Thu nhập từ tín dụng chỉ còn chiếm khoảng 45% tổng thu nhập, trong khi tỷ trọng này các năm là 70-80%.
Báo cáo tài chính quý III/2014 của một số ngân hàng cho thấy, đến cuối tháng 9/2014, huy động vốn tăng mạnh so với hồi đầu năm. Huy động vốn của NCB tăng xấp xỉ 32%; DongABank tăng 14%; Sacombank tăng 18,5%; PVcomBank tăng 24%... Dòng tiền chảy vào ngân hàng vẫn mạnh trong khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 5,5%/năm cho thấy, kênh tiết kiệm vẫn được người dân lựa chọn. Tuy nhiên, đầu ra của tín dụng vẫn rất khó khăn. Ngoại trừ số ít ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh như Sacombank (12,6%), NCB (25,2%); ACB (7,12%)..., nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất chậm, thậm chí tăng trưởng âm như DongA Bank, Eximbank, ABBank.
Tín dụng khó tăng, nhưng không vì thế mà các NHTM ồ ạt đẩy vốn ra thị trường. Ngược lại, các nhà băng càng tỏ ra thận trọng trong việc cung ứng vốn để hạn chế rủi ro. Vì thế, nguồn thu từ tín dụng của các nhà băng cũng giảm dần trong 3 quý đầu năm nay.
Tại DongA Bank, Ngân hàng đạt thu nhập lãi thuần 238 tỷ đồng trong quý III, giảm 64,4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 13,3%, xuống 13 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ lãi 165 tỷ đồng, tăng 55,7% so với cùng kỳ. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lãi gần 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 63 tỷ đồng từ 2 mảng này. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của DongABank giảm 41,4%, xuống 1.102 tỷ đồng, nhưng lãi từ dịch vụ tăng 20,3% đạt 356 tỷ đồng trong khi kinh doanh ngoại hối tăng 75% lên 63 tỷ đồng. Chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư 9 tháng lãi gần 58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 94 tỷ đồng. Tín dụng âm, kéo theo nguồn thu từ hoạt động này giảm, song do nợ quá hạn của DongA Bank đến cuối tháng 9/2014 lên trên 13%, đòi hỏi Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 139 tỷ đồng trong quý III khiến Ngân hàng lỗ 76 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng của Sacombank trong quý III/2014 đều có lãi. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 227 tỷ đồng, từ kinh doanh ngoại hối lãi hơn 23 tỷ đồng, từ chứng khoán đầu tư đạt xấp xỉ 49 tỷ đồng, hoạt động khác hơn 16 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi từ dịch vụ đạt 677 tỷ đồng, từ kinh doanh ngoại hối đạt 152 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 203 tỷ đồng); từ chứng khoán kinh doanh lãi 119 tỷ đồng và hoạt động khác lãi 120 tỷ đồng. Tín dụng của Sacombank đến cuối tháng 9 tăng trưởng 12,6% so với cuối năm 2013, song thu nhập từ lãi 9 tháng chỉ tăng 5,2%, đạt 5.311 tỷ đồng.
Với ACB, hoạt động dịch vụ đem lại khoản lãi 184 tỷ đồng trong quý III và 504 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng lần lượt 26% và 17,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 998 tỷ đồng trong quý III/2014, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần giảm 5,9%, xuống 3.421 tỷ đồng, cho dù dư nợ tín dụng ACB tăng trưởng 7%. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng, khiến Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, kéo lợi nhuận trước thuế quý này giảm 36,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ACB là 1.071 tỷ đồng, giảm 27,6% so với cùng kỳ.
Do nhu cầu vốn lúc này đang trầm lắng nên các ngân hàng cũng phải ưu đãi lãi suất để chọn đợc khách hàng tốt, thậm chí thấp hơn trần lãi suất huy động với kỳ hạn ngắn. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, hoạt động tín dụng trong bối cảnh này rất khó kỳ vọng lợi nhuận, vì Ngân hàng phải chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM phân trần, nhiều người cho rằng, hoạt động của ngân hàng vẫn lãi khủng và “ăn trên lưng” doanh nghiệp, nhưng nếu nhìn vào thực tế tổng tài sản cũng như vốn điều lệ của Ngân hàng thì có thể thấy, lãi thu về của các ngân hàng rất thấp. Điển hình, vốn điều lệ Eximbank hiện đạt trên 10.000 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm qua, ngân hàng này chỉ đạt hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Eximbank đưa ra trong năm nay chỉ ở mức khiêm tốn 1.800 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng khó có thể đạt được. Khó đẩy vốn vào khách hàng doanh nghiệp, nhiều ngân hàng buộc phải mua trái phiếu chính phủ với lãi suất rất thấp, chỉ 4-5%/năm để có thu nhập trả lãi cho người gửi tiền.
Báo cáo từ NHNN TP. HCM cho thấy, thu nhập từ tín dụng chỉ còn chiếm khoảng 45,1% tổng thu nhập của các NHTM trên địa bàn đến cuối tháng 9/2014. Trong khi tỷ trọng này những năm trước kia lên tới 70-80%. 9 tháng đầu năm, các NHTM trên địa bàn lãi trên 4.600 tỷ đồng. Tính chung các TCTD trên địa bàn thì con số này 14.200 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.