện năng suất của Việt Nam. Ảnh: Đ.T

DNNN đóng vai trò chi phối trong các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện năng suất của Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Nghiên cứu của ADB

Tỷ lệ nợ và bảo lãnh của Chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Việt Nam đã lên tới mức cao nhất là 64% trong năm 2016. Việc Chính phủ cho vay và bảo lãnh các khoản vay của DNNN đã giúp thúc đẩy quá trình mở rộng tài khóa này. Với mục tiêu không vượt quá trần nợ công theo luật định là 65%, Việt Nam đã áp dụng một số cải cách tài khóa, trong đó có việc thúc giục các DNNN tăng mức nợ dựa trên bảng cân đối kế toán của mình, chứ không dựa vào Chính phủ.

Kết quả là, nhiều DNNN giờ đây không còn vay nợ thông qua Chính phủ, nhưng họ vẫn sử dụng nợ chưa hiệu quả. Đó là một vấn đề lớn. Các DNNN chiếm 29% GDP năm 2016 và 7 trong số 10 tổng công ty lớn nhất Việt Nam trong năm 2018 là DNNN. Những DNNN này đóng vai trò chi phối trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện năng suất của Việt Nam.

Nếu các DNNN gặp khó khăn, Việt Nam sẽ khó khăn. Điều này còn đúng hơn ở thời điểm hiện tại so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, do các nguồn lực của Chính phủ được cần đến hơn bao giờ hết để bảo đảm sức khỏe cộng đồng và phục hồi kinh tế.

Để giúp làm rõ những vấn đề này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tiến hành một nghiên cứu nhằm xác định các DNNN lành mạnh về tài chính. Nghiên cứu cũng đem lại kết quả thứ hai là xác định những chủ đề rộng hơn mà nếu được giải quyết, sẽ giúp các DNNN có được vị thế tốt hơn để vay nợ hiệu quả hơn.

Dưới đây là 6 ưu tiên hành động trong tương lai mà chúng tôi đã xác định là một phần của nghiên cứu chưa được công bố:

Nợ có thể mang lại kỷ luật

Thứ nhất là cơ cấu tốt hơn. Với đặc điểm chung của các khoản vay ngân hàng trong nước tại Việt Nam, các DNNN chủ yếu dựa vào nợ với lãi suất thả nổi, thường có kỳ hạn ngắn hơn so với vòng đời kinh tế của các tài sản được tài trợ. Điều này mang tới rủi ro lãi suất và rủi ro tái cấp vốn. Thị trường trái phiếu đem lại cho các DNNN cơ hội tốt nhất để bảo đảm nguồn tài trợ được cơ cấu tốt hơn, song họ chưa tận dụng hết cơ hội này một cách có hiệu quả, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2017.

Một vấn đề cơ cấu có liên quan, đặc biệt đối với cơ sở hạ tầng, là tài trợ cho dự án. Cơ cấu khoản vay này dựa vào việc tạo ra một công ty phục vụ mục đích đặc biệt và các dòng tiền được khoanh giữ. Trong rất nhiều trường hợp, nó mang lại cho bên vay sự thuận tiện để vay vốn với thời hạn dài hơn so với các khoản vay cho công ty mẹ. Việc sử dụng rộng rãi hơn hình thức này sẽ giúp các DNNN Việt Nam kết nối tốt hơn giữa thời hạn vay vốn với các vòng đời kinh tế của tài sản.

Thứ hai là vay nhiều hơn? Có một định kiến cho rằng, các DNNN vay nợ quá nhiều. Mặc dù Việt Nam chắc chắn có một số DNNN có đòn bẩy nợ cao, song tình trạng mắc nợ quá nhiều không phải là phổ biến và nghịch lý là vay nợ quá ít có thể lại là một vấn đề.

Nợ nhiều hơn làm gia tăng rủi ro tài chính, nhưng cũng làm tăng lợi nhuận của Chính phủ trên vốn chủ sở hữu đã đầu tư. Hơn nữa, nợ có thể mang lại kỷ luật. Với tiền mặt được dùng để trả lãi, sẽ có ít sự cám dỗ hơn khi ưu tiên cho các khoản chi tiêu tùy ý. Chúng tôi nhận thấy, khá nhiều DNNN có thể chấp nhận tỷ lệ nợ cao hơn, từ đó có thể giải phóng dòng tiền cho các khoản đầu tư mới, hoặc chia lợi tức cho Chính phủ.

Thứ ba là các báo cáo tài chính có thể được tiếp cận và so sánh. Đối với rất nhiều DNNN, cần phải tăng cường công tác báo cáo tài chính. Trong số 11 DNNN được nghiên cứu, không phải tất cả đều công bố báo cáo tài chính trên trang web của mình và chỉ 5 doanh nghiệp có ý kiến kiểm toán có chất lượng. Số lượng ít doanh nghiệp công bố báo cáo sẽ làm hạn chế sự minh bạch. Việc 5 đơn vị có ý kiến kiểm toán có thể đặt ra những câu hỏi và trong một số trường hợp, báo cáo kiểm toán có chất lượng sẽ khiến bên cho vay đầu tư tiền vào nơi khác.

Báo cáo tài chính của các DNNN cũng có thể đóng vai trò lớn hơn để thu hút các bên cho vay quốc tế. Tất cả các doanh nghiệp thuộc nhóm mẫu của nghiên cứu đều chỉ công bố báo cáo theo các tiêu chuẩn kế toán Việt Nam, chứ không phải các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế được chấp nhận trên toàn cầu. Và trong phạm vi ưu tiên vay nợ nước ngoài, cần phải có các báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, nhưng hầu như rất ít báo cáo trong nhóm mẫu nghiên cứu có bản tiếng Anh.

Thứ tư là xếp hạng tín nhiệm. Một hạn chế khác đối với việc thu hút vốn hiệu quả là thiếu xếp hạng tín nhiệm. Có lẽ hơn một nửa các DNNN sẽ được xếp hạng nếu có một cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước có uy tín. Việt Nam đã cấp phép cho 2 công ty trong nước, nhưng cả 2 đều chưa xác lập uy tín trên thị trường. Nếu một trong 2 công ty này - hoặc đơn vị khác tham gia thị trường sau này - càng nhanh chóng xác lập được uy tín, thì việc xếp hạng các DNNN sẽ càng dễ dàng và ít tốn kém hơn.

Nợ nhiều hơn làm gia tăng rủi ro tài chính, nhưng cũng làm tăng lợi nhuận của Chính phủ trên vốn chủ sở hữu đã đầu tư.

Thứ năm là trần nợ chính phủ. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung vào dữ liệu tài chính, không xem xét những tiêu chí chủ quan có thể đòi hỏi phải tương tác chuyên sâu hơn với các cấp quản lý và sự hiểu biết sâu sắc hơn các ngành nghề cụ thể. Nhưng có một số lượng lớn đáng kinh ngạc các DNNN - chỉ dựa trên tài chính của họ - đã được định vị xếp hạng tín nhiệm cao hơn xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Nói cách khác, các DNNN này sẽ có được xếp hạng cao hơn nếu Việt Nam có xếp hạng cao hơn.

Tiềm năng của các DNNN này và những doanh nghiệp khác ở Việt Nam có xếp hạng tốt hơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Điều này sẽ đòi hỏi ít đòn bẩy hơn trong lĩnh vực ngân hàng và góp phần giảm mức độ nợ công và bảo lãnh nhà nước.

Thứ sáu là thoái vốn. Một hạn chế khác đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia luôn được các tổ chức xếp hạng nêu ra là những nghĩa vụ ngầm định mà Chính phủ có thể phải hỗ trợ một DNNN gặp khó khăn tài chính. Để giảm những nghĩa vụ tiềm tàng này, Nhà nước cần giảm tỷ lệ sở hữu trong DNNN. Cổ phần hóa (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 100%) và thoái vốn (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51%) cũng mang lại những lợi ích khác. Rất nhiều nghiên cứu đã xác nhận lợi ích của các biện pháp này ở Việt Nam (cũng như các nơi khác) trong việc thúc đẩy tính hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận của các DNNN.

Việc xác định một nhóm các DNNN có cơ sở tài chính vững vàng sẽ không mở ra kỷ nguyên yên bình trong cải cách DNNN. Tuy nhiên, đó là một bước đi.

Càng có nhiều DNNN Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn mới được cơ cấu tốt hơn thông qua các bảng cân đối kế toán của riêng mình, thì họ càng được lợi nhiều hơn từ kỷ luật thị trường, càng có thể tài trợ nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và các nhu cầu phát triển quan trọng khác và Chính phủ càng có thể ưu tiên nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống Covid-19 và các nhu cầu cấp bách khác mà chỉ Chính phủ mới có thể giải quyết.

Tin bài liên quan